Ảnh: Qúy Hòa.

 
Thiên Phong Thứ Hai | 11/03/2019 14:00

Yeah1 thêm áp lực từ YouTube

Yeah1 sẽ ra sao khi Youtube đòi “nghỉ chơi”?

Đ ầu tư triệu USD cho các thương vụ thâu tóm, mua lại các công ty quản lý kênh trên nền tảng YouTube, nhưng Yeah1 đang gặp thách thức rất lớn khi bị nền tảng video số 1 thế giới đòi “nghỉ chơi”.

Mới đây, Yeah1 cho biết YouTube sẽ ngừng thỏa thuận lưu trữ nội dung với tất cả các công ty con của Yeah1 có hoạt động liên quan đến YouTube AdSense, cụ thể là Yeah1 Network, ScaleLab và SPRINGme sau ngày 31.3.2019. Thỏa thuận này cho phép các công ty trên được tuyển chọn kênh YouTube của bên thứ 3, quản lý, hỗ trợ về quảng cáo và các hoạt động liên quan trên Google AdSense. Điều này đồng nghĩa với việc Yeah1 nhiều khả năng mất nguồn thu từ hoạt động truyền thống làm nên tên tuổi của Công ty.

Yeah1 them ap luc  tu YouTube
 

Thông báo của Yeah1 cũng cho biết, động thái của YouTube bắt nguồn từ SPRINGme (Thái Lan), một công ty do Yeah1 sở hữu 16,5% cổ phần, có hoạt động tuyển chọn kênh trái với quy định của YouTube. Dù vậy, hệ quả là Yeah1 phải chịu trách nhiệm liên đới với 2 nền tảng còn lại.

Trên thị trường, Yeah1 là cổ phiếu gây nhiều tranh cãi về mô hình kinh doanh “mới lạ”, nhưng mức giá IPO lại quá cao. Sự cố này thêm lần nữa củng cố mối lo ngại về khả năng hoạt động và những rủi ro khó lường trong ngành quảng cáo kỹ thuật số nói chung. Giá cổ phiếu YEG của Yeah1 đã giảm sàn liên tiếp 2 phiên gần đây, xuống còn 212.000 đồng/cổ phiếu, trong khi vốn hóa thị trường bốc hơi gần 900 tỉ đồng.

Đáng nói, thách thức về lâu dài đối với ông chủ Yeah1 là rất lớn, vì quảng cáo từ YouTube là một nguồn thu đáng kể đối với các “tân binh” trên thị trường chứng khoán. Dù vậy, ban lãnh đạo Yeah1 vẫn trấn an cổ đông rằng lợi nhuận từ mảng này chỉ đóng góp 13% lợi nhuận sau thuế trong năm 2018, tức khoảng 1 triệu USD (báo cáo chưa kiểm toán).

Yeah1 them ap luc  tu YouTube
 

Trong khi đó, báo cáo tài chính năm 2018 của Yeah1 cho biết gần 90% lợi nhuận đến từ mảng kinh doanh kỹ thuật số trên nền tảng YouTube, trong đó có YouTube AdSense. Mức lợi nhuận này tăng đến 93% so với năm trước đó, cho thấy nền tảng kỹ thuật số trên YouTube đang là định hướng chủ lực của Yeah1. Mảng này chiếm khoảng 56% doanh thu và 89% lợi nhuận của Tập đoàn trong năm 2018.

Sự cố với Yeah1 diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp này đang tăng cường mua lại các công ty quản lý kênh YouTube trên toàn thế giới. Chẳng hạn như thương vụ ScaleLab vào cuối năm ngoái. ScaleLab thành lập năm 2013 và hiện đóng góp 3 tỉ lượt xem mỗi tháng cho YouTube nhờ có hơn 410 triệu người theo dõi. Trước đó, Yeah1 đã mua lại SPRINGme (Thái Lan), SomethingBig (Pháp).

Yeah1 them ap luc  tu YouTube
 

Những công ty quản lý mạng đa kênh (MCN) này hoạt động theo mô hình quản lý nhiều kênh YouTube khác nhau, nhận khoảng 55% doanh thu từ YouTube và chi lại khoảng 70-95% con số doanh thu cho các đối tác YouTube.

Mở rộng độ phủ là việc bắt buộc đối với các công ty quản lý mạng đa kênh như kiểu Yeah1 đang làm. Tuy nhiên, số lượng tăng quá nhanh đã mang lại rủi ro thấy rõ cho Yeah1. Đó là không kiểm soát được nội dung video trên kênh YouTube. Do đó, chuyện vi phạm các quy định là câu chuyện không sớm thì muộn. Hiện nay, lãnh đạo Yeah1 cho biết đang làm rõ thêm với YouTube về “bản chất hoạt động, uy tín và trách nhiệm của từng đơn vị độc lập trực thuộc Tập đoàn Yeah1” và mong cổ đông chờ đợi kết quả cuối cùng.

Tuy nhiên, trên thực tế, Yeah1 đang nỗ lực phát triển thêm nhiều mảng khác để tránh rủi ro “dồn trứng vào một rổ” như kiểu YouTube ở trên. Chẳng hạn như đưa mô hình nhóm nhạc thần tượng nữ (học theo Hàn Quốc) SG048, hay thành lập các quỹ đầu tư vào phim, hay các ý tưởng mới nhưng vẫn liên quan đến việc phát triển nội dung kỹ thuật số.

Và theo thông tin mới cập nhật thì ngày 8.3, Hội đồng Quản trị Yeah1 cũng đã thông qua quyết định chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần tại Scalelab mà công ty đã mua hồi đầu năm nay. Theo lãnh đạo Yeah1, công ty đưa ra quyết định là nhằm để bảo toàn lợi ích cho cổ công sau những sự cố vừa qua.