Liệu chúng ta có thật sự cần khai thác tài nguyên thiên nhiên ở mức như hiện tại?. Ảnh: dailysabah.

 
Hân Nguyễn Thứ Tư | 28/09/2022 16:16

Biến rác thải thành "gia tài": Cơ hội nào cho chúng ta trong nền kinh tế tuần hoàn?

Sự thật là chúng ta đã dùng quá nhiều và lãng phí cũng không ít.

Trong bối cảnh sự quan tâm dành cho các vấn đề về môi trường ngày càng gia tăng còn tài nguyên thì dần cạn kiệt, chúng ta cần chuyển dịch sang một mô hình tiêu dùng mới để có thể vừa hỗ trợ phát triển kinh tế vừa giúp gìn giữ hành tinh, đó chính là kinh tế tuần hoàn. Cơ hội và thách thức nào đang chờ chúng ta phía trước?

Ngày Trái đất Quá tải (Earth Overshoot Day) là một khái niệm do Andrew Simms, một nhà nghiên cứu thuộc viện nghiên cứu New Economics Foundation của Anh, khởi xướng và sau này được tổ chức Global Footprint Network phổ biến rộng rãi. Đó là thời điểm nhân loại đã sử dụng hết tài nguyên sinh học Trái đất tái tạo được trong năm đó. Năm nay, Ngày Trái đất Quá tải rơi vào 28/7, nghĩa là vào ngày này, chúng ta đã “tiêu” hết toàn bộ “ngân sách” tài nguyên thiên nhiên của năm 2022 trên toàn thế giới. Mỗi năm, cột mốc này càng ngày càng bị đẩy sớm lên Hơn. Năm 1970, chúng ta chạm ngưỡng này 2 ngày trước khi kết thúc năm. Năm nay, ngày trái đất “hụt hơi” diễn ra sớm tới 156 ngày trước khi 2022 khép lại.

 

Sự thật là chúng ta đã dùng quá nhiều và lãng phí cũng không ít. Hãy nghĩ tới lượng tài nguyên bạn đã dùng trong tuần qua: số quần áo bạn mua, lượng thực phẩm bạn ăn, quãng đường bạn di chuyển. Rồi, giờ hãy nghĩ tới những thứ bạn ném vào thùng rác: những món đồ nhựa dùng một lần như túi nylon, chai nước, cốc đựng cà phê, ống hút, hộp đựng, thìa…

Không chỉ vậy, việc khai thác, chế biến và sản xuất hàng hóa cho xã hội còn tạo ra tới 62% lượng phát thải khí nhà kính trên toàn cầu. Mức phát thải cao đáng ngạc nhiên này xuất phát từ việc sử dụng tài nguyên và xử lý rác thải kém hiệu quả, chỉ riêng quá trình xử lý chất thải rắn đã “đóng góp” khoảng 1,6 tỉ tấn cacbon phát thải vào môi trường, tương đương với lượng phát thải của 350 triệu chiếc xe hơi chạy trên đường. Ngoài ra, một lượng lớn rác thải và ô nhiễm cũng phát sinh từ đây. Hiện tại, 60% chất thải được chuyển đến các bãi chôn lấp hoặc lò đốt rác, làm tổn hại đến môi trường tự nhiên. Vấn đề này càng đáng báo động hơn khi tốc độ tạo ra rác thải trên toàn thế giới được dự báo sẽ tăng 70% vào năm 2050, theo Ngân hàng Thế giới.

Liệu chúng ta có thật sự cần khai thác tài nguyên thiên nhiên ở mức như hiện tại? Chúng ta có thể đạt cân bằng phát thải nếu không cân bằng xả thải? Câu trả lời là không. Vậy chúng ta có thể làm gì ?

Chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn

 

Có nhiều định nghĩa về nền kinh tế tuần hoàn. Theo quan điểm của HSBC, kinh tế tuần hoàn là mô hình thay thế cho mô hình tuyến tính vốn chỉ gồm ba giai đoạn là sản xuất, sử dụng và thải loại. Mô hình này khuyến khích phát triển bền vững thông qua thiết kế sản phẩm, hệ thống và quy trình tập trung vào tái chế và tái sử dụng, từ đó giảm thiểu rác thải, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và mang lại lợi ích hiệu quả.

