Thứ Bảy | 04/08/2012 10:38

Việt Nam có thể tổn thất 40 tỷ USD do biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam”, đây là mức thiệt hại lớn nhất từ 2007 - 2050.
Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương phối hợp với Trường đại học Copenhagen và Viện Nghiên cứu kinh tế phát triển thế giới (thuộc Đại học Liên hợp quốc – UNU-WIDER) vừa công bố Báo cáo “Tác động của biến đổi khí hậu tới tăng trưởng và phát triển kinh tế ở Việt Nam”.

Đây là kết quả nghiên cứu được 3 bên thực hiện trong 2 năm 2010 – 2011, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển quốc tế Đan Mạch (Danida).

Theo Giáo sư Channing Arndt (Trường đại học Copenhagen), mặc dù Việt Nam đã có chiến lược ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH), nhưng chiến lược này chưa nghiên cứu sâu về ảnh hưởng tổng thể của BĐKH tới tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Để ước tính được chi phí kinh tế của biến đổi khí hậu, bản báo cáo đã so sánh kết quả các kịch bản BĐKH với kịch bản gốc.

Ông Arndt cho biết thêm, kịch bản gốc đưa ra một khung tăng trưởng và những thay đổi cơ cấu kinh tế hợp lý từ năm 2007 đến năm 2050. Kịch bản này thể hiện xu thế phát triển, chính sách và những định hướng ưu tiên trong trường hợp không có BĐKH. Theo kịch bản gốc này, kinh tế Việt Nam tăng trưởng với tốc độ 5,4%/năm, đóng góp của nông nghiệp trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) giảm từ 16% xuống còn 7,6%. Phúc lợi xã hội tiếp tục tăng và mức sống của người dân được nâng lên.

Nghiên cứu trong báo cáo này được phân tích trên cơ sở lồng ghép các dự báo của 56 kịch bản về tác động của BĐKH tới tăng trưởng và phát triển kinh tế Việt Nam từ nay tới năm 2050, theo Mô hình Tuần hoàn tổng thể (GCM) được sử dụng trong Báo cáo tác động lần thứ 4 của Ủy ban Liên chính phủ về BĐKH (IPCC).

Kết quả nghiên cứu cho thấy, nhiệt độ tại Việt Nam sẽ tăng thêm 1 - 2 độ. BĐKH sẽ làm kinh tế tăng trưởng chậm lại, đặc biệt ảnh hưởng đến những ngành dễ tổn thương như nông nghiệp và cơ sở hạ tầng.

Thiệt hại do BĐKH trong giai đoạn 2007 - 2050 được ước tính là 40 tỷ USD trong trường hợp xấu nhất. Mức thiệt hại trung bình nằm trong khoảng 8 - 21 tỷ USD (tính theo thời giá năm 2007). BĐKH sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến tốc độ tăng trưởng sau năm 2050, đặc biệt trong trường hợp Việt Nam thiếu những chính sách nhằm giảm thiểu và thích ứng với những BĐKH trong giai đoạn từ  nay tới năm 2050.

Nông nghiệp là lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất từ BĐKH. Tuy nhiên, với xu thế tỷ lệ đóng góp trong nền kinh tế ngày một giảm và chỉ còn chiếm 7,7 - 7,8% GDP trong giai đoạn 2046 – 2050, nên những thay đổi lớn trong nông nghiệp cũng không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Về cơ sở hạ tầng, đặc biệt là đường bộ, lượng mưa tăng sẽ làm đường sá xuống cấp, đặc biệt là đường đất. Nhiệt độ tăng trong khi đường trải nhựa hiện tại được thiết kế để chịu ngưỡng nhiệt độ thấp, nên sẽ làm tăng chi phí duy tu, sửa chữa và bảo dưỡng đường.

Bên cạnh đó, bão tăng cũng khiến tốc độ tăng trưởng GDP giảm bớt 0,01 – 0,08%; nước biển dâng khiến GDP giảm 0 - 2,5% trong giai đoạn 2046 – 2050.

Từ những phân tích lồng ghép kết quả của 56 kịch bản BĐKH đối với kinh tế Việt Nam, các chuyên gia đã đưa ra một số khuyến nghị nhằm giảm thiểu tác động của BĐKH đến tăng trưởng kinh tế.

Với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nơi được xem là sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ BĐKH, Giáo sư Finn Tarp (Trường đại học Copenhagen) khuyến cáo: “Để ứng phó dần với tác động nước biển dâng do BĐKH, Việt Nam cần tính đến việc di dời các hoạt động kinh tế tới vùng đất cao. Do chi phí di dời này là khá lớn, nên Việt Nam có thể triển khai dần và cần được thực hiện sớm, tốt nhất là trong 10 năm tới. Việc này sẽ ngăn ngừa được những rủi ro do BĐKH gây ra”.

Liên quan đến hỗ trợ Việt Nam thực hiện các hoạt động nhằm giảm thiểu tác động từ BĐKH, Đại sứ Đan Mạch tại Việt Nam, ông John Nielsen, cho biết: “Đan Mạch sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong nỗ lực giảm thiểu rủi ro từ BĐKH trong thời gian tới”.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện