Thứ Hai | 03/06/2013 09:35

VBF 2013: Doanh nghiệp gửi 10 kiến nghị tới Chính phủ

10 kiến nghị chính được các nhóm công tác của VBF đưa ra ở tất cả các lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, đầu tư thương mại…
Sáng nay, 3/6, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2013 đã diễn ra với chủ đề “Giai đoạn mới của tiến trình cải cách kinh tế: Từ chương trình tới hành động”

Ngay trước khi VBF giữa kỳ 2013 được khai mạc, ông Alain Cany, đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam chia sẻ, mặc dù đã có những điểm sáng nhất định trong kinh tế vĩ mô của Việt Nam, như lạm phát ở mức thấp, lãi suất ngân hàng giảm, thâm hụt thương mại được cải thiện…, song doanh nghiệp vẫn đang rất khó khăn trong hoạt động của mình.

“Đó là lý do VBF tiếp tục bản thảo và kiến nghị tới Chính phủ những vướng mắc mà doanh nghiệp đang vướng”, ông Alain nói và cho biết thêm, lần đầu tiên trong chương trình nghị sự của VBF, 6 phòng thương mại sẽ trực tiếp đặt 6 câu hỏi cho Chính phủ. 6 phòng thương mại này gồm AmCham, EuroCham, VCCI. AusCham, JBAV, KorCham.

10 kiến nghị chính của VBF được các nhóm công tác của VBF đưa ra, ở tất cả các lĩnh vực ngân hàng, thị trường vốn, cơ sở hạ tầng, đầu tư thương mại…

Thứ nhất, mặc dù Thông tư 02 về phân loại nợ, trích lập dự phòng đã được lùi thời hạn áp dụng tới tháng 6/2014, song VBF mong muốn các ngân hàng tự nguyện áp dụng để chủ động nâng cao chất lượng hoạt động của chính các ngân hàng.

“Thông tư 02 sẽ là một bước tiến lớn trong việc bảo đảm các ngân hàng báo cáo chân thực hơn về tình hình trích lập dự phòng, cũng như góp phần làm cho cộng đồng đầu tư tin tưởng rằng ngành ngân hàng đã thực sự minh bạch hơn”, ông Alain Cany bình luận.
Thứ hai, để giải quyết vấn đề thiếu vốn trong ngành ngân hàng, VBF khuyến nghị Chính phủ cho phép nhà đầu tư nước ngoài được góp vốn theo tỷ lệ đa số hoặc có thể là 100% vào các ngân hàng trong nước.

Thứ ba, cần thúc đẩy mạnh mẽ và có tiến trình rõ ràng trong cải cách doanh nghiệp nhà nước. Hai ngành chính cần được cổ phần hóa đầu tiên là ngành viễn thông và ngân hàng. Doanh nghiệp nhà nước phải tập trung vào những ngành nghề kinh doanh và năng lực chính, chứ không phải dàn trải sang những lĩnh vực không liên quan khác, nhất là khách sạn, ngân hàng.

Thứ tư, làm rõ định nghĩa doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. 5 năm kể từ khi Việt Nam gia nhập WTO, nhà đầu tư vẫn tiếp tục chứng kiến sự khác nhau trong diễn giải và áp dụng pháp luật liên quan đến doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.

Thứ năm, mở rộng quyền của các doanh nghiệp bất động sản có vốn đầu tư nước ngoài để họ có thể mua/thuê các tòa nhà hoặc quyền sử dụng đất với cơ sở hạ tầng để bán hoặc cho thuê lại.
Thứ sáu, đề nghị kết hợp Nghị định 108 và Quyết định 71 thành một khuôn khổ pháp lý rộng và hài hòa hơn, vạch rõ cấu trúc thể chế PPP, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các bên và đưa ra một cơ chế xác định phần đóng góp của Nhà nước trong các dự án BOT và PPP.
Thứ bảy, đề nghị đẩy nhanh lộ trình loại bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, và tại dự thảo Luật lần này, nới lỏng mức khống chế lên ít nhất ở mức 25%.

Thứ tám, quyết định thu hồi quy chế miễn thị thực đối với các du khách Nhật Bản, Hàn Quốc và Nga hiện đang được thảo luận giữa các bộ ngành. Nếu quyết định được thông qua, Việt Nam sẽ mất đi một lượng du khách chi tiêu cao, cũng như mất đi phần nào năng lực cạnh tranh so với các nước láng giềng. “Chúng tôi đề nghị Việt Nam nên mở rộng chứ không thu hẹp diện miễn thị thực”, ông Alain nhấn mạnh.Thứ chín, việc miễn giấy phép lao động áp dụng cho 11 ngành dịch vụ theo cam kết WTO vẫn chưa thực hiện được do thủ tục, giấy tờ thiếu rõ ràng.

Thứ mười, Bộ Tài chính vẫn đang nghiên cứu, xem xét tiếp tục nâng mức thuế khoáng sản, còn Bộ Tài nguyên và Môi trường thì đang soạn thảo Thông tư liên tịch triển khai Nghị định hướng dẫn Luật Khoáng sản 2010 về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản. Tuy nhiên, hiện nay, các doanh nghiệp thăm dò và khai thác khoáng sản tại Việt Nam đang chịu khoảng 12 loại thuế, phí và lệ phí.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện