PNJ phân phối sản phẩm thời trang CAO và đồng hồ trong hệ thống cửa hàng Shop in Shop. Ảnh: Quý Hòa.

 
Viết Nguyên Thứ Sáu | 28/05/2021 14:00

"Vua phân phối" dịch chuyển

Các nhà phân phối hàng đầu đang thay đổi kế hoạch và cả mô hình kinh doanh.

Tại Đại hội đồng cổ đông năm 2021, ông Lê Trí Thông, CEO của Công ty Cổ phần Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ), PNJ sẽ có nhiều phương án kinh doanh để tranh thủ lúc thị trường thuận lợi mà tăng tốc cao nhất, phòng hờ các tình huống xấu hơn có thể xảy ra.

ĐẨY MẠNH KÊNH ONLINE 

Theo đó, PNJ dự kiến đẩy mạnh sản phẩm mới là Style by PNJ để phục vụ nhu cầu mới của nhóm khách hàng mới ở các đô thị lớn, thành phố cấp 1. Ở những thị trường khác, tại các thành phố cấp 2, cấp 3, PNJ sẽ tiếp tục điều tiết, có nhiều kịch bản khác nhau để tiếp cận thị trường.

Thực tế, trong năm qua, tại châu Á, những công ty kim hoàn nổi tiếng thế giới như Chow Tai Fook và Chow Sang Sang đều đối mặt thử thách. Ở Việt Nam, một số công ty đã phải sáp nhập hay ngừng hoạt động. Trong bối cảnh đó, theo chia sẻ của ông Thông, PNJ phải tìm con đường mới để tiếp tục đi tới, giữ được đà tăng trưởng doanh thu.

Theo đó, PNJ đã rà soát lại hệ thống, đóng cửa một số cửa hàng không hiệu quả song song với mở mới. Công ty cũng nghĩ ra nhiều cách tiếp cận thị trường khi hành vi tiêu dùng của khách hàng thay đổi giữa đại dịch. Chẳng hạn, PNJ phân phối sản phẩm thời trang CAO và đồng hồ trong hệ thống cửa hàng Shop in Shop, hay cho ra đời ứng dụng bán lẻ (App Retail), hệ thống thanh toán mới... Nhờ đó, PNJ vẫn tăng trưởng 10,5% về doanh thu bán lẻ dù doanh thu toàn thị trường giảm 30%. Công ty cũng đã chiếm thêm thị phần ở mảng kinh doanh trang sức bán lẻ và mảng bán sỉ.

Trong 5 năm tới, bà Cao Thị Ngọc Dung, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PNJ, cho biết, chiến lược của PNJ là tăng tốc. Giai đoạn 2021-2022, mỗi năm Công ty sẽ mở mới 40-45 cửa hàng. PNJ cũng có kế hoạch mở rộng năng lực sản xuất, đầu tư tài sản cố định và tiếp tục quá trình chuyển đổi số.

 

Không riêng PNJ, Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động cũng thay đổi về chiến lược. Đối với chuỗi Điện Máy Xanh đang chiếm khoảng 48% thị phần, Công ty mở rộng quy mô bằng cách xây thêm chuỗi Điện Máy Xanh siêu nhỏ. Tuy nhiên, ông Đoàn Văn Hiểu Em, CEO chuỗi Điện Máy Xanh và Thế Giới Di Động, cho biết Điện Máy Xanh chiếm khoảng 60% thị phần là hết nên Công ty đã đưa mô hình của chuỗi này ra nước ngoài. Đó là chuỗi Bluetronics ở Campuchia với mục tiêu mở thêm 30 cửa hàng, từ con số 50 để hiện diện khắp Campuchia.

 

Riêng chuỗi Thế Giới Di Động đã xảy ra tình trạng bão hòa. Vì thế, động lực mới chính là chuỗi Bách Hóa Xanh và chuỗi này ước sẽ đóng góp 25% doanh thu năm 2021 của Công ty. Mảng online đặt mục tiêu tăng trưởng mỗi năm từ 50-70%. Theo ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Cổ phần Đầu tư Thế Giới Di Động, trong 3 năm tới, Công ty sẽ triển khai sàn thương mại điện tử. Nhưng thay vì "đốt tiền", Công ty sẽ chờ thời điểm chín muồi của thương mại điện tử và ước có lãi trong vòng 1-2 năm.

