Vinatex chắc chắn IPO trong quý IV tới
Một trong những thông tin được quan tâm là thời điểm phát hành lần đầu ra công chúng (IPO) của Vinatex khi xuất hiện nhiều thông tin khác nhau về thời điểm thực hiện. Trả lời vấn đề này, ông Lê Tiến Trường, Phó tổng giám đốc thường trực Vinatex cho biết hiện tập đoàn đã hoàn thành việc xác định giá trị doanh nghiệp và kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán xong.
Hiện Tập đoàn đang chờ sự phê duyệt giá trị doanh nghiệp của Ban chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước và Chính phủ. Trong vòng 90 ngày tới, Vinatex sẽ lên kế hoạch kinh doanh 5 năm sau cổ phần hóa.
Ông Trường cho biết tập đoàn sẽ cố gắng IPO trong quý IV tới nhưng từ chối trả lời về nhà đầu tư chiến lược và cho biết đang thương lượng.
Về tình thoái vốn đầu tư ngoài ngành, ông Trường cho biết, cơ bản Vinatex đã thoái vốn xong ở nhóm ngành ngân hàng và chỉ còn ở các công ty tài chính, dự kiến sẽ hoàn thành thoái vốn vào năm 2015.
Về vấn đề nợ xấu của các công ty trong hệ thống tập đoàn, 6 tháng đầu năm, toàn bộ các công ty không có khoản nợ đọng quá hạn với ngân hàng. Đối với nợ của khách hàng với Vinatex (trên 12 tháng nhưng dưới 24 tháng) của cả Tập đoàn chỉ trên 50 tỷ đồng
Về tình hình ngành dệt may, theo báo cáo của Vinatex, 6 tháng đầu năm 2013, ngành dệt may xuất khẩu ước đạt 8,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với 6 tháng đầu năm 2012. Trong đó, lượng xuất khẩu vào Mỹ lớn nhất, đạt 3,94 tỷ USD, chiếm 44,8% tổng kim ngạch xuất khẩu toàn ngành, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái.
Kim ngạch xuất khẩu 6 tháng của Vinatex ước đạt 1,281 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ 2012, bằng 50% kế hoạch cả năm. Doanh thu ước đạt 20.227 tỷ đồng, tăng 11%. Doanh thu nội địa ước đạt 10.079 tỷ đồng, tăng 11%.
Các doanh nghiệp có mức tăng trưởng các chỉ tiêu chính về doanh thu, xuất khẩu, lợi nhuận trên 10% so với cùng kỳ năm 2012 như Phong Phú, Dệt may Hà Nội, Dệt may Nam Định, May Đức Giang, May Việt Tiến, Dệt may Huế, May Bình Minh, Sợi Phú Bài, May Chiến Thắng….
6 tháng đầu năm cũng đánh dấu sự vươn lên mạnh mẽ của các doanh nghiệp trong phát triển thị trường nội địa. Cụ thể, doanh thu nội địa của một số đơn vị nổi bật như Phong Phú: 2.134 tỷ đồng; May Việt Tiến: 444 tỷ đồng; Vinatex Mart: 394 tỷ đồng; Việt Thắng: 325 tỷ đồng; Dệt May Nam Đinh: 371 tỷ đồng; Nhà Bè: 240 tỷ đồng; Dệt May Huế: 179 tỷ đồng…
Về hoạt động đầu tư, nửa đầu năm 2013 đã có 46 dự án với tổng mức đầu tư 6.144 tỷ đồng. Các dự án sợi, dệt, may chiếm 38 dự án, còn lại là các dự án khu công nghiệp, vùng nguyên liệu và đào tạo. Tổng giá trị giải ngân ước thực hiện là 403 tỷ đồng.
Để đạt được mục tiêu đề ra cho cả năm 2013 như doanh thu tăng trưởng 13% so với năm 2012, kim ngạch xuất khẩu (tính đủ NPL) tăng 12% và lợi nhuận tăng 11%, Tập đoàn đề ra nhiều nhiều giải pháp, trong đó có một số giải pháp trọng tâm về chiến lược phát triển chung, đầu tư, thị trường và nguồn nhân lực.
Nguồn Dân Việt