Viết Nguyên Thứ Tư | 11/04/2018 14:00

Vinamilk tìm động lực tăng trưởng mới

Vinamilk phải duy trì tăng trưởng cao hơn trung bình ngành.

Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk) vừa tiến hành Đại hội đồng cổ đông giữa lúc đà tăng trưởng chậm lại và thị trường xuất khẩu gặp khó khăn. Chính vì thế, sức nóng của kỳ đại hội ở Vinamilk càng tăng lên.

Vinamilk đang đối mặt với áp lực tăng trưởng. Nếu như trước năm 2016, Vinamilk dễ dàng đạt tăng trưởng doanh thu hai con số, thì năm 2017, con số này chỉ ở mức 8,9%. Sang năm 2018, Vinamilk thận trọng khi đề ra mục tiêu doanh thu cả năm là 55.500 tỉ đồng, tức chỉ tăng 8,5%. Rõ ràng, các cổ đông đã không vui với kế hoạch này, nhưng theo lãnh đạo Vinamilk, đây là con số tối thiểu, đặt ra trong điều kiện xuất khẩu không ổn định. Vinamilk còn phải tính đến khả năng hoàn thành mục tiêu của cán bộ công nhân viên.

Trên thực tế, sau chặng đường bứt phá mạnh mẽ, ngành sữa Việt Nam đã tăng trưởng chậm lại, ở mức trung bình khoảng 7%. Trong khi đó, cạnh tranh trong ngành sữa ngày càng gay gắt khi thị trường xuất hiện thêm những tên tuổi như TH TrueMilk, Nutifood, bên cạnh những đối thủ cũ là FrieslandCampina, Long Thành, Đà Lạt, Mộc Châu, Ba Vì... Vinamilk, ở vị thế dẫn đầu thị trường, chiếm 58% thị phần và đạt quy mô doanh thu lên tới hàng tỉ USD thì mỗi tăng trưởng đều cho giá trị rất lớn.
Để giành lấy thêm 1% thị phần mỗi năm, như chiến lược đề ra đến năm 2021 chiếm lĩnh 60% thị phần cả nước, Vinamilk phải duy trì tăng trưởng cao hơn trung bình ngành. Năm 2017, Vinamilk thực hiện được điều này khi doanh thu nội địa tăng tới 13,6%, chiếm thêm 2% thị phần.

Vinamilk tim dong luc tang truong moi
 


Sang năm 2018 và các năm tới, Vinamilk vẫn tự tin mở rộng thị phần bởi dư địa tăng trưởng cho ngành sữa vẫn còn khá lớn. Theo Công ty Nghiên cứu thị trường Kantar World Pannel, tiêu thụ sữa bình quân đầu người tại Việt Nam chỉ khoảng 17 lít/năm trong khi con số này ở Thái Lan là 35 lít/năm, ở Singapore 45 lít/năm. Ngoài ra, Vinamilk cũng đang dẫn đầu về năng lực phân phối, với 251.000 điểm bán lẻ trên cả nước, sở hữu 418 cửa hàng Vinamik và có mặt trên 3250 siêu thị, cửa hàng tiện lợi. 

Vinamilk còn triển khai nhiều biện pháp khác nhau để hỗ trợ, thúc đẩy đà tăng trưởng trong nước. Đó là chi ra hàng ngàn tỉ đồng để thâu tóm Công ty Đường Khánh Hòa, mở rộng nhà máy Mega với mục tiêu tăng gấp đôi công suất sản xuất lên 800 triệu lít/năm. Vinamilk còn có kế hoạch mở rộng trang trại ở Đà Lạt, Thanh Hóa, gia tăng đàn bò nguyên liệu lên 44.000 con vào năm 2021. 
Trong định hướng sản phẩm, chủ trương của Vinamilk là nghiên cứu, tung ra thị trường các sản phẩm mới, hợp thị hiếu, hợp khẩu vị, bên cạnh hơn 250 sản phẩm thuộc các ngành sữa nước, sữa chua, sữa bột, bột dinh dưỡng, kem, phô mai, sữa đậu nành, nước trái cây… Mới đây, Vinamilk còn bắt tay với Dược Hậu Giang để hợp tác sản xuất sản phẩm chức năng, sản phẩm dinh dưỡng.

Trước đó, Công ty kết hợp với Nông trường Sông Hậu nhằm hợp tác cung cấp sữa organic cho khu vực miền Tây. Ở miền Bắc, Vinamilk dự tính đặt trang trại sữa organic tại Nghệ An, gần khu vực biên giới hoặc kết hợp với trang trại ở Xiêng Khoản (Lào). Đối với sản phẩm nước dừa, Vinamilk hợp tác với Công ty Dừa Á Châu… 
Các khoản đầu tư này đã và sẽ giúp Vinamilk đa dạng sản phẩm, hoàn thiện chuỗi sản xuất, tăng chủ động nguồn sữa nguyên liệu, từ đó gia tăng thị phần và cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ trong mọi phân khúc. 

