Thứ Sáu | 29/03/2013 09:47

Xuất khẩu giúp Việt Nam vượt qua suy thoái toàn cầu

Xuất khẩu hàng hoá tăng trưởng 20% năm 2012 là con số ấn tượng giúp Việt Nam vượt qua suy thoái toàn cầu cách xuất sắc. Dự báo mức tăng trưởng GDP Việt Nam trên 5%/năm sẽ được duy trì bền vững trong trung hạn, nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ từ khu vực xuất khẩu nông nghiệp và dòng vốn FDI đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Đó là nội dung báo cáo của HSBC về triển vọng giao thương Việt Nam đến năm 2030 do công ty Oxford Economics thực hiện.

Báo cáo nhận định, đến năm 2030, Mỹ, Trung Quốc và Nhật vẫn là ba đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam, tuy nhiên Trung Quốc sẽ vượt qua vị trí dẫn đầu của Mỹ. Mức xuất khẩu nội vùng (trừ Nhật) giai đoạn 2013 – 2020 dự báo tăng trưởng hơn 15%; Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia và Malaysia trở thành những đối tác xuất khẩu lớn của Việt Nam sau Trung Quốc. Tăng trưởng hàng hoá xuất khẩu vẫn dựa vào lợi thế ở các lĩnh vực sản xuất có chi phí thấp như quần áo, dệt may, sản xuất đồ gỗ, thiết bị điện tử viễn thông…

Cùng với tăng trưởng xuất khẩu, Việt Nam trở thành nước nhập khẩu lớn về máy móc công nghiệp để đáp ứng nhu cầu sản xuất ngày càng có quy mô lớn hơn. Ước tính tỷ lệ máy móc công nghiệp chiếm 25% nhập khẩu hàng hoá giai đoạn 2013 – 2015, sẽ tăng lên 28% giai đoạn 2016 – 2020 và đến 31% trong thập niên kế tiếp. Song song đó nhập khẩu hàng hoá tiêu dùng cũng tăng mạnh để đáp ứng nhu cầu nội địa.

Theo ông James Memett, giám đốc toàn cầu khối dịch vụ thanh toán quốc tế và thương mại HSBC, các thị trường mới nổi (như Việt Nam) sẽ làm thay đổi cục diện cán cân thương mại thế giới trong 20 năm tới. Nhiều thị trường sẽ chuyển dịch sang các ngành nghề có giá trị cao hơn để tìm sự tăng trưởng mới; chuyển dịch sang các ngành có chuyên môn cao hơn như hoá chất, dược phẩm; đặc biệt là từ sản xuất nguyên vật liệu thô chuyển sang hàng hoá có nhãn hiệu…

Báo cáo kết nối giao thương HSBC nhắm đưa ra các dự báo về dòng chảy thương mại song phương giữa các nền kinh tế, dựa trên tỷ lệ tăng trưởng nhu cầu ở những thị trường đến và sức cạnh tranh của nhà xuất khẩu. Các dữ liệu ngành được theo dõi tại các quốc gia để đưa ra các đặc điểm dẫn dắt thương mại chính giữa 25 quốc gia và vùng lãnh thổ.

(Theo SGTT)