Tuần hoàn nghĩa là dịch chuyển từ quy trình sản xuất – tiêu dùng – thải loại sang quy trình khép kín hơn nơi rác thải được coi như nguyên liệu thô và đưa trở lại vào quy trình, nơi sản phẩm và các hệ thống được thiết kế sao cho thuận tiện cho việc tái chế và đó cũng là nơi chúng ta tận dụng nhiều hơn chứ không chỉ đơn thuần là dùng và thải loại. Chuyển dịch sang mô hình kinh tế tuần hoàn có thể giúp bảo tồn tài nguyên khan hiếm, bảo vệ môi trường, khai mở tiềm năng phát triển kinh tế bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Ở mô hình tuyến tính hiện tại, tài nguyên thiên nhiên đang bị vắt kiệt. Trong nhiều thập kỷ tới, hàng triệu người trên thế giới sẽ gia nhập tầng lớp trung lưu khiến tiêu dùng toàn cầu còn bị đẩy lên cao hơn nữa. Tài nguyên thì có hạn trong khi con người lại khai thác vô biên, một mô hình mới hướng tới thịnh vượng kinh tế trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Rõ ràng, thế giới tuyến tính ngày nay không còn bền vững khi lượng tài nguyên “rút ruột” từ hành tinh này đang tăng lên gần 2% mỗi năm.

Nền kinh tế tuyến tính đi theo hướng “khai thác-sản xuất-thải loại”, nguyên liệu thô sau khi thu thập được chuyển hóa thành sản phẩm để sử dụng đến khi trở thành rác thải. Nếu không kiểm soát kỹ, nền kinh tế tuyến tính sẽ tạo ra quá nhiều sản phẩm, hủy hoại môi trường trong quá trình đó do khai thác tài nguyên không giới hạn, phát thải các-bon quá mức, ô nhiễm ngoài ý muốn và rác thải chồng chất.

Khác với kinh tế tuyến tính, nền kinh tế tuần hoàn đòi hỏi sự thay đổi mang tính hệ thống, chuyển dịch sang một mô hình mà ở đó tài nguyên sẽ được tái sử dụng lâu nhất có thể bằng cách tối ưu hóa việc tận dụng công năng hàng tiêu dùng và tích cực tái chế nguyên liệu không dùng tới.

Tác động lớn lao

 

Nền kinh tế tuần hoàn có thể giúp chúng ta tiết kiệm năng lượng và tài nguyên. Đồng thời, nó cũng mang lại nhiều lợi ích kinh tế, thậm chí rất lớn lao. Chuyển dịch sang nền kinh tế tuần hoàn có thể đóng góp thêm cho sản lượng kinh tế 4,5 nghìn tỉ USD vào năm 2030 và 25 nghìn tỉ USD vào năm 2050 nhờ tận dụng hiệu quả tài nguyên hơn, thêm nhiều việc làm được tạo ra trong các ngành đòi hỏi kỹ năng cao hơn bên ngoài lĩnh vực khai thác tài nguyên và xả thải. Theo dự báo của Tổ chức Lao động Thế giới (ILO), “trong bối cảnh kinh tế tuần hoàn, số lượng việc làm toàn thế giới sẽ tăng thêm 0,1% vào năm 2030 so với bối cảnh thông thường”. Việc làm sẽ phát triển trong các lĩnh vực dịch vụ và quản lý rác thải, tương ứng mức tăng khoảng 50 triệu và 45 triệu việc làm. Diễn đàn Kinh tế Thế giới ước tính tới năm 2025, tái chế, tái sử dụng và tái sản xuất có thể giúp khai phá một nghìn tỉ USD từ nguồn tài nguyên đã qua sử dụng và giảm 100 triệu tấn rác thải trên toàn cầu.

Bất chấp những lợi ích lớn lao này, thế giới của chúng ta mới chỉ tuần hoàn được 9%. Còn rất nhiều việc phải làm để chuyển dịch thế giới này xa hơn khỏi mô hình tuyến tính. Có hai yêu cầu chính để “khép kín vòng tròn” liên quan đến quản lý tài nguyên bền vững và quản lý rác thải. Đó chính là nơi khởi nguồn cho nhiều cơ hội, từ doanh nghiệp công nghệ phát triển nguyên liệu mới, sản phẩm mới, quy trình mới cho mô hình khép kín đến các doanh nghiệp cam kết chuyển dịch theo hướng tuần hoàn bền vững. Cơ hội mở ra cho cả doanh nghiệp lẫn nhà đầu tư.

1. Đổi mới tư duy về quản lý chuỗi cung ứng

Chúng ta cần đổi mới tư duy về các chuỗi cung ứng theo hướng tích cực. Lấy ví dụ như hoạt động sản xuất, sử dụng và thải loại điện thoại di động: theo số liệu của Eurostat 2010, 85% điện thoại di động cũ kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp, 6% được tái sử dụng và 9% được tái chế. Không một chiếc nào được tái sản xuất. Số lượng điện thoại di động sử dụng ngày càng tăng trên toàn thế giới càng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tái sử dụng và tái chế điện thoại cầm tay càng nhiều càng tốt.

