Vỡ ống nước Sông Đà: SCIC phải xử lý sai phạm của Vinaconex
- Thưa ông, thời gian qua đường ống nước Sông Đà liên tục xảy ra sự cố vỡ ống, làm ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố Hà Nội. Với trách nhiệm là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng, Bộ Xây dựng đã làm những gì để giải quyết sự cố này?
Như chúng ta đã biết, tuyến ống truyền tải nước Sông Đà là một trong những hạng mục công trình chính của dự án đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông, do Tổng công ty Vinaconex làm chủ đầu tư, khởi công xây dựng từ tháng 01/2006 đến tháng 4/2009 bắt đầu đưa vào khai thác, sử dụng.
Sau khoảng 3 năm đầu vận hành ổn định, thì từ tháng 2/2012 đến nay, đường ống đã nhiều lần bị vỡ, đặc biệt trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến nay tần suất vỡ ống xảy ra thường xuyên. Theo pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đây được xác định là sự cố chất lượng công trình xây dựng, xảy ra trong quá trình khai thác, vận hành và có ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân.
Chính vì vậy, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, ngay sau khi xảy ra sự cố, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã chỉ đạo Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng khẩn trương tổ chức giám định sự cố, làm rõ nguyên nhân, xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể có liên quan, cũng như đề ra các biện pháp nhằm xử lý, khắc phục sự cố trong trước mắt cũng như lâu dài, để đảm bảo cấp nước an toàn cho nhân dân trong phạm vi cung cấp nước của Nhà máy nước Sông Đà. Những nội dung này được thể hiện đầy đủ trong thông báo kết luận giám định nguyên nhân sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà mà Bộ Xây dựng đã gửi cho Vinaconex, các cơ quan chức năng và cung cấp cho báo chí.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng thường xuyên chỉ đạo và đã trực tiếp làm việc với Sở Xây dựng Hà Nội và các đơn vị sản xuất, cung cấp nước sạch trên địa bàn thành phố Hà Nội (trong đó có Vinaconex và Công ty cổ phần nước sạch Vinaconex), yêu cầu phải chủ động nghiên cứu, để xuất với UBND Thành phố Hà Nội và tổ chức thực hiện các giải pháp kịp thời, linh hoạt để đảm bảo cung cấp đủ nước sạch cho nhân dân Thủ đô, đặc biệt là các khu vực đang sử dụng nước sạch của Nhà máy nước Sông Đà trong mùa hè là thời gian cao điểm về nhu cầu dùng nước sạch.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã chỉ đạo các cơ quan chức năng của Bộ nghiên cứu, triển khai các giải pháp quản lý nhà nước nhằm đảm bảo cấp nước an toàn, ổn định cho các đô thị nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng. Trong đó, Bộ phối hợp cùng các Bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ và các giải pháp thu hút nguồn lực để đầu tư xây dựng các dự án cấp nước lớn có quy mô cấp vùng như Nhà máy nước Sông Đà giai đoạn 2, Nhà máy nước Sông Hồng, Nhà máy nước Sông Đuống…
- Như vậy, Bộ Xây dựng đã có kết luận chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm của các chủ thể có liên quan trong việc để xảy ra sự cố vỡ đường ống nước sông Đà. Thế nhưng cho đến nay, vẫn chưa thấy Bộ Xây dựng xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tập thể, cá nhân có liên quan của Tổng công ty Vinaconex, đơn vị phải chịu trách nhiệm chính về sự cố này theo kết luận của Bộ Xây dựng.
Hiện nay, Vinaconex là Tổng công ty cổ phần, hoạt động theo Điều lệ của Tổng công ty do Đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng công ty Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính, tổ chức Đảng của Tổng công ty Vinaconex là Đảng bộ cấp trên cơ sở trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Trong khi đó, Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex, không được giao làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex, không trực tiếp quản lý cán bộ lãnh đạo của Vinaconex, tổ chức Đảng của Tổng công ty Vinaconnex không thuộc hệ thống các tổ chức Đảng của Bộ Xây dựng, vì vậy việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo tại Tổng công ty Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng, mà thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của đại hội cổ đông, Tổng công ty SCIC - Bộ Tài chính và Thành ủy Hà Nội theo đúng các quy định của Đảng, Nhà nước và Điều lệ của Tổng công ty.
Trong việc giải quyết sự cố vỡ đường ống nước Sông Đà - như đã nói là sự cố về chất lượng công trình xây dựng, Bộ Xây dựng đã thực hiện đúng vai trò, chức năng của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng, trong đó Vinaconex là một chủ thể tham gia hoạt động xây dựng với tư cách là Chủ đầu tư dự án, được xác định phải chịu trách nhiệm chính trong việc tổ chức quản lý chất lượng công trình trong tất cả các khâu của quá trình thực hiện dự án, điều này đã thể hiện rõ trong kết luận giám định sự cố mà Bộ Xây dựng đã công bố.
- Sau sự cố đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ và Bộ Xây dựng đã kết luận về nguyên nhân cũng như trách nhiệm của các bên liên quan đối với sự cố này, có ý kiến cho rằngThanh tra Chính phủ cần vào cuộc thanh tra toàn diện đối với dự án này, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
Dự án Nhà máy nước sông Đà là dự án có quy mô đầu tư rất lớn, góp phần quan trọng giải quyết nhu cầu nước sinh hoạt là một trong những nhu cầu thiết yếu của trên 70 ngàn hộ dân Thủ đô Hà Nội. Sau một thời gian vận hành ổn định, đã liên tiếp xảy ra sự cố vỡ đường ống, không chỉ gây thiệt hại về chi phí khắc phục, sửa chữa, làm ảnh hưởng hưởng đến uy tín, thương hiệu của chủ đầu tư Vinaconex, mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt của hàng ngàn hộ dân khu vực phía Tây Nam thành phố. Rõ ràng, đây là điều mà cả chủ đầu tư, các cơ quan quản lý và đặc biệt là người dân Thủ đô hoàn toàn không mong muốn.
Mặc dù vậy, Vinaconex là doanh nghiệp cổ phần có vốn nhà nước, phải chịu trách nhiệm trong việc bảo toàn, phát triển vốn nhà nước, cũng như trách nhiệm chính trị, xã hội trong việc góp phần đảm bảo an sinh xã hội, cụ thể ở đây là đầu tư sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân. Chúng tôi ủng hộ quan điểm cho rằng, ngoài các yếu tố hạn chế về kỹ thuật, kinh nghiệm, tổ chức quản lý của chủ đầu tư và các nhà thầu đối với một loại công nghệ lần đầu tiên được áp dụng ở Việt Nam, nếu xét thấy có các dấu hiệu vi phạm pháp luật trong quản lý và tổ chức thực hiện dự án, làm thất thoát, lãng phí vốn đầu tư của nhà nước, ảnh hưởng đến chất lượng công trình thì các cơ quan chức năng có thẩm quyền cần tiến hành kiểm tra, thanh tra để phát hiện, xử lý kịp thời các tổ chức, cá nhân có sai phạm (nếu có) theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
Xin cảm ơn ông
Nguồn VnMedia