Trần Chung Thứ Tư | 06/11/2024 15:30

Hàng rào của những cánh rừng net zero

Phát triển bể hấp thụ carbon thông qua “nuôi” rừng đang được nhiều doanh nghiệp quan tâm và đầu tư.Nhưng việc thiếu các hướng dẫn cụ thể về cơ chế hợp tác

"Lần sau gặp lại, chắc các “bạn” đã cao qua đầu”, Ánh Thúy vừa đăng tải lên mạng xã hội dòng trạng thái và chia sẻ hình ảnh những cây mắm đang vây quanh mình giữa bãi bồi phù sa. Cô là 1 trong gần 100 thành viên của Vinamilk đã trực tiếp tới Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau để tham gia dự án khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên mang tên “Cánh rừng Net Zero” tại Đất Mũi, điểm cực Nam Tổ quốc.

RỪNG TỰ NHIÊN, KHÔNG CỨ “TỰ NHIÊN” MÀ CÓ

Khác với trồng rừng thông thường, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên là biện pháp mà con người dựng nên những dãy hàng rào cừ tràm và căng lưới để giữ cho hạt mắm khi rụng xuống bãi bồi, được giữ lại ở khu vực khoanh nuôi, không bị trôi ra biển, rồi phát triển thành rừng. Đây là phương pháp tái sinh hiệu quả đã được Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau triển khai từ năm 2020 đến nay, giúp tái sinh hơn 300 ha rừng tự nhiên.

Trong vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và Vườn Quốc gia, bà Huyền Đỗ, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia, cho biết rất bất ngờ khi nhiều cấp giám đốc điều hành, quản lý cấp cao của Vinamilk cũng xuống tận nơi để cùng nhân viên chung tay dựng hàng rào bảo vệ cây. Họ lội bùn vào tận khu vực những cây mắm vừa tái sinh để theo dõi tốc độ cây sinh trưởng hay cùng tham gia các buổi tuyên truyền, nâng cao ý thức cho người dân về bảo vệ rừng.

“Họ nghiêm túc để tâm tới cánh rừng và muốn mọi thành viên trong Công ty hiểu rõ về tầm quan trọng của dự án đối với mục tiêu Net Zero năm 2050 mà doanh nghiệp đề ra”, bà Huyền nói về dự án “Cánh rừng Net Zero” mà Vinamilk đang triển khai và cho biết thêm, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên là công việc không đơn giản.

Ngoài tổ chức những buổi truyền thông để nâng cao ý thức bảo vệ rừng cho cộng đồng, Gaia và Vinamilk còn dựng những biển báo lớn để người dân không vào khu vực khoanh nuôi. Bởi tàu thuyền, con người đi vào sẽ vô tình giẫm chết cây con hoặc khiến phù sa không thể lắng xuống, không đủ độ đặc cho hạt mắm bám rễ sinh trưởng. Lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng của Vườn Quốc gia cũng tăng cường tuần tra, giám sát khu vực này trong 6 năm - khoảng thời gian cần thiết để cây mọc kín bãi bồi.

Bên cạnh đó, hằng năm các bên liên quan đều phải thực hiện công tác kiểm đếm, lập báo cáo đánh giá chi tiết từ số lượng cây, chiều cao, sức sinh trưởng... Khi có diễn biến thời tiết bất lợi, sâu bệnh..., các bên tiếp tục phối hợp để khắc phục, đảm bảo mục tiêu đề ra ban đầu. Cụ thể là tái sinh 25 ha rừng với khoảng 250.000 cây, tạo bể hấp thụ carbon có trữ lượng ước tính 62.000-73.000 tấn CO2 quy đổi, tương đương với lượng phát thải của gần 16.000 chiếc xe ô tô chở khách thông thường trong một năm.

Với ý nghĩa quan trọng này, ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau, đánh giá, sự tham gia của doanh nghiệp, mạnh thường quân và cộng đồng quốc tế trong phát triển các bể hấp thụ carbon thông qua quỹ đất rừng là rất đáng quý. Do vậy, tỉnh ưu tiên mời gọi giới doanh nghiệp, yêu cầu các ban quản lý rừng hợp tác cùng doanh nghiệp trong khoanh nuôi, bảo vệ rừng.