Đặt giả thiết chúng ta có thể tái sản xuất 21% điện thoại di động bằng cách tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thu gom và khuyến khích người tiêu dùng tham gia thu gom điện thoại cũ khi mua sản phẩm mới, những chiếc điện thoại cũ này có thể đẩy ngược vào chuỗi cung ứng ở khâu “sản xuất sản phẩm”. Linh kiện còn hoạt động tốt có thể tách ra và đưa vào sản phẩm mới. Trong trường hợp này, lượng điện thoại di động kết thúc vòng đời tại các bãi chôn lấp ước tính giảm xuống còn 50%. Trong khi các hãng điện thoại lớn xem xét ý tưởng này để dịch chuyển chuỗi cung ứng theo hướng tuần hoàn hơn thì IKEA, hãng đồ nội thất Thụy Điển, đã hiện thực hóa ý tưởng đó từ năm 2019 bằng cách thử nghiệm cho thuê đồ nội thất và tân trang đồ cũ để bán nhằm kéo dài thêm vòng đời của sản phẩm.

2. Tái thiết kế sản phẩm

Để chuyển dịch sang mô hình tuần hoàn, sản phẩm ban đầu sẽ cần bền hơn, chất lượng cao hơn và có thiết kế thuận tiện cho tái sử dụng và tái chế sau này. Hãy cùng bàn luận về một trong những món đồ được dùng phổ biến nhất thế giới: chai nước uống. Hiện nay, phần lớn chai nước được đóng gói bằng nhựa.

Dùng vật liệu tái chế là một cách để giải quyết vấn đề ô nhiễm nhựa. Một giải pháp khác là áp dụng thiết kế đóng gói phù hợp dùng lại chai rỗng và giải pháp này không chỉ giới hạn trong mảng nước uống đóng chai. Ý tưởng này cũng khả thi với một loạt sản phẩm đồ ăn cho phép khách hàng tự mang đồ đựng đến mua gạo, ngũ cốc… Nhà bán lẻ thực phẩm Waitrose của Anh đã bắt đầu thử nghiệm bao bì hộp đựng tái sử dụng ở siêu thị. Chương trình mới này đã góp phần giảm đáng kể rác thải và mang lại lợi ích kinh tế cho khách hàng vì hầu hết sản phẩm có bao bì hộp đựng tái sử dụng được bán với giá thấp hơn nhờ tiết kiệm được chi phí đóng gói (mức giảm lên tới 15%).

 

3. Tái chế

Chúng ta thường có xu hướng lựa chọn con đường dễ dàng cho dù điều đó đồng nghĩa với môi trường bị tổn hại. Vì vậy, doanh nghiệp càng tạo điều kiện cho người tiêu dùng dễ dàng tái chế (bằng quy trình đơn giản hoặc đi kèm lợi ích), chúng ta càng tiến gần hơn tới sự tuần hoàn. Bản thân doanh nghiệp cũng được hưởng lợi khi làm như vậy nhờ bóc tách linh kiện có giá trị hoặc nguyên liệu thô từ sản phẩm đã qua sử dụng, giảm chi phí.

Lấy ví dụ như TH Group hồi tháng 4, họ khởi động chiến dịch trao tặng những món quà thân thiện môi trường cho khách hàng thu gom đủ 20 vỏ hộp, không phân biệt nhãn hiệu hay nhà sản xuất, được làm sạch và gấp gọn tới cửa hàng TH true mart để tái chế. Họ gọi đó là trao cho vỏ hộp sữa “một cuộc đời mới”.

4. Biến rác thải thành năng lượng

Đây là quá trình thu giữ năng lượng tạo ra trong quá trình đốt rác để phục vụ cho sản xuất. Biến rác thải thành năng lượng giúp chúng ta dịch chuyển dần khỏi chu trình tuyến tính và tiến gần hơn tới nền kinh tế tuần hoàn nhờ tạo ra năng lượng từ nguồn tài nguyên vốn thường bị chôn lấp trong lòng đất.

Hội đồng Năng lượng Thế giới (World Energy Council), trích dẫn một nghiên cứu năm 2015, phát hiện rằng phát thải từ hoạt động đốt rác thấp hơn chôn lấp 40%, càng nhấn mạnh tiềm năng của ý tưởng biến rác thải thành năng lượng nhằm giảm phát thải bên cạnh vai trò thay thế nhiên liệu hóa thạch. Nhiều quốc gia và doanh nghiệp gần đây đã công bố đầu tư vào các quy trình biến rác thải thành năng lượng. Mặc dù hướng đi này còn nhiều tranh cãi ở một số nơi trên thế giới, đây vẫn là một tiền đề hữu ích phần nào đóng góp vào mô hình kinh tế khép kín.

Có thể bạn quan tâm:

Lợi ích cộng thêm từ kinh tế tuần hoàn ngày càng lớn