Thực tế, thị trường Mỹ đang có những yếu tố bất lợi cho nhà xuất khẩu.
Xuất khẩu tính kế giữ vị thế
Trong một chia sẻ bên lề với báo chí, ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Hội đồng Quản trị của Thủy sản Sao Ta (FMC), xác nhận: “Ngành tôm Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại khi xuất khẩu, nhất là sang Mỹ”. Tuy nhiên, nhìn trên báo cáo của Sao Ta, doanh số tiêu thụ 8 tháng năm 2022 đạt 161,9 triệu USD (tương đương 3.807 tỉ đồng), vẫn tăng so với cùng kỳ. Đặc biệt, trong tháng 8 vừa qua, doanh số đạt 22 triệu USD, gấp đôi tháng 8/2021.
Ông Hồ Quốc Lực cho biết, đó là nhờ Công ty đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng có giá trị gia tăng. Cụ thể, Sao Ta đang tập trung vào những sản phẩm tôm chế biến sâu, hoặc các sản phẩm tiện lợi sử dụng. Công ty cũng đang chuyển tỉ trọng xuất khẩu từ Mỹ sang Nhật bởi thị trường này yêu cầu các sản phẩm chế biến tỉ mỉ. Chuyển hướng sang Nhật cũng là cách để Sao Ta giảm chi phí giá cước, gia tăng hiệu quả hoạt động. Bởi cước vận chuyển từ Việt Nam sang Mỹ đã ở mức 4.000-5.000 USD/container (40 feet), tăng gấp 4-5 lần so với trước đây.
Cùng lúc đó, để chủ động nguồn nguyên liệu, hạ giá vốn thành phẩm, Sao Ta thông qua công ty mẹ PAN đã hoàn tất việc đầu tư, chuyển giao tài sản tại cơ sở nuôi 203 ha. Công ty đặt mục tiêu có 500 ha nuôi tôm đến năm 2025, từ mức 302 ha khai thác hiện tại.
Thực tế, thị trường Mỹ đang có những yếu tố bất lợi cho nhà xuất khẩu. Bộ Lao động Mỹ cho biết, trong tháng 6 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng nước này đã tăng vọt lên mức cao chưa từng có kể từ năm 1981. Điều này buộc người dân Mỹ chi tiêu dè dặt hơn. Nghiên cứu từ Forest Trends chỉ ra, trong 45 doanh nghiệp xuất khẩu sang Mỹ thì có 33 công ty thừa nhận doanh thu xuất khẩu trong quý II/2022 đã giảm bình quân gần 39,6% so với các tháng đầu năm.
Thách thức khác cho các doanh nghiệp xuất khẩu là hàng Việt Nam bị cạnh tranh gay gắt. Chẳng hạn, Ecuador vừa có nguyên liệu giá rẻ, lại nằm gần Mỹ nên dẫn đầu xuất khẩu tôm vào Mỹ, chiếm tới 40% thị phần. Hay tôm của Ấn Độ, Indonesia cũng cạnh tranh về giá hơn và đang chiếm 20% thị phần.
Trong bối cảnh đó, chọn phân khúc giá trị gia tăng để vào Mỹ và giảm sự chi phối từ thị trường này là cách ứng phó của Sao Ta. Riêng Gỗ An Cường quyết tiến sâu hơn vào thị trường Mỹ khi ký kết với Sumitomo Forestry America (Nhật) để trở thành nhà cung cấp toàn bộ nội thất cho các dự án mà Sumitomo Forestry America đầu tư tại Mỹ.
Ông Lê Đức Nghĩa, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Gỗ An Cường, kỳ vọng: “Sự hợp tác sẽ giúp giá trị xuất khẩu của An Cường vào Mỹ tăng lên từ 30-50 triệu USD mỗi năm”. Hiện tại, Sumitomo Forestry America đã đầu tư hàng tỉ USD vào Mỹ và đang xây dựng, kinh doanh hàng chục ngàn căn nhà tại Mỹ mỗi năm.
Chiến lược mở rộng sang các thị trường như Trung Đông, châu Phi cũng được các doanh nghiệp tính đến. Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2022, hồ tiêu xuất khẩu của Việt Nam chiếm 14,5%, quế chiếm 4,3% thị phần khu vực Trung Đông và chiếm lần lượt 5,9%, 3,6% thị phần tại châu Phi.
Tuy nhiên, ông Trương Xuân Trung, Tham tán thương mại Thương vụ Việt Nam tại UAE, lưu ý, chứng nhận Halal là giấy thông hành để các sản phẩm của Việt Nam được tiêu thụ tại các thị trường Hồi giáo. Ngoài ra, khi xuất khẩu vào Trung Đông, các doanh nghiệp cần lưu ý các loại thuế quan thường được sửa đổi liên tục và xem xét rủi ro trong thanh toán TT (chuyển tiền bằng điện).
Có thể thấy, mở rộng thị trường, chuyển đổi mặt hàng, tập trung vào sản phẩm cho giá trị gia tăng cao, thay đổi cách thức tiếp cận khách hàng và bán hàng... là những phương kế được các doanh nghiệp tính đến trong bối cảnh thị trường xuất khẩu còn nhiều khó khăn.
Tuy nhiên, trong ngành tôm, hướng đi chế biến chuyên sâu có thể bị Ecuador, Indonesia, Ấn Độ bắt kịp trong 5-10 năm tới khi các quốc gia này cũng đang tăng cường đầu tư máy móc công nghệ. Vì thế, ông Lê Văn Quang, Tổng Giám đốc Thủy sản Minh Phú, từng khuyến cáo, để tránh bị vượt mặt, mất vị thế dẫn đầu trong ngành chế biến tôm, Việt Nam cần đầu tư ngược trở lại khâu nuôi để giảm giá thành, duy trì sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Theo ông Quang, Việt Nam đang nuôi tôm với chi phí rất cao, cao hơn 30% so với Ấn Độ, Indonesia và cao hơn 2,5-3 lần so với Ecuador. Muốn học theo Ecuador, Việt Nam cần tạo lợi thế về quy mô lên đến hàng ngàn ha và tạo môi trường nuôi gần với tự nhiên nhất có thể. Mô hình lý tưởng nhất là tôm lúa luân canh. “Tôi đang phối hợp với các tỉnh ven biển để thực hiện quy hoạch lại vùng nuôi. Tuy nhiên, việc này cũng còn rất chậm”, ông Quang cho biết.
Với ngành dệt may, để giữ vị thế xuất khẩu đứng thứ 2 thế giới, ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), cho rằng: “Việt Nam đã mất đi ưu thế về giá rẻ, nên cần phải có những lợi thế khác để bù đắp vào”. Một trong những yếu tố mà các chuỗi cung ứng quan tâm là khả năng cung ứng trọn gói trong khi hầu hết doanh nghiệp Việt hiện chỉ làm mỗi khâu may. Theo ông Trường, điều này đòi hỏi ngành dệt may Việt Nam phải sản xuất được cả sợi, vải và may. Ngành cũng cần tiên phong làm những sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế và định hướng tới là sản phẩm tuần hoàn.