Công nhân trong xưởng may của X20
Xuất khẩu dệt may hướng đến 40 tỉ USD trong 2019
Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt trên 36 tỉ USD, tăng 16,01% so với năm 2017. Con số này được ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt May Việt Nam, cho biết tại Hội nghị Tổng kết Hiệp hội Dệt May Việt Nam năm 2018 và triển khai kế hoạch năm 2019 diễn ra sáng nay.
Một năm thành công
Theo ông Ông Vũ Đức Giang, năm 2018 tình hình thế giới diễn biến phức tạp; xung đột xảy ra ở nhiều nơi; cạnh tranh giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; chủ nghĩa bảo hộ, chiến tranh thương mại gia tăng ngày càng phức tạp và khó lường; khoa học công nghệ phát triển nhanh và Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư tác động sâu rộng trên nhiều lĩnh vực.
Kinh tế thế giới duy trì đà tăng trưởng tốt trong nửa đầu năm 2018, sau đó có xu hướng chững lại. Kinh tế Việt Nam mặc dù còn nhiều khó khăn, hạn chế nhưng với những giải pháp đúng đắn và phương pháp điều hành phù hợp của Chính phủ, cùng với sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, nền kinh tế Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; trong đó có đóng góp không nhỏ của ngành dệt may.
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt May Việt Nam nhấn mạnh, nhìn lại một số năm gần đây, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu năm nay của ngành dệt may đạt mức tăng cao nhất đạt 16,01% (năm 2015 tăng 12,1%, năm 2016 tăng 4,07%, năm 2017 tăng 10,8%).
Cụ thể, năm 2018, kim ngach xuất khẩu hàng may mặc đạt 28,78 tỉ USD, tăng 14,45%; xuất khẩu vải đạt 1,66 tỉ USD, tăng 25,5%; xuất khẩu xơ sợi đạt 3,95 tỉ USD, tăng 9,9%; xuất khẩu vải không dệt đạt 528 triệu USD, tăng 15,54%; xuất khẩu nguyên phụ liệu dệt may đạt 1,23 tỉ USD, tăng 14,59%.
Mục tiêu xuất khẩu 2019?
Giá trị thặng dư ngành dệt may năm 2018 ước đạt 17,86 tỉ USD, tăng 14,39 %. Tỉ lệ giá trị tăng thêm đạt 49,4%, giảm 0,7 điểm phần trăm so với năm 2017.
Với kết quả đạt được trong năm 2018, tín hiệu về tình hình đơn hàng cho năm 2019 cũng rất khả quan. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng cho 6 tháng đầu năm và thậm chí cả năm 2019, sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao và dần hoàn chỉnh chuỗi cung ứng dệt may (do dòng vốn đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm và nguyên phụ liệu đang tăng lên) cũng như thời điểm thực thi các Hiệp định Thương mại thế hệ mới sắp đến là những yếu tố hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất kinh doanh của dệt may Việt Nam trong năm 2019.
Tại hội nghị, Hiệp hội Dệt May Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển ngành trong năm 2019 với kim ngạch xuất khẩu đạt 40 tỉ USD, tăng trưởng 10,8%; thặng dư thương mại đạt 20 tỉ USD, đảm bảo việc làm và tăng thu nhập cho 2,85 triệu lao động.