Thứ Năm | 11/12/2014 08:13

Xe tải Trung Quốc tràn vào Việt Nam: Lỗi do doanh nghiệp trong nước?

Ở phân khúc xe tải nhẹ, xe đặc chủng, doanh nghiệp trong nước đang phải đối mặt với khó khăn do cạnh tranh mạnh mẽ từ Trung Quốc.

Khó thay thế xe Trung Quốc

Tổng cục Hải quan vừa qua công bố, số lượng ô tô nguyên chiếc nhập khẩu về Việt Nam trong tháng 10 đạt 7.577 chiếc có trị giá 172,1 triệu USD.  Tính chung 10 tháng đầu năm 2014 cả nước đã nhập 51.600 chiếc, trị giá gần 1,14 tỷ USD.

Đáng lưu ý, trong 10 tháng đầu năm nhập khẩu ô tô Trung Quốc, chủ yếu là xe tải đã tăng 205% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chủ đại lý ô tô tải tại TP. Nam Định cho biết, số lượng xe ô tô tải Trung Quốc được bán ra ở cửa hàng thời gian qua cũng tăng khá mạnh.

Nguyên nhân vì xe tải Trung Quốc có mức giá phù hợp với điều kiện của người mua, giá của chiếc xe có cấu hình tương đương nhau, xe nhập từ Trung Quốc có giá bán 1 tỷ đồng/chiếc, xe Hàn Quốc, Nhật Bản lên tới 1,7-1,8 tỷ đồng/chiếc. Bên cạnh đó là nhu cầu của thị trường tăng trong khi xe trong nước không đáp ứng được cả 2 yếu tố trên.

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải cũng cho biết, nguyên nhân khiến xe tải nhập khẩu từ Trung Quốc tăng mạnh thời gian vừa qua do siết chặt quản lý tải trọng phương tiện từ Bộ Giao thông vận tải trong khi nhu cầu vận chuyển ngày càng tăng cao vì vậy các công ty, doanh nghiệp vận tải tăng đầu tư.

Ông Thanh đặc biệt nhấn mạnh, mặc dù chất lượng xe ô tô tải từ Trung Quốc so với các quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật Bản có thể không bằng nhưng ưu thế giá rẻ của các dòng xe tải Trung Quốc thì không một quốc gia nào sánh bằng.

Về phía doanh nghiệp, ông Bùi Ngọc Huyên, Chủ tịch HĐQT Công ty CP ô tô Xuân Kiên (Vinaxuki), một trong những doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tải nêu quan điểm, lượng nhập khẩu ô tô tải Trung Quốc tăng mạnh do các dòng xe của Trung Quốc giá rẻ, có những dòng xe thậm chí cạnh tranh với Huyndai.

“Trong khi động cơ xe của Trung Quốc sử dụng động cơ của các nước từ châu Âu nhưng lại có mức giá thấp, tương đương 2/3 lần giá của các hãng xe đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản vì vậy xe Trung Quốc thời gian vừa qua đã thống lĩnh thị trường Việt Nam”, ông Huyên thông tin.

Cũng theo ông Huyên hiện doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu vẫn lắp ráp trên cơ sở phụ tùng Trung Quốc, bên cạnh đó là Hàn Quốc, Nhật Bản, tỷ lệ nội địa hóa rất thấp và chỉ ở những chi tiết đơn giản, dùng công nghệ cơ khí đơn giản như thùng xe…

Với Vinaxuki hiện nay cũng chỉ có thể nâng tỷ lệ nội địa hóa lên mức cao hơn ở dòng xe 5 tấn, với những dòng xe tải nặng không đủ điều kiện về vốn, công nghệ để tăng tỷ lệ nội địa hóa này.

Vì vậy, Chủ tịch Vinaxuki khẳng định, vì bất kỳ lý do gì rất khó để có thể thay thế xe ô tô tải Trung Quốc.

Sản xuất ô tô trong nước yếu kém?

Nhu cầu của thị trường được dự báo vẫn sẽ tiếp tục tăng cao trong khi nguồn cung trong nước không đáp ứng, nhập khẩu xe Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng nếu như các doanh nghiệp sản xuất trong nước không có chiến lược phù hợp hơn.

“Trung Quốc đã đáp ứng được những yêu cầu về giá, về công năng, sản xuất rơmoóc kịp thời trong khi các nhà sản xuất trong nước vẫn lúng túng, loay hoay không có mặt hàng kịp cung cấp cho thị trường. Thực tế này đã thể hiện ngành sản xuất ô tô trong nước yếu kém”, ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải khẳng định.

Ông Thanh cũng cho biết, thời gian vừa qua Hiệp hội đã nhận được một số đề xuất từ các nhà sản xuất xe đầu kéo gắn với sơmi rơmoóc kiến nghị doanh nghiệp trực thuộc Hiệp hội không nhập xe từ Trung Quốc. Đồng thời, cũng gửi các kiến nghị lên các Bộ ngành nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

Song theo ông Thanh, không thể có chuyện bảo hộ mãi được, Việt Nam đã hội nhập và doanh nghiệp phải chấp nhận trong cuộc chơi có kẻ mạnh, người yếu.

“Sản xuất tốn kém không đáp ứng được nhu cầu thị trường vì vậy doanh nghiệp sản xuất phải vươn lên, không ỉ lại, trông chờ vào chính sách bảo hộ của nhà nước. Càng không có chuyện doanh nghiệp vận tải hi sinh, giá xe đắt hoặc công năng không đáp ứng, doanh nghiệp vận tải phải mua xe từ nước ngoài, kinh doanh phải tính toán lợi nhuận đầu tiên”, ông Thanh khẳng định.

Trong khi đó, ông Bùi Ngọc Huyên lại cho rằng, nguyên nhân chính nằm ở chính sách liên quan đến vốn tín dụng của ngân hàng cho hoạt động sản xuất, lắp ráp còn nhiều bất cập.

Cụ thể, theo ông Huyên, ngân hàng hàng chủ yếu cho vay để nhập khẩu xe nguyên chiếc hoặc lắp ráp thay vì cho vay để đầu tư nội địa hóa.

“Ngân hàng cho rằng đầu tư nội địa hóa cần vốn lớn và đối với họ là rủi ro. Ngân hàng đã không vì mục đích phát triển ô tô nội địa hóa Việt Nam”, ông Huyên lý giải.

Nguồn Bizlive