World Bank sẵn sàng ứng phó biến động tăng giá lương thực
Về ngắn hạn, các biện pháp như các chương trình lương thực học đường, chuyển giao tiền mặt có điều kiện, chương trình lương thực gắn với việc làm có thể giảm sức ép đối với người nghèo. Tuy nhiên, về trung hạn và dài hạn, thế giới cần các chính sách mạnh và ổn định cũng như đầu tư bền vững vào nông nghiệp ở các nước nghèo.
WB nhấn mạnh biến động giá lương thực không thể lường trước được trên các thị trường và đã dẫn đến nguy cơ mất an ninh lương thực đối với các chính phủ và người tiêu dùng. Tuy các dự báo hiện nay không cho thấy sự thiếu hụt lương thực nghiêm trọng, nhưng nguồn lương thực dự trữ xuống thấp và nông nghiệp thế giới vẫn phụ thuộc nặng nề vào thời tiết toàn cầu khiến giá lương thực biến động lớn.
Hạn hán bất thường ở Mỹ cũng như các điều kiện mùa màng hiện nay ở các vùng sản xuất ngũ cốc khác đã làm tăng giá lương thực trên toàn cầu, tác động nghiêm trọng đến người nghèo. Giá lúa mỳ đã tăng 50%, giá ngô tăng 45% kể từ giữa tháng 6/2012, giá đậu tương tăng 30% kể từ đầu tháng Sáu và 60% kể từ cuối năm 2011.
WB cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan của Liên hợp quốc thông qua Nhóm đặc nhiệm cấp cao về khủng hoảng an ninh lương thực toàn cầu và với các tổ chức phi chính phủ, cũng như hỗ trợ Đối tác vì hệ thống thông tin thị trường nông nghiệp (AMIS) để tăng cường minh bạch thị trường lương thực giúp các chính phủ phản ứng thích hợp và hiệu quả trước biến động giá lương thực.
WB dự báo biến động giá lương thực cao hiện nay có thể kéo dài ít nhất đến năm 2015. Trong năm tài chính 2012, các cam kết hỗ trợ nông nghiệp toàn cầu của WB đã tăng tới 9 tỷ USD, vượt xa mức cam kết trong Kế hoạch hành động nông nghiệp toàn cầu của WB.
Chương trình phản ứng khủng hoảng giá lương thực toàn cầu của WB đã vươn tới 40 triệu người nghèo ở 47 nước trên khắp thế giới thông qua 1,6 tỷ USD hỗ trợ khẩn cấp.
Nguồn Vietnam+