Thứ Ba | 31/12/2013 10:01

Xuất khẩu của doanh nghiệp FDI “nở nồi”

Tăng trưởng XK của khối FDI vượt trội so với khu vực DN trong nước là điều được nhìn nhận rõ rệt trong 2 năm qua.
Sam Sung

Năm 2013, kim ngạch XK điện thoại của Samsung ước đạt trên 20 tỷ USD. Ảnh: T.BÌNH.

"Ngoại" khỏe, "nội" yếu

Số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho thấy: XK của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) trong 11 tháng năm 2013 đạt 81,16 tỉ USD, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2012 và chiếm 67,06% tổng kim ngạch XK. Con số này cho thấy DN FDI đang chiếm ưu thế hơn hẳn DN trong nước.

Thực tế, từ đầu năm 2012 đến nay, câu chuyện DN FDI khỏe, DN nội yếu có mặt ở hầu hết các báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam của cơ quan quản lí Nhà nước cũng như các tổ chức quốc tế. Nhưng điều đáng băn khoăn là, thực trạng này đã kéo dài 2 năm và khoảng cách giữa DN FDI với DN nội địa ngày càng giãn rộng.

Tại thời điểm tháng 6-2012, vấn đề DN nội thoi thóp trong khi DN FDI "sống khỏe" với những con số XK ấn tượng đã được đưa ra "mổ xẻ" trong một buổi họp báo của Tổng cục Thống kê. Thời điểm đó, 6 tháng đầu năm 2012, kim ngạch hàng hóa XK đạt 53,1 tỉ USD thì khu vực FDI đóng góp tới 32,6 tỉ USD (chiếm 61,5%) với mức tăng trưởng 37,3%, trong khi khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt 20,5 tỉ USD, tăng vỏn vẹn 4%. Trả lời câu hỏi của phóng viên trong buổi họp báo đó, bà Lê Thị Minh Thủy, Vụ trưởng Vụ Thương mại (Tổng cục Thống kê) đã đưa ra đánh giá rằng: Dễ dàng nhận ra tăng trưởng XK 6 tháng đầu năm phần lớn đến từ khu vực DN FDI.

Khu vực FDI luôn xuất siêu còn khu vực trong nước thường xuyên nhập siêu. Điều này có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan. Về chủ quan, việc sản xuất của khu vực trong nước phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu NK. Về khách quan, DN XK trong nước không có những thuận lợi như những DN FDI.

Sau hơn 1 năm, những nhận định đó vẫn còn nguyên tính thời sự. Theo nhận định của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia, cơ cấu XK trong 11 tháng của năm 2013 cho thấy, tốc độ tăng XK ấn tượng đạt được chủ yếu từ khu vực DN FDI và đây mới chính là khu vực làm giảm mức nhập siêu của nền kinh tế 2 năm trở lại đây.

Không có chuyện "ngoại" chèn ép "nội"

Trước những băn khoăn "có hay không tình trạng DN FDI chèn ép DN nội?", TS Đoàn Hồng Quang, chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam khẳng định: Việc DN FDI tăng trưởng XK mạnh hơn là một thực tế hiện nay. Tuy nhiên điều đó chỉ có nghĩa DN Việt Nam chưa tận dụng được cơ hội của FDI chứ không phải FDI đang chèn lấn khu vực DN trong nước.

Bởi vì hai khu vực này có những mảng thị trường hoàn toàn khác nhau, nhìn tổng thể thì gần như khác biệt, đối tượng khách hàng cũng khác nhau. Khu vực FDI có chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị riêng, họ có khách hàng, thị trường ổn định nhiều năm, đã hoạt động hiệu quả nên họ vẫn tận dụng được thế mạnh khi bán ra nước ngoài. Trong khi ấy DN Việt Nam phần lớn là DN vừa và nhỏ, dựa chủ yếu vào tín dụng trong nước, thị trường nội địa nên sẽ gặp khó khăn khi sức mua trong nước giảm sút.

"FDI có những tác động lan tỏa như chuyển giao công nghệ, kĩ năng quản lí, tạo ra việc làm cho lao động Việt Nam. Thực tế hiện nay hai khu vực DN này không có sự gắn kết chặt chẽ với nhau. DN Việt cần phải làm tốt hơn để tận dụng được tác động lan tỏa của khu vực FDI. Qua các số liệu công bố, chúng ta đã nhìn thấy dấu hiệu phục hồi ban đầu của DN trong nước. Do đó tôi tin rằng tăng trưởng năm 2014 sẽ có đóng góp nhiều hơn từ khu vực DN trong nước" - ông Đoàn Hồng Quang nói.

Trong chương trình Dân hỏi-Bộ trưởng trả lời mới đây, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh đưa ra thông điệp: Thế giới không phân biệt thành phần kinh tế FDI, thành phần kinh tế trong nước. Vì các DN FDI khi vào hoạt động tại Việt Nam thì tuân thủ toàn bộ luật pháp của chúng ta, tạo những sản phẩm, dịch vụ phục vụ cho Việt Nam và XK như các DN khác của Việt Nam.

Và họ có đóng góp về thu hút lao động, thuế, chuyển giao khoa học công nghệ, cho nên chúng ta không nên phân biệt đối xử giữa DN FDI và DN trong nước.Theo Bộ trưởng Bùi Quang Vinh, vấn đề đặt ra là làm thế nào để DN nội địa cũng phải vươn lên, đạt được thành quả tương tự các DN FDI, không để quá chênh lệch và chúng ta cần tháo gỡ tất cả những vướng mắc căn bản nhất cho DN Việt Nam

Trong khi có ý kiến cho rằng DN FDI ở Việt Nam không đóng góp gì nhiều cho nền kinh tế Việt Nam, thì luồng quan điểm khác cho rằng: FDI là khu vực giúp duy trì tốc độ tăng trưởng GDP như thời gian qua.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông khẳng định: Việt Nam không thể thiếu các DN như Samsung. Bởi vì trên 1ha là có 1 vạn lao động, thu nhập thấp nhất là 200 USD, có nghĩa mỗi lao động có thu nhập 2.400 USD/năm, cao hơn 60% GDP bình quân đầu người của Việt Nam.

Nguồn Tin Công Nghệ Tổng Hơp


Sự kiện