NHỮNG HÀNG RÀO VÔ HÌNH CẦN ĐƯỢC THÁO GỠ

Những dãy hàng rào tại khu vực khoanh nuôi tái sinh rừng ngập mặn đang bảo vệ để những cây con lớn lên. Nhưng cũng có các hàng rào vô hình khác sẽ cần được tháo gỡ để những cánh rừng được nhân rộng hơn nữa.

Việc thiếu thông tin hướng dẫn, các quy định chi tiết về quyền sở hữu và sử dụng carbon rừng khiến nhiều doanh nghiệp đang có phần e dè hoặc chuyển hướng đầu tư cho mô hình khác. Thực tế, không chỉ có Vinamilk, thời gian qua, hàng chục doanh nghiệp lớn như BAT Việt Nam, Onsemi, Saitex, Nestlé, P&G hay FPT Software... cũng mong muốn phát triển quỹ đất rừng, từ đó hình thành những bể hấp thụ carbon, phục vụ mục đích trung hòa carbon trong sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, Gaia đã bị bỏ qua nhiều cơ hội hợp tác do vướng những hàng rào này.

“Ngoài các báo cáo chúng tôi cung cấp theo thực tế, doanh nghiệp thực hiện dự án trồng rừng chưa nhận được bất kỳ cam kết chính thức nào từ cơ quan nhà nước. Nhiều công ty đang xem xét lại. Như thay vì đầu tư cho trồng rừng trong nước, họ có các phương án khác như mua tín chỉ carbon ở thị trường thế giới cho nhanh, vì chưa biết việc xác định quyền carbon rừng sẽ được thực hiện như thế nào trong tương lai”, bà Huyền Đỗ của Gaia cho biết và bày tỏ hy vọng rằng thị trường carbon rừng Việt Nam sớm đi vào hoạt động để làm cơ sở tính toán lợi ích cho doanh nghiệp khi đầu tư trồng rừng.

Ông Lê Văn Dũng, Giám đốc Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau, cũng chia sẻ, không ít doanh nghiệp quan tâm, đặt vấn đề đồng hành cùng Vườn để phát triển bể hấp thụ carbon. Theo ông, đây là nguồn lực bổ sung quan trọng để mở rộng diện tích rừng, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu thông qua giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, đơn vị cũng đang gặp vướng vì chưa có hướng dẫn cụ thể.

“Điều này phần nào hạn chế nguồn lực tài chính lớn mà Nhà nước có thể huy động vào mục đích chung là tăng diện tích che phủ rừng, làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. Vườn đang chờ hướng dẫn từ Bộ, ngành liên quan”, ông Dũng nói.

Một số thiếu hụt về chính sách carbon rừng được Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Bá Ngãi, nguyên Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Lâm nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn), Phó Chủ tịch Hội Chủ rừng Việt Nam, chỉ ra như chưa có quy định về sở hữu carbon rừng trong mối quan hệ với quyền sở hữu rừng, quyền sử dụng rừng; chưa có quy định về carbon rừng khi được xác nhận dưới dạng tín chỉ carbon là tài sản của rừng cũng như sản phẩm hàng hóa của rừng được “đối xử” ngang bằng như gỗ hay lâm sản ngoài gỗ.

Nói về kinh nghiệm trên thế giới, Thạc sĩ Đặng Bùi Khuê, Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam, chia sẻ thực tế triển khai tại Thái Lan, một quốc gia cùng khu vực ASEAN. “Với các dự án tương tự, nhà đầu tư được hưởng khoảng 30-50% lượng tín chỉ carbon quy đổi của khu rừng, khoảng 20% thuộc về phía chính quyền địa phương, còn lại là lợi ích cho cộng đồng dân cư. Cơ chế chia sẻ này phải nhận được sự đồng thuận từ tất cả các bên và công khai, minh bạch”, vị chuyên gia bổ sung đơn vị này sẽ tham gia thẩm định ngay từ lúc khởi tạo dự án nhằm xác định các bên liên quan bao gồm cộng đồng địa phương, chính quyền bản địa và tổ chức đầu tư.

