Vissan đầu tư Global GAP để đón IPO
Chỉ hơn 3 tháng kể từ buổi gặp gỡ đầu tiên, vào cuối tuần qua, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), Công ty Trách nhiệm Hữu hạn De Heus và Công ty Fresh Studio Innovations Asia (DHFS - Safe Pork) đã công bố một chiến lược hợp tác quan trọng. Theo đó, 2 bên sẽ cùng hợp tác thiết lập chuỗi giá trị cung ứng thịt heo sạch, an toàn và có thể truy xuất được nguồn gốc.
Cụ thể, phía De Heus và DHFS - Safe Pork sẽ tổ chức tập huấn cho khoảng 200 chủ trại heo, trước mắt ở Đồng Nai về việc sử dụng con giống, thức ăn và áp dụng công nghệ của Hà Lan. Sau đó sẽ chọn ra khoảng 50 chủ trại tham gia vào chuỗi cung ứng này.
Tổng số vốn cho dự án nói trên là khoảng 3 triệu USD và Chính phủ Hà Lan tham gia hỗ trợ khoảng 30% vốn cùng chuyên gia tư vấn kỹ thuật. Phía Vissan sẽ đảm bảo việc giết mổ cho đến khâu thành phẩm và phân phối ra thị trường. Dự kiến dòng sản phẩm thịt heo này sẽ ra mắt vào tháng 8.2016.
Ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, cho biết điểm đặc biệt của chuỗi cung ứng này là tuân thủ theo bộ tiêu chuẩn TRACEPIG. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn TRACEPIG là sản phẩm có nguồn gốc nhận dạng rõ ràng, không chứa dư lượng kháng sinh vượt mức quy định, cũng như không nhiễm vi sinh vật gây bệnh. Ngoài ra, sản phẩm phải tuân theo yêu cầu về phúc lợi động vật trong quá trình chăn nuôi và giết mổ để vật nuôi không bị sốc, chất lượng thịt sẽ tốt hơn.
“Đây là một bước đi quan trọng không chỉ đối với Vissan mà có thể cho toàn ngành chăn nuôi Việt Nam. Nếu thành công thì họ sẽ tạo ra được chuỗi giá trị thịt heo an toàn, có nguồn gốc rõ ràng và được xem như là thịt heo đạt tiêu chuẩn Global Gap đầu tiên tại Việt Nam”, ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Vissan, nhận định.
Theo ông Mười, trong chiến lược phát triển của mình, Vissan đã chủ động phát triển riêng hệ thống trang trại cũng như chủ động kết hợp liên kết trong chuỗi kinh doanh khép kín. Công ty còn huy động các nguồn lực xã hội tập trung cho chuỗi giá trị đi từ khâu sản xuất chế biến đến khâu phân phối. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng việc truy xuất nguồn gốc hoàn toàn các sản phẩm vẫn chưa đạt được kết quả tốt.
Vai trò của Vissan và các bên trong quá trình sản xuất thịt heo chuẩn Global Gap |
Thực tế này không chỉ diễn ra ở Vissan. Hiện tại với nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, mô hình 3F (Feed - Farm - Food) đang được coi là mô hình chuẩn cho các doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm. 3F được hiểu là chuỗi khép kín thực phẩm từ trang trại đến bàn ăn. Tuy nhiên, so với tiêu chuẩn TRACEPIG, 3F chỉ là một trong những tiêu chuẩn để có thể gọi là thịt sạch.
“Việc liên kết xây dựng chuỗi thịt heo an toàn dù sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện, nhưng với kinh nghiệm quốc tế đã làm rất thành công ở Hà Lan, tôi tin rằng dự án sẽ thành công. Đây cũng là lý do Vissan hợp tác với De Hues thay vì các doanh nghiệp nội địa khác”, ông Mười, Vissan, nhận định.
De Heus là một tập đoàn gia đình hoạt động trên quy mô toàn cầu và hiện đứng ở vị trí thứ 16 về quy mô trong ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi thế giới. Được thành lập năm 1911 và có trụ sở chính đặt tại Ede-Wageningen (Hà Lan), De Heus đã vươn lên thành một trong những nhà sản xuất thức ăn chăn nuôi lớn nhất tại Hà Lan. Hiện tập đoàn này có nhà máy tại Hà Lan, Nga, Brazil, Ba Lan, Việt Nam, Cộng hòa Séc, Nam Phi, Ai Cập và Ethiopia.
Ðến Việt Nam vào cuối năm 2008 và đã phát triển 6 nhà máy, De Heus đang khẳng định tên tuổi của mình khi nằm trong top 10 các công ty sản xuất thức ăn lớn nhất tại Việt Nam với tổng công suất 600.000 tấn/năm. Trong khi đó, DHFS - Safe Pork được lãnh sự Hà Lan giới thiệu là một doanh nghiệp có kiến thức và kinh nghiệm dày dặn trong lĩnh vực nghiên cứu, xây dựng, quản lý chất lượng và quảng bá các chuỗi thực phẩm sạch tại Hà Lan.
“Vissan là một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực thực phẩm của Việt Nam, nên chúng tôi xác định và mong muốn Vissan sẽ là một đối tác chiến lược quan trọng lâu dài của De Hues”, ông Gabor Fluit, Tổng Giám đốc De Heus Việt Nam, nói.
Thực tế, khi Vissan đang nắm trong tay hơn 130.000 điểm bán trên cả nước với tốc độ tăng trưởng bình quân hằng năm đạt 10,2%, De Hues không phải là doanh nghiệp đầu tiên xem trọng và muốn hợp tác với doanh nghiệp này để tạo nên một chuỗi sản xuất thực phẩm khép kín có thể truy xuất nguồn gốc.
Hồi đầu năm 2015, trong buổi gặp Chủ tịch Lê Hoàng Quân tại TP.HCM, lãnh đạo Tập đoàn CJ CheilJadang Corporation (Hàn Quốc) cho biết CJ rất quan tâm đến công cuộc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước tại TP.HCM. Tập đoàn này cũng mong muốn được tham gia mua cổ phần của các doanh nghiệp này, trong đó trọng tâm là Vissan.
Theo lãnh đạo CJ, do việc đã tham gia hoạt động đầu tư trong lĩnh vực chăn nuôi ở Việt Nam, nên nếu việc mua cổ phần của Vissan thành công, CJ sẽ tham gia sâu hơn vào ngành chăn nuôi từ việc cung cấp con giống, thức ăn cho đến khâu bao tiêu sản phẩm đầu ra, chế biến... Ngoài ra, lãnh đạo tập đoàn này cũng cho rằng nếu được trở thành cổ đông chiến lược của Vissan, họ không những sẽ đưa thương hiệu Vissan phát triển hơn nữa ở thị trường trong nước mà còn mở rộng ở thị trường quốc tế. Cụ thể là xuất khẩu sản phẩm dưới thương hiệu Vissan.
“Không chỉ có CJ, Vissan còn cả một danh sách dài các đối tác quan tâm. Nhưng hiện tại chúng tôi vẫn chưa thể công bố được gì vì vẫn chưa biết tỉ lệ mà Nhà nước muốn bán là bao nhiêu”, ông Mười cho biết.
Dù vậy, theo vị đại diện Vissan, hiện phần định giá doanh nghiệp này cũng đã thực hiện xong. Tiêu chí chọn các đối tác chiến lược đã có. Vì thế, các phương án phát hành cổ phiếu IPO cũng sẵn sàng, chỉ cần Nhà nước “bật đèn xanh” là tiến hành ngay lập tức.
Nguyễn Hùng