ĐA SẢN PHẨM, ĐA NGÀNH

Về phần mình, ông Đoàn Hồng Việt,  CEO Công ty Cổ phần Thế Giới Số (Digiworld), chia sẻ trong năm nay hoặc năm sau, Công ty sẽ kinh doanh mảng điện gia dụng như tivi, tủ lạnh, máy giặt... Trong tương lai, Digiworld đặt mục tiêu sẽ chiếm thị phần đáng kể từ thị trường 2,4 tỉ USD này. "Chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng một ngày nào đó, Digiworld sẽ kinh doanh từ cây kim sợi chỉ cho đến tàu thủy, máy bay. Với mô hình kinh doanh này, không có gì Digiworld không thể kinh doanh được", ông Việt bày tỏ với cổ đông.

Công ty đã và đang tìm kiếm cơ hội và động lực tăng trưởng mới, từ các mô hình kinh doanh mới, cho mục tiêu tăng trưởng 25%năm. Trước mắt, để thực hiện chiến lược công ty tỉ USD, Digiworld đang xem xét các cơ hội từ M&A, đầu tư vào những công ty non trẻ nhưng có tiềm năng lớn. Trong đó, Công ty tập trung nhóm công ty tài chính tiêu dùng, liên quan đến các sản phẩm mà Công ty phân phối. Ngoài ra, Digiworld cũng chú ý đến những hợp tác hỗ trợ tài chính cho khách hàng tiêu dùng. Điều này lý giải vì sao Digiworld đã đầu tư nắm giữ 21,86% vốn tại VietMoney - công ty hoạt động trong ngành tài chính tiền tệ cá nhân, vốn nhiều tiềm năng với quy mô trên 5 tỉ USD.

Ảnh: Quý Hòa.
Ảnh: Quý Hòa.

Đối với nhà bán lẻ FPT Retail (FRT), năm 2021 sẽ đặt tiền đề cho tăng trưởng mới. Ở mảng cốt lõi là bán lẻ sản phẩm công nghệ (ICT), lãnh đạo FPT Retail cho biết sẽ tiếp tục chú trọng tăng doanh thu hệ thống thông qua các loại hình dịch vụ mới cùng sản phẩm mới như dịch vụ sim đồng thương hiệu, đồng hồ, Surface... Với mảng tiềm năng là dược, FPT Retail đặt mục tiêu 2 năm tới sẽ chiếm 30% thị phần kênh bán lẻ, ước ghi nhận doanh thu 5.000 tỉ đồng và đóng góp 25% tổng doanh thu của Tập đoàn FPT. Trước mắt, năm 2021, chuỗi Long Châu của FPT Retail dự kiến sẽ tăng độ phủ lên 350 cửa hàng (tức mở thêm 150 shop). Song song đó, Công ty đầu tư mảng hậu cần logistics, phát triển đội ngũ chuyên môn. 

Bà Nguyễn Bạch Điệp, Chủ tịch Hội đồng Quản trị FPT Retail, cho biết: "Chuỗi Long Châu đang lỗ do trong quá trình đầu tư nhưng mức lỗ sẽ giảm dần và dự kiến bắt đầu có lãi từ năm 2023. Năm ngoái, FPT Retail có 15 sản phẩm độc quyền và Công ty đặt mục tiêu năm 2021 có 50 sản phẩm độc quyền nhằm cải thiện lợi nhuận".
Rõ ràng, dù đã chắc chân nhưng các vua phân phối ở Việt Nam vẫn tìm cách nắm bắt các cơ hội mới, sẵn sàng linh hoạt thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới từ người tiêu dùng và để thích nghi với chuyển động biến đổi của thị trường.