Xét xử đại án Huyền Như: Luật sư nói HĐXX vi phạm pháp luật
Luật sư bị hạn chế xét hỏi
Trình bày tại tòa, luật sư Ngô Đình Trấn (bảo vệ quyền lợi cho Công ty CP vận tải Thái Bình Dương) đã viện dẫn quy định của pháp luật để cho rằng Hội đồng xét xử (HĐXX) đã vi phạm pháp luật, làm hạn chế quyền được xét hỏi của luật sư. Cụ thể, luật sư Trấn đã nói HĐXX vi phạm vào điều 197, khoản 3, điều 207, điều 210 Bộ luật Tố tụng hình sự.
Theo luật sư Trấn, HĐXX cho phép Vietinbank được ngồi ghi chép các câu hỏi để trả lời chung, mặc dù đại diện Vietinbank không bị khiếm khuyết gì về sức khỏe, là không đúng. Theo luật sư Trấn, đây là một phiên tòa chứ không phải phiên chất vấn ở Quốc hội. Tại phiên tòa, nhiều câu hỏi của luật sư chưa được trả lời nên tại phần tranh luận, các luật sư phải đưa ra các câu hỏi để Vietinbank trả lời là đã bị hạn chế quyền xét hỏi.
Theo cáo trạng, Công ty Thái Bình Dương bị Như chiếm đoạt 80 tỉ đồng. Và trong phần kết luận, vị công tố cho rằng Vietinbank không có trách nhiệm phải bồi thường khoản tiền này. Luật sư Trấn cho rằng kết luận này của vị công tố là không phù hợp với pháp luật.
Cụ thể, Huỳnh Thị Huyền Như và Võ Anh Tuấn đều là người của pháp nhân Vietinbank do Vietinbank bổ nhiệm, quản lý. Cả hai được Vietinbank giao trách nhiệm huy động vốn cho Vietinbank. Theo quy định của điều 618 Bộ luật dân sự thì pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ của pháp nhân giao.
Yêu cầu Vietinbank dũng cảm nhận trách nhiệm
Tương tự, luật sư Trần Minh Hải (bào chữa cho Công ty CP chứng khoán Phương Đông) lập luận, từ khi tiền của khách hàng chuyển vào tài khoản tiền gửi mở tại Vietinbank, sau khi được hạch toán chuyển tiền liên ngân hàng, từ đây trách nhiệm quản lý tiền gửi đã phát sinh. Lúc này, một lằn ranh pháp lý rõ rệt đã được hình thành: Tiền gửi của khách hàng lập tức thuộc trách nhiệm quản lý của Vietinbank.
“Từ đây, nếu như tiền gửi của khách hàng đang nằm trong sự quản lý an toàn của cả hệ thống ngân hàng Vietinbank, bao gồm các yếu tố công nghệ, con người, quy trình… mà bị thất thoát do lỗi của ngân hàng, thì đương nhiên ngân hàng Vietinbank phải gánh chịu trách nhiệm”, luật sư Hải nói.
|
Theo luật sư Hải, ngân hàng để xảy ra hiện tượng cán bộ của mình dùng thẩm quyền ngân hàng giao phó, chiếm đoạt tiền gửi trên tài khoản của khách hàng, thì đương nhiên ngân hàng phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Ngân hàng quản lý tài khoản của khách hàng nhưng lại để tiền chuyển khỏi tài khoản tiền gửi của khách hàng mà không hề có chứng từ, lệnh chuyển tiền hợp pháp. Huyền Như dùng thủ đoạn lập khống các ủy nhiệm chi để che dấu sai phạm chỉ là trì hoãn sự phát giác của Vietinbank. Nói cách khác, hành vi phạm tội của Huyền Như đã hoàn thành ngay tại thời điểm tiền được chuyển ra khỏi tài khoản của khách hàng. Đó là thời điểm tiền gửi của khách hàng đang nằm dưới sự quản lý của Hệ thống Vietinbank, đó là hành vi rút ruột tiền của Vietinbank, Vietinbank phải chịu trách nhiệm về sự chiếm đoạt tiền gửi của khách hàng, luật sư Hải lập luận.
Theo điều 18, Nghị định số 64/2001/NĐ-CP ngày 20.9.2001: “Tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán, người sử dụng dịch vụ thanh toán có trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu gây thiệt hại cho bên liên quan do vi phạm quy định hoặc thỏa thuận giữa tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán và người sử dụng dịch vụ thanh toán”, luật sư Hải viện dẫn.
Bào chữa cho Ngân hàng ACB, luật sư Lưu Văn Tám đề nghị HĐXX ghi nhận sự tự nguyện của Vietinbank thừa nhận tại tòa trong quá trình xét hỏi chịu trách nhiệm hoàn trả số tiền bị chiếm đoạt trong trường hợp nếu đó là hợp đồng thật.
“Cụ thể, đối với các hợp đồng do Vietinbank xác lập với khách hàng, có chữ ký, con dấu thật thì Vietinbank sẽ chịu trách nhiệm trả cho khách hàng. Có 32 hợp đồng của ACB là hợp đồng thật, chữ ký và con dấu thật của Vietinbank và đã chuyển tiền cho Vietinbank”, luật sư Tám nói.
Việc vị công tố lập luận khách hàng không giao dịch trực tiếp với người có trách nhiệm của Vietinbank dẫn đến mất tiền là không thỏa đáng, vì lãnh đạo của Vietinbank chỉ có vài người, làm sao có thể tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn khách hàng một ngày, luật sư Tám phân tích.
Nếu việc trả lãi suất vượt trần là sai thì cũng không thể dẫn đến hậu quả ACB bị mất tiền và không thể phủ nhận trách nhiệm của Vietinbank trong việc hoàn trả ACB số tiền gốc, lãi hợp pháp theo quy định, theo luật sư Tám.
Cũng theo luật sư Tám, nếu Cơ quan công tố cho rằng hợp đồng (giao dịch) ủy thác của lãnh đạo ACB cho nhân viên mình là trái pháp luật, bị vô hiệu, dẫn đến 32 hợp đồng tiền gửi cũng vô hiệu theo, thì Vietinbank vẫn phải có trách nhiệm hoàn trả lại cho ACB toàn bộ các khoản tiền gốc đã nhận là 668,908 tỉ đồng theo quy định tại điều 137 Bộ luật dân sự, chứ không thể “quỵt” tiền.
Đặc biệt, luật sư Tám còn cho rằng, cùng một hành vi, cùng một hậu quả, nhưng Cơ quan công tố lại tự mâu thuẫn cho hai kết quả khác nhau. Cụ thể, với hành vi Huyền Như làm giả hồ sơ vay vốn tại Ngân hàng VIB thì cơ quan công tố xác định Huyền Như chiếm đoạt tiền vay của VIB.
Trong khi đó, cũng là hành vi thế chấp giả, hồ sơ vay giả tại Vietinbank với cùng tính chất, thì công tố cho rằng Huyền Như không chiếm đoạt tiền của Vietinbank dẫn đến hậu quả ACB trở thành nạn nhân bị Huyền Như chiếm đoạt tiền, theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia.
Từ đó, luật sư Tám kiến nghị Vietinbank phải bồi thường cả vốn và lãi cho ACB trên 900 tỉ đồng.
Theo Lê Quang
Nguồn Thanh Niên