Thứ Bảy | 26/01/2013 14:12

Việt Nam có thể thay Nhật Bản sản xuất sản phẩm dệt may và phần mềm

Đây là nhận đinh của Ông Hirokazu Yamaoka, Trưởng đại diện JETRO tại Hà Nội.
Nhận định trên căn cứ vào thông tin từ cuộc điều tra 3.819 doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại châu Á và châu Đại Dương do Tổ chức Thương mại Nhật Bản (Jetro) thực hiện.

Theo đó, 98,1% sản phẩm trong lĩnh vực công nghệ thông tin (IT) và 90,8% sản phẩm dệt may của Nhật Bản có nguồn gốc từ Việt Nam, vượt qua Trung Quốc (tỷ lệ tương ứng là 96,9% và 82%).

Nhận định trên cũng được chứng minh bằng con số 70,5% doanh nghiệp trả lời sẽ tăng tỷ lệ nội địa hoá (tức là sử dụng chi tiết, phụ tùng được sản xuất trong nước) và 65,9% doanh nghiệp sẽ mở rộng đầu tư tại Việt Nam .

Tuy nhiên, theo phân tích của ông Bùi Tất Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), khoảng cách giữa thực tế và kỳ vọng còn xa thể hiện ở tỷ lệ nội địa hoá thấp của các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Việt Nam.

Theo điều tra này của Jetro, tỷ lệ này chỉ khoảng 27,9%, thấp hơn mức 47,8% bình quân chung của cả khu vực châu Á và châu Đại Dương, và thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ nội địa hoá đạt tới 60,8% của Trung Quốc, 52,9% của Thái Lan, 43,3% của Indonesia.

“Trong bối cảnh này, các doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam sẽ phải tăng mua nguyên liệu, linh kiện từ các nước ASEAN (44%), Trung Quốc (16,9%) và Nhật Bản (13,3%)”, ông Hirokazu Yamaoka nói và đề xuất Chính phủ cần có hành động cụ thể để thúc đẩy nhanh các kế hoạch đầu tư của các nhà đầu tư Nhật Bản.

Cách tốt nhất để thực hiện điều này, theo ông Bùi Tất Thắng, là thu hút các doanh nghiệp có kỹ thuật, công nghệ cao vào Việt Nam. Trong đó, các doanh nghiệp Nhật Bản là đối tượng được quan tâm. Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt Nam cũng phải thực sự chuyên nghiệp trong đào tạo nhân lực và quản trị bên cạnh những thay đổi chính sách theo hướng ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp này.

Nguồn Theo Báo Đầu Tư


Sự kiện