Tại Việt Nam, thị trường hàng xách tay vô cùng đa dạng và sôi động với nhiều mặt hàng gồm đồ ăn thức uống, đồ gia dụng...Ảnh: TL

 
Hoàng Linh Lan Thứ Sáu | 20/11/2020 07:30

Xách tay xách đi đâu?

Các sàn thương mại điện tử vẫn nhìn ra cơ hội trong thị trường hàng xách tay dù đang bị siết chặt.

Sự xuất hiện của các ứng dụng và sàn thương mại điện tử mang đến diện mạo sôi động và cạnh tranh chưa từng có cho dịch vụ mua hộ (order) hàng xách tay.

Tăng trưởng mạnh

“Thông tin trên internet, đặc biệt là trên mạng xã hội đã kích thích và tạo ra nhu cầu sử dụng sản phẩm mới một cách nhanh chóng, mà phương thức phân phối truyền thống không đáp ứng kịp. Vì thế, không riêng gì Việt Nam, hiện chưa có thị trường nào đáp ứng được đầy đủ tất cả hàng hóa cho người tiêu dùng trong nước. Đây là lý do khiến xu hướng thương mại xuyên biên giới B2C (business to customer), C2C (customer to customer) giữa các quốc gia, châu lục đang tăng trưởng mạnh mẽ”, ông Phạm Tấn Đạt, CEO của sàn thương mại điện tử Fado, lý giải vì sao dịch vụ nhận mua hộ được ưa chuộng.

Theo thống kê của Accenture, thị trường hàng xách tay khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong giai đoạn 2014-2020 đạt 405 tỉ USD, với tốc độ tăng trưởng 53,6%, luôn dẫn đầu so với các khu vực Tây Âu, Bắc Mỹ. Tốc độ tăng trưởng lượng người mua sắm qua hình thức B2C từ 23,5% vào năm 2014 lên tới 44,6% năm 2020.

 

Tại Việt Nam, thị trường hàng xách tay vô cùng đa dạng và sôi động với nhiều mặt hàng gồm đồ ăn thức uống, đồ gia dụng, quần áo, hóa mỹ phẩm... đến từ nhiều quốc gia châu Á, châu Âu và Mỹ.

Bên cạnh các cá nhân/công ty chuyên buôn hàng xách tay thành lập website và mở kênh bán hàng online qua mạng xã hội, nhiều nhà đầu tư cũng nhanh chóng nhảy vào thị trường tiềm năng này. Hàng loạt ứng dụng mua hộ hàng xách tay hoặc sàn thương mại điện tử mua hộ ra đời như XtayPro, Hakobiya, Omelii hay Fado, US Express... “Tại Fado, nguồn hàng từ Mỹ chiếm hơn 65%”, ông Đạt cho biết.

 

Theo ông Yuto Tanaka, đồng sáng lập kiêm CEO của ứng dụng Hakobiya (chuyên nhận mua hộ hàng Nhật tại Việt Nam), ưu điểm của việc đặt hàng qua các ứng dụng/sàn thương mại điện tử là người mua sẽ có nhiều lựa chọn hơn, trải nghiệm tốt hơn và có thể so sánh giá cả để được mua với giá tối ưu nhất so với hình thức mua hàng xách tay truyền thống.

Có thể thấy, với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và có nhiều kinh nghiệm, bên cạnh sản phẩm đa dạng đến từ nhiều nước, người tiêu dùng còn được hưởng khuyến mại tại thị trường đó theo thời gian thực. Mặt khác, việc kết nối nhiều kho hàng, hệ thống công nghệ tự động, chi phí, chính sách mua hộ/đổi trả rõ ràng, nguồn gốc hàng hóa minh bạch, tốc độ xử lý đơn hàng nhanh chóng... là những ưu thế giúp các sàn thương mại điện tử/ứng dụng mua hộ được người dùng ưa chuộng.

Cơ hội mới

Từ khi thành lập vào năm 2014 đến nay, Fado luôn tăng trưởng mỗi năm hơn 34% và kỳ vọng có thể chiếm lĩnh được hơn 10% thị phần nhu cầu hàng xách tay trong 2 năm tới. Hiện nay, Fado cũng như các sàn thương mại điện tử và các ứng dụng mua hộ đang nỗ lực đầu tư xây dựng hệ thống sinh thái, tăng cường trải nghiệm cho khách hàng.

Chẳng hạn, Hakobiya không chỉ là nền tảng kết nối người dùng với các nhà sản xuất nội địa Nhật mà còn tích hợp SNS - trải nghiệm social cho người dùng. Tài khoản người dùng có phương thức hoạt động tương tự tài khoản mạng xã hội, có thể theo dõi người khác và có người theo dõi. Bên cạnh đó, Hakobiya còn hỗ trợ tương tác giữa những người dùng, kết hợp giữa các trải nghiệm từ Uber và Airbnb.

Ảnh: TL
Với các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới và có nhiều kinh nghiệm, bên cạnh sản phẩm đa dạng đến từ nhiều nước, người tiêu dùng còn được hưởng khuyến mại tại thị trường đó theo thời gian thực. Ảnh: TL

“Chúng tôi muốn giảm tổi thiểu các công việc cần nhân lực. Với phiên bản nâng cấp sắp tới, Hakobiya sẽ có những gợi ý tìm kiếm sản phẩm, link liên kết để người dùng có thể tìm kiếm sản phẩm từ Nhật theo yêu cầu qua App. Hakobiya sẽ cung cấp thêm sổ tay người dùng và video hướng dẫn người dùng tự khám phá và có trải nghiệm riêng”, ông Yuto Tanaka chia sẻ.

Mặc dù vậy, khi được hỏi ảnh hưởng của Nghị định 98/2020/NĐ-CP về việc siết chặt hàng xách tay thì ông Tanaka từ chối trả lời. Đây cũng là mối băn khoăn của nhiều ứng dụng mua hộ. Tuy nhiên, nhà vận hành các sàn thương mại điện tử lại có suy nghĩ khác. Ông Đạt bày tỏ sự ủng hộ đối với Nghị định 98/2020/NĐ-CP. Thực tế, nghị định này là minh chứng rõ ràng cho niềm tin của chính sách Việt Nam đối với lĩnh vực thương mại điện tử, không chỉ với các sàn mua bán trong nước mà còn với các sàn mua bán xuyên biên giới.

“Nhờ đó, lĩnh vực này sẽ hoàn thiện hơn, tạo sân chơi minh bạch, lành mạnh cho doanh nghiệp và tạo ra những giải pháp mới phục vụ nhu cầu thị trường cũng như thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước”, ông Đạt nhấn mạnh. Đại diện của một số sàn thương mại điện tử cũng cho rằng, Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) chưa ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu B2C qua thương mại điện tử nhưng sẽ ảnh hưởng rất tích cực trong hỗ trợ xuất khẩu B2B.

“Để nắm bắt xu hướng này, Fado đang vận hành sàn ECVN.com, hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu qua thương mại điện tử, hướng tới thị trường trọng điểm là Liên minh châu Âu”, ông Đạt tiết lộ.