Trong khi đó, tại các quốc gia EU, lợi ích, quyền sở hữu carbon rừng sẽ được tính toán dựa trên nhiều khía cạnh gồm loại dự án (trồng rừng mới, bảo vệ rừng hiện có hay quản lý rừng bền vững); phương pháp tính toán tín chỉ carbon; chi phí đầu tư dự án; giá tín chỉ carbon và các yếu tố khác như rủi ro trong quá trình thực hiện dự án, điều khoản hợp đồng giữa doanh nghiệp và chủ rừng.

ĐỂ CÓ THÊM NHỮNG “CÁNH RỪNG NET ZERO”

Để lấp những khoảng trống chính sách hiện tại, đại diện Hội Chủ rừng Việt Nam cho rằng, hệ thống cơ sở pháp lý cần được bổ sung các quy định về sở hữu carbon rừng, quy định carbon rừng là lâm sản và quản lý carbon rừng.

Theo ông Ngãi, để carbon rừng là lâm sản và trở thành hàng hóa như các loại lâm sản khác, tại Khoản 16, Điều 2, Luật Lâm nghiệp (2017), cần bổ sung thêm “carbon được hấp thụ và lưu giữ trong rừng là một loại lâm sản”. Khi đã được công nhận là một loại lâm sản thì các nội dung liên quan đến quản lý, sử dụng carbon rừng cần được quy định chi tiết tại các điều trong Luật Lâm nghiệp và văn bản dưới luật. Cùng với đó, để xác định rõ quyền carbon rừng, quy định về quyền sở hữu, sử dụng carbon rừng nằm trong quyền sở hữu rừng và quyền sử dụng rừng cần được bổ sung.

Cũng theo ông Ngãi, Chính phủ cần ban hành quy trình, thủ tục cho việc lập dự án đầu tư kinh doanh tín chỉ carbon rừng theo tiêu chuẩn carbon rừng quốc tế; các quy định về thẩm tra dự án, xác minh tín chỉ carbon bởi tổ chức độc lập; phát hành tín chỉ; xây dựng cơ chế tài chính carbon rừng và chia sẻ lợi ích phù hợp với từng loại dự án.

Sớm có hướng dẫn cụ thể về cơ chế hợp tác cũng là điều mà nhiều doanh nghiệp đang chờ đợi, giúp họ có thể chủ động đóng góp nguồn lực cùng phát triển các bể hấp thụ carbon. Chẳng hạn, tại Vinamilk, trồng rừng, hình thành quỹ cây xanh vẫn là một trong những chiến lược lớn của doanh nghiệp này với mục đích trung hòa carbon cho chính hoạt động sản xuất của mình, hướng tới cam kết đạt Net Zero vào năm 2050.

Vinamilk hiện là doanh nghiệp duy nhất của ngành sữa có được các nhà máy, trang trại đạt trạng thái trung hòa carbon được quốc tế công nhận nhờ những nỗ lực hình thành bể hấp thụ và cắt giảm phát thải. Chiến lược nhắm đến Net Zero của doanh nghiệp rõ ràng là không đổi, nhưng đi nhanh hay chậm, đầu tư nguồn lực như thế nào là bài toán không chỉ riêng của Vinamilk.

“Biến đổi khí hậu đang tác động lớn tới hành tinh và cuộc sống. Nếu chúng ta không hành động sớm, tốc độ gia tăng nhiệt độ của trái đất sẽ ngày càng nhanh. Chúng tôi mong Chính phủ và chính quyền các địa phương có những hướng dẫn cụ thể, tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp có tiềm lực, đầu tư vào các cánh rừng, cùng đóng góp cho mục tiêu Net Zero năm 2050 của quốc gia”, ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc Điều hành Sản xuất kiêm Trưởng Dự án Net Zero của Vinamilk, bày tỏ.

Là một quốc gia có tỉ lệ che phủ rừng lớn (42%), năm 2021 Việt Nam có khoảng 612 triệu tấn carbon lưu giữ trong rừng, trong đó 80% đến từ rừng tự nhiên. Nếu được đầu tư mở rộng diện tích, những cánh rừng sẽ còn phát huy vai trò to lớn hơn nữa trong mục tiêu quốc gia về Net Zero đã được cam kết vào năm 2050.