"Vua tiền mặt"
Thu nhập ròng
Nếu tính riêng thu nhập ròng thì Công ty CP Sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) đang vượt trên các đối thủ cạnh tranh. Trong 9 tháng đầu năm 2013, Vinamilk đạt hơn 5.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, với tỷ suất lợi nhuận 21%, cao nhất trong nhóm ngành tiêu dùng - thực phẩm.
Từ kết quả này, VNM đã lập kỷ lục 11 quý liền có lãi ròng trên ngàn tỷ đồng, kể từ quý I/2011. Theo báo cáo tài chính (BCTC), tăng trưởng lợi nhuận của VNM đến chủ yếu từ tăng trưởng doanh thu.
Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) dẫn đầu quý III/2013 về mức lãi ròng gần 3.000 tỷ đồng, nâng lãi lũy kế 9 tháng đạt gần 10.200 tỷ đồng, đạt tăng trưởng lợi nhuận 42,4% và vượt xa kế hoạch cả năm. Đây là doanh nghiệp niêm yết hiếm hoi có thu nhập ròng trên chục ngàn tỷ đồng.
Thế mạnh độc quyền đã giúp GAS hưởng lợi từ cơ chế đầu vào cố định, đạt lợi nhuận "khủng" cũng như giúp công ty luôn ở vị thế dẫn đầu ngành khí. Năm 2013, GAS đặt mục tiêu chiếm 70% thị phần cung cấp LPG toàn quốc.
Dược Hậu Giang (DHG) cũng gây bất ngờ cho giới đầu tư khi công bố lãi lớn quý III/2013. Nhờ việc bán thương hiệu Eugica, DHG thu về thêm 128 tỷ đồng, Kết quả, LNST 9 tháng đầu năm của DHG đạt 453,7 tỷ đồng, tăng hơn 25% so với cùng kỳ, giúp lợi nhuận/cổ phiếu (EPS) của DHG đạt 6.849 đồng/cổ phiếu. Ngoài ra, DHG đã và đang khai thác hiệu quả thị trường OTC (hàng bán trên kệ, không cần kê toa) với thị phần dẫn đầu về phân phối.
Về phần Đạm Phú Mỹ (DPM), do trong tháng 9/2013, công ty có đợt bảo dưỡng sửa chữa lớn nhà máy nên chi phí, giá thành đều tăng dẫn đến doanh thu và lợi nhuận quý III/2013 của công ty sụt giảm mạnh. Mặc dù vậy, tính chung 9 tháng đầu năm, DPM vẫn đạt 1.958,1 tỷ đồng LNST, cán đích mục tiêu lợi nhuận cả năm. EPS 9 tháng của DPM đạt 5.163 đồng.
Lượng tiền dồi dào
Dù kết quả kinh doanh hiện tại bị sụt giảm nhưng DPM vẫn là một trong những doanh nghiệp có lượng tiền đáng mơ ước. Theo BCTC mới nhất, tại thời điểm cuối tháng 9/2013, tiền và tương đương tiền ở DPM là 4.820,4 tỷ đồng, chiếm hơn 59% tài sản ngắn hạn của công ty.
Nhìn lại tình hình hoạt động của công ty, kể từ quý I/2009, DPM luôn là đơn vị duy trì lượng tiền và tương đương tiền rất cao, chiếm trên 50% tài sản ngắn hạn của công ty.
Giả sử tất cả mọi khoản nợ của DPM đều yêu cầu thanh toán ngay thì nguồn tiền này cho phép DPM trả hết nợ mà vẫn còn dư dả, vì tổng nợ của DPM luôn chỉ bằng 1/4 - 1/5 lượng tiền và tương đương tiền mà DPM có. Đó là chưa kể đến những nguồn thu khác từ đầu tư ngắn hạn, khoản phải thu, hàng tồn kho...
Nhưng GAS có lẽ mới là doanh nghiệp dẫn đầu thị trường về mức độ "rủng rỉnh". Theo BCTC hợp nhất quý III/2013, GAS đang giữ hơn 18.276 tỷ đồng tiền mặt và tương đương tiền, cao nhất từ trước tới nay và chiếm trên 70% tài sản ngắn hạn của GAS.
Từ thời điểm GAS công bố rộng rãi các BCTC (quý I/2012), nhà đầu tư đã thấy GAS luôn duy trì một chính sách tiền mặt cao. Trong 3 quý đầu năm 2013, lượng tiền và tương đương tiền của GAS luôn cao hơn tổng nợ. Tiền nhiều cộng với "lãi khủng" cho phép GAS có thể trả hết nợ bất cứ khi nào.
GAS cũng có thể triển khai các kế hoạch đầu tư góp vốn, mở rộng hoạt động hay thanh toán cổ tức mà không phải quá cân nhắc. Thực tế, chỉ riêng năm 2013, với 2 đợt thanh toán cổ tức bằng tiền (tỷ lệ 10% vốn điều lệ mỗi đợt) , GAS đã chi ra khoảng 3.700 tỷ đồng.
Dù không có lượng tiền mặt quá nhiều như GAS hay DPM, nhưng VNM cũng là một trong số ít các doanh nghiệp có lượng tiền và tương đương tiền trên 1.000 tỷ đồng. Lượng tiền và tương đương tiền hơn 1.684 tỷ đồng của VNM ở thời điểm cuối tháng 9/2013 tính ra đã tăng gấp đôi so với quý trước đó và tăng gấp ba so với cùng kỳ năm ngoái.
Nếu gộp thêm con số 3.250 tỷ đồng tiền gởi có kỳ hạn dưới 1 năm của VNM thì chênh lệch này còn lớn. Điểm đặc biệt là VNM không vay nợ ngân hàng. Theo BCTC, công nợ của VNM chủ yếu liên quan đến các giao dịch với nhà cung cấp và khách hàng.
Cũng như Vinamilk, Dược Hậu Giang gần như không bị gánh nặng nợ vay. Con số nợ vay 24,7 tỷ đồng tính đến cuối tháng 9/2013 là không đáng kể so với tổng nợ 914,8 tỷ đồng.
Nhìn trong cơ cấu tài chính, Dược Hậu Giang luôn dược giới phân tích đánh giá là lành mạnh khi tổng nợ chỉ bằng 1/2 vốn chủ sở hữu và bằng 1/3 tổng tài sản. DHG cũng luôn duy trì lượng tiền và tương đương tiền ở mức 400 - 500 tỷ đồng, tức chiếm 30 - 40% tài sản ngắn hạn để đảm bảo lưu thông hoạt động của công ty.
Nguồn Doanh nhân Sài Gòn