Nguồn: Vinamilk.

 
Vũ Hoài Thứ Hai | 03/02/2020 16:27

Virus corona và những tác động đến các doanh nghiệp có xuất khẩu sang Trung Quốc

Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mối giao thương với thị trường Trung Quốc, và doanh thu từ xuất khẩu chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu doanh thu...

Trong kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán 2020 vừa qua, chúng ta đón nhận thông tin về dịch viêm phổi cấp bùng phát ở Vũ Hán, Trung Quốc. Bên cạnh những thiệt hại về người về kinh tế đối với nước “ tâm bệnh” thì những nền kinh tế khác cũng bị ảnh hưởng.

Rõ nét nhất là ở thị trường chứng khoán Việt Nam, khi chỉ số VN-Index đã liên tục lao dốc kể từ khi quay trở lại giao dịch sau kỳ nghỉ lễ. Tính trong 3 phiên giao dịch (tính đến 10h00 sáng 03/02), vốn hóa thị trường đã “bốc hơi” hơn 13 tỷ USD.

Xét về bản chất bên trong, nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam có mối giao thương với thị trường Trung Quốc, và doanh thu từ xuất khẩu đóng góp chủ yếu trong cơ cấu doanh thu của những doanh nghiệp này.

Xét một vài ví dụ điển hình như Thủy sản Nam Việt (HoSE: ANV) khi doanh thu của doanh nghiệp này phụ thuộc phần lớn vào xuất khẩu.

Cụ thể, số liệu trên báo cáo tài chính quý IV/2019 của ANV, doanh thu xuất khẩu chiếm hơn 73,58% cơ cấu doanh thu của Công ty. 

ANV phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu. Nguồn: ANV.
ANV phụ thuộc lớn vào thị trường xuất khẩu. Nguồn: ANV.

Số liệu được ANV công bố, trong 10 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 184,8 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc (Hong Kong) chiếm tỷ trọng cao nhất với 35,5% tổng giá trị xuất khẩu. 

Còn riêng với ANV, trong 10 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu của Công ty đạt 119,4 triệu USD, trong đó thị trường Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 27,7%. 

Nguồn: ANV.
Nguồn: ANV.

Về diễn biến giá cổ phiếu, phiên giao dịch 03/02 là phiên sàn thứ 3 liên tiếp kể từ khi thị trường chứng khoán trở lại giao dịch. Trong 3 phiên, giá cổ phiếu đã giảm gần 21%.

Một trường hợp khác là đối với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, HoSE: VNM) khi thị trường Trung Quốc đang được kỳ vọng sẽ là một trong những triển vọng tích cực của công ty trong tương lai.

Trước khi dịch viêm phổi, virus corona bùng phát, việc sữa Việt Nam được xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được cho là một tín hiệu đáng mừng. Theo nhận định của SSI Research, đây là một thị trường cạnh tranh cao nhưng rất hấp dẫn, chỉ cần chiếm một phần nhỏ trong thị trường 60 tỷ USD này cũng có thể rất có ý nghĩa cho tăng trưởng trong tương lai của các công ty sữa Việt Nam.

 

Được biết, Vinamilk đã khởi động xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc trong quý I/2020. Công ty chứng khoán VNDirect dự báo doanh thu từ nước ngoài của Vinamilk dự phóng tăng 17% so với cùng kỳ trong 2020, đạt 10.800 tỷ đồng.

Tuy nhiên, khi dịch bùng phát thì việc giao thương với Trung Quốc đang gặp rất nhiều trở ngại. Điều này đã phần nào được thể hiện trên giá cổ phiếu Vinamilk khi chỉ trong 3 phiên giao dịch, giá cổ phiếu đã giảm 12,36%.

Bloomberg cũng đưa tin, sự lây lan của coronavirus ở Trung Quốc làm mờ đi triển vọng phát triển của ngành cao su toàn cầu, đặc biệt là sản xuất ô tô và nhu cầu lốp xe. Hơn 10 tỉnh của Trung Quốc đã công bố gia hạn kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài hơn một tuần. Các nhà sản xuất ô tô như Toyota đến General cho biết việc sản xuất sẽ bị dừng lại ít nhất là cho tới hết ngày 09/02.

Theo đó, Tập đoàn công nghiệp cao su Việt Nam (UPCoM:VRG), đang tích cực tìm kiếm khách hàng mới ở bên ngoài Trung Quốc, do lo ngại coronavirus sẽ làm giảm nhu cầu nhập khẩu cao su của nước này.

Trong phiên giao dịch ngày 31/01, giá cổ phiếu của VRG đã giảm 6,1%, mức giảm lớn nhất trong hơn một tháng qua. Trước đó, giá cổ phiếu VRG đã giảm 5% trong phiên giao dịch ngày 30/01 sau  kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, hằng năm, Việt Nam đón hàng triệu khách du lịch Trung Quốc, theo số liệu thống kê của SSI Research, tổng số khách du lịch Trung Quốc đến thăm Việt Nam trong tháng 9, tháng 10 và tháng 11 năm 2019 đã tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức 1,9 triệu lượt khách. Điều này góp phần tăng doanh số bán lẻ vì khoảng 1/3 tổng số khách du lịch đến từ Trung Quốc. VOF ước tính rằng khách du lịch đóng góp hơn 10% tổng doanh số bán lẻ của Việt Nam.

Tuy nhiên khi dịch bùng phát, các chuyến bay đến Trung Quốc hầu như bị hủy bỏ, hệ thống khách sạn, nhà hàng cũng theo đó mà bị ảnh hưởng. Ngành hàng không, du lịch, là những ngành bị ảnh hưởng đầu tiên. Theo đó là ngành tài chính ngân hàng, bán lẻ,... cũng không tránh khỏi những tác động.

►Nhu cầu cao su Trung Quốc giảm sút do virus corona, Tập đoàn cao su Việt Nam tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới