Xây dựng hệ sinh thái công nghiệp, hướng đi mới để thu hút nguồn vốn FDI
Bất động sản công nghiệp Việt Nam tiếp tục được đánh giá là vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, so với 4 năm trước nhu cầu thuê của khách hàng đã thay đổi theo hướng cần nhiều dịch vụ được tích hợp, thời gian triển khai ngắn hơn.
Điều này buộc các doanh nghiệp cho thuê bất động sản công nghiệp phải thay đổi. NCĐT đã trao đổi với ông Trương Khắc Nguyên Minh, Phó Tổng Giám đốc KCN Việt Nam, về những thách thức và cơ hội của ngành kinh doanh này trong ngắn hạn.
FDI vẫn là yếu tố quan trọng thúc đẩy bất động sản công nghiệp Việt Nam phát triển. Và 2023 là một năm thành công khi vốn giải ngân cao nhất tính từ năm 2019. Ông đánh giá như thế nào về xu hướng FDI năm nay?
Kết thúc năm 2023, Việt Nam đã tiếp đãi các lãnh đạo cao cấp nhất của 2 nền kinh tế lớn trên thế giới là Mỹ và Trung Quốc. Đó là tín hiệu rất khả quan đối với dòng vốn FDI trong năm 2024.
Về định lượng, theo thống kê của Cục Đầu tư Nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/2 tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt hơn 4,29 tỉ USD, tăng 38,6% so với cùng kỳ; vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 2,8 tỉ USD, tăng 9,8%.
Bản thân chúng tôi cũng nhận ra sự thay đổi rất rõ rệt của khách hàng. Nếu như trước đây khách chỉ có nhu cầu thuê thì hiện nay họ chia sẻ với chúng tôi cả các giai đoạn phát triển và yêu cầu các dịch vụ hỗ trợ để họ hoàn thành mục tiêu đó. Đó là dấu hiệu tích cực.
Có sự thay đổi trong nhu cầu thuê của khách hàng không, thưa ông?
Dữ liệu của chúng tôi gần đây cho thấy nhu cầu thuê đã khác so với trước kia. Nếu trước đây khách hàng chỉ có nhu cầu thuê nhà xưởng và kho riêng biệt thì nay nhu cầu này là kết hợp để phục vụ mục tiêu sản xuất và xuất khẩu. Việc xuất khẩu của khách hàng tăng cao cũng làm cho nhu cầu về dịch vụ tạm nhập tái xuất, khu phi thuế quan phát triển theo. Thứ đến, trước đây khách hàng ưu tiên thuê đất, xây nhà máy và chỗ ở chuyên gia thì hiện nay dịch chuyển dần sang thuê nhiều thay vì tự làm.
Về vị trí thuê khu công nghiệp, không có nhiều thay đổi vì các khách hàng ở Trung Quốc trong quá trình mở rộng sẽ ưu tiên tìm kiếm khu vực phía Bắc để tối ưu chi phí vận chuyển nguyên vật liệu. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ và châu Âu sẽ tìm kiếm khu vực trong Nam nhiều hơn. Việc lựa chọn vị trí còn tùy vào chiến lược kinh doanh của từng doanh nghiệp như xuất khẩu, hay cung cấp cho thị trường nội địa mà họ sẽ lựa chọn các khu công nghiệp gần trung tâm.
Trong bối cảnh như vậy, KCN Việt Nam đã chuẩn bị gì để đáp ứng nhu cầu của khách hàng?
Có 3 yếu tố chúng tôi chuẩn bị để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Đầu tiên là tính linh hoạt. Như đã chia sẻ ở trên, nhu cầu đang thay đổi nên chúng tôi phải đáp ứng về mặt sản phẩm hiện đã có nhà xưởng và kho hỗn hợp (kết hợp nhà xưởng sản xuất và nhà kho) để khách hàng thuận tiện trong sản xuất và linh hoạt trong việc xuất khẩu hàng hóa một cách hiệu quả nhất.
Bên cạnh đó, khi sản xuất tăng, nhu cầu lưu trữ hàng hóa cũng tăng nên chúng tôi còn phát triển các nền tảng kho bãi, cụ thể là kho ngoại phục vụ việc xuất nhập khẩu.
Thứ 2 là hạ tầng. Hiện chúng tôi sở hữu 200 ha đất khu công nghiệp ở miền Bắc và Nam nhưng chúng tôi vẫn tiếp tục tìm cơ hội gia tăng quỹ đất thông qua việc M&A hoặc hợp tác cùng các bên.
Thứ 3 là phát triển khu công nghiệp sinh thái để cung cấp tiện ích cho khách hàng. Đây là định hướng mới và quan trọng của chúng tôi trong năm nay.
Lấy ví dụ, một khu công nghiệp có 15 doanh nghiệp, mỗi doanh nghiệp có đến 300 công nhân thì việc xây dựng bếp ăn có thể là vấn đề về chi chí với khách hàng.
Chúng tôi nhìn bài toán rộng hơn là với 15 doanh nghiệp như vậy sẽ có 4.500 công nhân. Đây là cơ sở hình thành khu dịch vụ phức hợp cho các doanh nghiệp kinh doanh ăn uống tham gia.
Không những thế, các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái kinh doanh như tư vấn thuế, tư vấn luật đầu tư, tư vấn kế toán hay dịch vụ đưa đón cho đối tác cũng có thể tham gia, từ đó hình thành một cộng đồng kinh doanh bền vững.
Ông đánh giá như thế nào về xu hướng ESG? Liệu đó có phải là yếu tố cần thiết để thu hút khách hàng trong thời gian tới?
Chúng tôi xác định phát triển bền vững là yếu tố lâu dài và đã có các bước chuẩn bị như lấy chứng chỉ LEED cho tất cả các dự án mới của KCN Việt Nam, xây dựng lộ trình ESG. Ngoài ra, chúng tôi cũng đang xúc tiến việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái để cung cấp nguồn năng lượng sạch cho tất cả các dự án.
Quan điểm của chúng tôi là ESG sẽ trở thành một tiêu chuẩn chung của tất cả các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp nên sẽ là lợi thế cho những doanh nghiệp nào có sự chuẩn bị trước. Do đó, chúng tôi xác định KCN Việt Nam phải đi trước và đi vững trong mặt trận quan trọng ESG.
Như đã chia sẻ ở trên, nhu cầu khách hàng ngày càng đa dạng nên để thu hút họ và phát triển bền vững, bên cạnh yếu tố hạ tầng, tầm nhìn, tính chuyên nghiệp thì các doanh nghiệp bất động sản công nghiệp phải đáp ứng được tính linh hoạt trong sản phẩm và dịch vụ tư vấn, hỗ trợ. Có như vậy thì mới thu hút và giữ chân khách hàng.