
Cây tre có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng và khả năng hấp thụ CO2 cao. Ảnh: TL.
Bền vững với tre
Nhắc đến tre, người ta thường nghĩ đến những công trình đầy tính thẩm mỹ được lắp ghép từ hàng ngàn thân tre cao vút. Thế nhưng, để tre có thể tạo ra cuộc cách mạng xanh trong vật liệu xây dựng, thì loại vật liệu thuộc nhóm gỗ này cần được sản xuất ở quy mô công nghiệp và có khả năng thay thế bê tông, sắt, thép để xây nên những tòa nhà cao tầng. Cụ thể, tre được gia công thành tre gỗ khối (bamboo mass timber). The Brainy Insights ước tính nhu cầu của thị trường gỗ khối, trong đó có tre, đạt 2,15 tỉ USD vào năm 2033 với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm lên đến 8%.
Thuộc nhóm vật liệu xây dựng gỗ có sẵn trong tự nhiên, việc ứng dụng tre vào kiến trúc cũng lâu đời như lịch sử của những ngôi nhà quê. Tre vốn quen thuộc với người Việt. Với danh mục lên đến hơn 60 loài tre bản địa, loài cây nhiều đốt phân bổ khắp từ vùng núi Tây Bắc đến đất mũi Cà Mau, từ Phan Thiết đến Tây Nguyên.
“Tre có khả năng hấp thụ CO2 rất cao so với các loại cây khác”, Tiến sĩ Diệp Thị Mỹ Hạnh, người đã xây dựng Làng tre Phú An và đã có gần 3 thập kỷ gắn bó với cây tre, nói với NCĐT. Nghiên cứu của Tiến sĩ Mỹ Hạnh trên những con đường tre cho thấy lượng hấp thụ CO2 của tre vào khoảng 50 tấn/ha. Cá biệt, loài tre gai có khả năng hấp thụ CO2 rất cao, ở mức 191 tấn/ha.
![]() |
So với xi măng, thép, bê tông gai dầu, ngay cả vật liệu gỗ, vật liệu xây dựng bằng tre có lượng khí hấp thụ thải CO2 và lưu trữ carbon cao nhất. Một nghiên cứu từ Đại học Lâm nghiệp Nam Kinh tiết lộ lượng carbon lưu trữ của các thành phần lắp ráp bằng tre trên 1 tấn cao hơn khoảng 140 kg so với lượng carbon lưu trữ của gỗ trên 1 tấn.
Nhẹ, bền và dồi dào, tre là một trong những vật liệu xây dựng xanh nhất trên trái đất, khiến các tòa nhà tre trở thành một trong những công trình bền vững nhất. Sợi tre có thể sánh ngang với thép khi nói đến độ bền kéo, nhưng có lẽ lợi thế lớn nhất của nó là tốc độ tăng trưởng (một số loài có thể tăng trưởng tới 90 cm/ngày), cho phép nó tái sinh nhanh chóng sau khi thu hoạch và hấp thụ nhiều carbon hơn hầu hết các loại cây. Loại vật liệu thân rỗng này khả năng tái tạo cao khi có thể thu hoạch trong vòng 5-6 năm, chỉ bằng 1/3 thời gian so với gỗ.
Là một nước nhiệt đới, Việt Nam sở hữu bộ sưu tập giống tre phong phú, trong đó có rất nhiều loại được đánh giá thuộc nhóm tốt nhất thế giới để phục vụ xây dựng. “Cùng với gỗ thì tre sẽ là nguyên liệu thay thế các nguồn vật liệu xây dựng khác trong tương lai”, ông Nguyễn Mạnh Bình San, Phó Chủ tịch Chi hội ngành Gỗ Xây dựng (SAWA) thuộc Hiệp hội Xây dựng và Vật liệu xây dựng TP.HCM (SACA), phân tích với NCĐT.
![]() |
Một nghiên cứu về ứng dụng của tre làm vật liệu xây dựng từ Đại học Kỹ thuật và Công nghệ tại Pakistan cho biết tính chất của tre kỹ thuật tương đương với gỗ và có thể được sử dụng trong xây dựng dưới dạng tre ép và tre ghép. Thân tre cũng có thể được sử dụng làm các thành phần kết cấu như dầm và cột. “Tre ngày càng phổ biến vì được sử dụng trong bê tông. Mặc dù cần phải nghiên cứu thêm để phát triển các kỹ thuật liên kết thích hợp giữa bê tông và cốt tre, nhưng đây có thể là giải pháp thay thế khả thi cho cốt thép thông thường”, nghiên cứu kết luận.
Tuy vậy, nhược điểm của loại vật liệu có dấu chân carbon âm này là chi phí đắt đỏ. Ít người dùng, gỗ tre ép hiện đắt gấp 6 lần bê tông và 4 lần thép cho cùng một cấu kiện. “Vì thịt cây tre mỏng nên cần ghép nhiều lớp khiến chi phí cao”, ông Bình San, chuyên gia về nhà lắp ráp có nhiều năm kinh nghiệm với tre, nhận xét.
Một nguyên nhân khác khiến người dùng e dè với gỗ tre là việc chưa có đánh giá đầy đủ về tác động lên môi trường của quá trình xử lý công nghiệp. “Người dùng chấp nhận trả giá cao hơn để dùng vật liệu thân thiện với môi trường với điều kiện chứng minh được quy trình xử lý không gây tác động ngược lại”, vị Phó Chủ tịch SAWA nói thêm.
Cuối cùng, chưa có tiêu chuẩn xây dựng cho vật liệu gỗ và tre khối lớn tại Việt Nam. “Chúng tôi đang cùng các tổ chức để góp sức xây dựng bộ tiêu chuẩn áp dụng cho gỗ xây dựng”, ông Bình San cho biết.
Cho đến khi được sản xuất ở quy mô công nghiệp để hạ giá thành, chưa có công trình lớn nào trên thế giới sử dụng vật liệu tre ép. Trong lúc đó, một ứng dụng lâu đời khác của tre là trong lĩnh vực hàng thủ công mỹ nghệ đang được nhiều tổ chức xem xét. Trong khi tre trồng chủ yếu phục vụ cho xây dựng và sản xuất sản phẩm công nghiệp, vật liệu tre khai thác từ rừng tự nhiên được sử dụng để sản xuất hàng thủ công tre. Đây là cách vừa gia tăng giá trị của ngành sản xuất tiểu thủ công trong nước, vừa giảm bất bình đẳng giới nhờ tạo ra thu nhập gia tăng cho phụ nữ ở nông thôn.
Thực vậy, hàng thủ công tre đóng vai trò là thành phần chủ chốt của ngành thủ công mỹ nghệ Việt Nam với hơn 700 làng nghề trên toàn quốc. “Người phụ nữ phải quán xuyến công việc nhà và chăm sóc con cái, do đó hầu như quanh quẩn trong nhà. Một công việc giúp họ vừa có mặt tại nhà, vừa chủ động được thời gian và tạo ra thu nhập sẽ giúp họ tự tin hơn”, Tiến sĩ Mỹ Hạnh nói.