Thứ Năm | 26/07/2012 16:28

Việt Nam được World Bank kéo dài thời gian hưởng quy chế vay ưu đãi cho các nước thu nhập thấp

Việc này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục nhận được nhiều ưu đãi từ các nguồn viện trợ WB, tránh nguy cơ tái nghèo.
Trong buổi làm việc giữa Bộ trưởng Bộ Tài chính và Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, WB đã khẳng định sẽ không sớm cắt giai đoạn chuyển tiếp của Việt Nam, giúp Việt Nam vẫn có cơ hội tiếp cận vốn của Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA).

Hiện nay, WB đang cấp vốn vay cho các nước thành viên dưới ba dạng: (i) Vốn IDA - nguồn vốn vay rất ưu đãi từ Hiệp hội phát triển quốc tế dành cho các nước có thu nhập thấp (ii) Vốn IBRD - nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Tái thiết phát triển dành cho các nước có thu nhập trung bình (iii) Vay hỗn hợp IDA và IBRD.

Từ tháng 2/2012 trở về trước, Việt Nam là nước nhận được nguồn vốn IDA. Với nguồn vốn này, Việt Nam nhận được rất nhiều ưu đãi như không tính lãi suất, phí dịch vụ khoản vay là 0,75%, thời hạn vay 40 năm, trong đó có 10 năm ân hạn và phí cam kết 0%.

Từ năm 2010, Việt Nam tuyên bố đã đạt được mức nước có thu nhập trung bình thấp. Từ tháng 7/2011, Việt Nam được WB xếp vào nhóm các nước vay hỗn hợp cả nguồn vốn IDA và Ngân hàng Tái thiết phát triển (IBRD).

Với việc xếp vào nhóm nước vay hỗn hợp nêu trên, điều kiện vay nguồn vốn IDA của Việt Nam đã bị giảm đi khá nhiều ưu đãi.

Theo tính toán của WB, dự kiến trong năm 2012, thu nhập bình quân trên đầu người của Việt Nam sẽ đạt 1.175 USD/người/năm. Đây chính là mức mà Việt Nam sẽ hoàn toàn chuyển sang vay vốn IBRD.

Điều đó cũng đồng nghĩa với việc nguồn vốn từ WB vào Việt Nam sẽ giảm mức ưu đãi. Những nhà tài trợ khác cũng có thể lấy đây làm căn cứ đẩy chi phí cho vay cho Việt Nam lên cao.

Thực tế, dù đã được xếp vào các nước có thu nhập trung bình thấp và tiệm cận vượt qua mức IDA, song Việt Nam vẫn còn rất nhiều vùng nghèo. Chưa tính đến các tỉnh miền núi, một tỉnh phía Nam như Hậu Giang cũng có tỷ lệ nghèo chiếm tới 19%. Vì vậy, chính thức công nhận vượt qua ngưỡng vay IDA sớm sẽ là rủi ro khiến Việt Nam tái nghèo. Thực tế, ngưỡng IDA có 36 quốc gia vượt qua, trong đó có 11 quốc gia phải đề nghị WB cho vay IDA trở lại do tình trạng khó khăn, không đủ tín nhiệm đi vay vốn trên thị trường vốn quốc tế.

Ngoài rủi ro và thực tế trên, Việt Nam còn là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất của biến đổi khí hậu, nguồn vốn IDA được Việt Nam ưu tiên đầu tư cho các lĩnh vực giảm nghèo, ứng phó với biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, giáo dục... là những lĩnh vực không có khả năng thu hồi vốn.

Trước những thực trạng nêu trên, Phó chủ tịch WB khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, bà Pamela Cox đã khẳng định " sẽ không sớm cắt giai đoạn chuyển tiếp của Việt Nam". Tuy nhiên, cụ thể giai đoạn chuyển tiếp kéo dài trong bao lâu sẽ được WB nghiên cứu và đưa ra trong nội dung kiểm điểm IDA 17.

Nguồn NDHMoney


Sự kiện