Trên tất cả, Vinamilk phải chạy đua để đạt tới mục tiêu 3,3 tỉ USD doanh thu vào năm 2021 từ mức 2,2 tỉ USD hiện tại. Đây là thách thức không nhỏ. Vì thế, bên cạnh thị trường trong nước, Vinamilk cũng tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu. Lâu nay, Vinamilk đã đi ra nước ngoài với các hoạt động đầu tư vào Mỹ (sở hữu 100% nhà máy Driftwood), Campuchia (sở hữu 100% nhà máy Angkormilk), New Zealand (Miraka, sở hữu 22,8%) cùng 1 công ty con tại Ba Lan. Sản phẩm của Vinamilk cũng đã được xuất đi hơn 40 nước trên thế giới như Mỹ, Nhật, Úc, Thái Lan, Myanmar, Bangladesh, các nước thuộc khu vực Trung Đông… Nhưng Trung Đông xảy ra biến động chính trị khiến Vinamilk phải dừng xuất khẩu tại khu vực này và nguồn thu xuất khẩu năm 2017 của Công ty bị ảnh hưởng, giảm 14,2%.

Với thị trường  Mỹ, Vinamilk chỉ bỏ ra 10 triệu USD là sở hữu toàn bộ Driftwood. Phạm vi cung cấp sữa của Driftwood là cho một số trường học ở miền Nam California. Theo cách thức này, sự hiện diện của  Vinamilk ở Mỹ còn khiêm tốn. Với New Zealand, Vinamilk xác nhận đó là thị trường mới. Ở những thị trường đã phát triển này, không dễ để các công ty sữa nước ngoài chen chân và Vinamilk là đơn vị tiên phong. Đối với thị trường Campuchia, mức đóng góp doanh thu, lợi nhuận của Angkormilk vào Vinamilk cũng rất thấp.

Vì thế, khi đặt ra mục tiêu xuất khẩu tăng 8% trong năm nay, lãnh đạo Vinamilk thừa nhận họ “không thật tự tin”. Theo lãnh đạo Vinamilk, nếu hoàn thành kế hoạch thì xuất khẩu mới chiếm 8-9% doanh thu Vinamilk. 

Vinamilk đang hướng sự quan tâm tới thị trường Myanmar và Trung Quốc. Bởi đây là những thị trường tiềm năng về dân đông và nhu cầu. Ở Myanmar, Vinamilk có thể kết hợp với cổ đông F&N, để nghiên cứu thị trường và tìm kiếm nhà phân phối. Ở Trung Quốc, theo thông tin công ty, khoảng 1-2 tháng tới, đoàn các cơ quan chức năng của Trung Quốc sẽ sang kiểm tra cơ sở vật chất và các nội dung khác trước khi cấp phép xuất khẩu cho sữa của Vinamilk vào Trung Quốc. Các thủ tục này được Vinamilk xác nhận là rất khó khăn nhưng tiến độ vẫn đang thuận lợi.

Thực tế, Vinamilk đang tìm cách thay đổi chiến lược xuất khẩu. Theo đó, Công ty sẽ thúc đẩy xuất khẩu bằng cách triển khai thật chuẩn hệ thống phân phối; tiếp cận, xúc tiến một cách linh hoạt và đa dạng các loại hình hợp tác kinh doanh với đối tác quốc tế. Điều này có lẽ là một trong những lý do để phía Vinamilk chấp thuận tăng thêm số lượng thành viên Hội đồng Quản trị, từ 9 người lên 11 người và ủng hộ ông Alain Xavier Cany, đại diện của Jardine Matheson Group, tham gia vào Ban quản trị. 

Jardine đã có mặt ở Việt Nam và là một trong những tập đoàn hàng đầu của châu Á, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, từ bất động sản, tài chính cho đến ô tô, hạ tầng, thực phẩm - đồ uống (F&B), bán lẻ.  Trong lĩnh vực F&B, Jardine sở hữu trực tiếp, gián tiếp nhiều hệ thống siêu thị, phân phối lớn ở châu Á.

Chẳng hạn, Dairy Farm, công ty con của Jardine, là một trong những nhà bán lẻ hàng đầu châu Á, với hơn 6.000 cửa hàng bán lẻ đa dạng tại hơn 12 quốc gia. Ở Việt Nam, Dairy Farm đã thiết lập hệ thống chuỗi bán lẻ sản phẩm chăm sóc sắc đẹp Guardian và siêu thị Giant. Hay Jardine Restaurant Group (JRG - nhánh hoạt động về nhà hàng của Jardine Pacific) hiện sở hữu 25% vốn của KFC Việt Nam. Chuỗi cửa hàng Pizza Hut cũng do JRG nhận nhượng quyền tại Việt Nam.

Là cổ đông lớn và giờ đây còn tham gia Hội đồng Quản trị, Jardine có thể hỗ trợ tích cực cho Vinamilk về vốn, ý tưởng, thị trường, công nghệ, phân phối và phát triển sản phẩm