Hầu hết mọi thứ được nuôi trồng ở Mỹ đều phải đối mặt với căng thẳng về biến đổi khí hậu. Ảnh: Getty Images.
Biến đổi khí hậu và "báo động đỏ" tình trạng thiếu lương thực
Tương ớt Srirancha, của công ty Huy Fong Foods do một người gốc Việt sáng lập, là một loại gia vị phổ biến, rất được yêu thích trên thị trường thế giới. Có người thậm chí còn xăm hình hoặc hóa trang thành một chai tương ớt Srirancha trong dịp Halloween.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi sự thiếu hụt của loại gia vị này khiến người tiêu dùng tranh giành nhau từng chai trên kệ hàng.
Huy Fong Foods, công ty miền Nam California sản xuất 20 triệu chai Srirancha hàng năm, đã trải qua tình trạng trữ lượng ớt đỏ trong kho thấp nhất trong những năm gần đây, vì mất mùa.
Nguyên nhân? Điều kiện thời tiết và hạn hán khắc nghiệt.
Không chỉ ớt, các nhà sản xuất mù tạt ở Pháp và Canada cho biết thời tiết khắc nghiệt đã khiến sản lượng hạt giống giảm 50% vào năm ngoái, dẫn đến tình trạng thiếu gia vị trên các kệ hàng tạp hóa. Nắng nóng gay gắt, bão mạnh hơn, hạn hán, lũ lụt, hỏa hoạn và thay đổi lượng mưa cũng đang ảnh hưởng đến chi phí và số lượng của các mặt hàng chủ lực, bao gồm lúa mì, ngô, cà phê, táo, sô cô la và rượu vang. Khủng hoảng khí hậu đang làm tăng cường độ và tần suất của các hiện tượng thời tiết cực đoan - và nó đang khiến sản xuất lương thực gặp rủi ro.
Lúa mì và ngũ cốc là các loại cây trồng dễ dàng bị ảnh hưởng nhất. Tại Great Plains, nơi hầu hết lúa mì của Mỹ được thu hoạch, hạn hán đã làm ảnh hưởng đến vụ mùa đông. Trong khi đó ở Montana, lũ lụt đang đe dọa các cây ngũ cốc.
Điều này trở nên cấp thiết vì Mỹ không có thặng dư lớn và không thể lấp đầy khoảng trống toàn cầu về nguồn cung lúa mì mà cuộc chiến tại Ukraine để lại.
Tác động của cuộc khủng hoảng khí hậu đối với cây ngũ cốc còn vượt ra ngoài nước Mỹ. Tại Ấn Độ, một đợt nắng nóng gay gắt đã gây hại cho vụ lúa mì trong suốt mùa xuân và mùa hè. Khi nhiệt độ tại Ấn Độ chạm mốc hơn 48 độ C vào tháng 5, chính phủ đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu lúa mì, khiến giá cả tăng cao hơn cả khi Nga tấn công Ukraine.
Táo là một loại thực phẩm khác cũng nằm trong diện rủi ro. Vụ thu hoạch táo năm ngoái ở Michigan và Wisconsin đã bị ảnh hưởng vì băng giá kéo dài vào mùa xuân. Theo USDA, những thay đổi về khí hậu, chẳng hạn như ấm lên, có thể dẫn đến năng suất, tăng trưởng thấp hơn và thay đổi chất lượng trái cây.
Thời tiết khắc nghiệt cũng ảnh hưởng đến giá cà phê. Trong khoảng thời gian từ tháng 04/2020 đến tháng 12/2021, giá cà phê tăng 70% sau khi hạn hán và sương giá phá hủy mùa màng ở Brazil, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất thế giới. Sự phân chia kinh tế có thể rất sâu sắc, vì ước tính có tới 120 triệu người nghèo nhất thế giới phụ thuộc vào sản xuất cà phê để tồn tại.
Khủng hoảng khí hậu cũng sẽ thay đổi nơi nông dân có thể trồng cacao và sự thiếu hụt sô cô la dự kiến sẽ xảy ra trong những năm tới do thời tiết ngày càng khô hạn ở Tây Phi.
Một vườn nho thường cho ra 40.000 đến 50.000 chai Champagne hàng năm, nhưng lại không sản xuất được gì vào năm 2021 do nhiệt độ cao và mưa lớn.
Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu nhiệt độ tăng thêm 2 độ C, các vùng trồng nho có thể bị thu hẹp tới 56%. 4 độ C có nghĩa là 85% các khu vực đó sẽ không thể sản xuất rượu vang ngon nữa. Biến đổi khí hậu và các kiểu thời tiết thất thường sẽ thay đổi bản đồ rượu vang của thế giới.
Sản xuất lương thực là nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng khí hậu và cũng là nạn nhân của nó. Chuyển đổi hệ thống lương thực sẽ đòi hỏi một loạt các hành động, bao gồm tăng cường đa dạng cây trồng, đưa ra các dự đoán về khí hậu cho nông dân trên toàn thế giới, mở rộng các chương trình bảo tồn và cung cấp bảo hiểm cho người nông khi thời tiết thay đổi (lượng mưa, tốc độ gió vượt ngưỡng được thiết lập).
Chính quyền ông Biden đang hỗ trợ nghiên cứu về “khí hậu thông minh”, một cách tiếp cận để quản lý đất trồng trọt, rừng, thủy sản và vật nuôi nhằm giải quyết những thách thức đan xen của cuộc khủng hoảng khí hậu và an ninh lương thực.
Vào tháng 5, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông António Guterres, nói rằng các thảm họa liên quan đến khí hậu và thời tiết khắc nghiệt là nguyên nhân dẫn đến nạn đói toàn cầu và 1,7 tỉ người đã bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khí hậu trong thập kỷ qua.
Các chuyên gia cho biết nếu các hành động thiết thực không được thực hiện, giá cả đồ ăn sẽ tăng, trữ lượng nước sẽ giảm và gây ra ảnh hưởng trực tiếp đến các nước nghèo hơn hay tầng lớp người Mỹ có thu nhập thấp, gây khó khăn cho mọi thứ từ bữa trưa ở trường đến các chương trình viện trợ lương thực.
Có thể bạn quan tâm:
Kinh tế Mỹ bước qua quý II đầy khó khăn
Nguồn The Guardian