Vay vốn Nhật Bản để sửa chữa tổng thể mặt cầu Thăng Long
Hiện tại, các bên liên quan sẽ sử dụng vốn của Hiệp định vay lần 2 của dự án, sau đó giao tư vấn dự án Katahira & Engineers International (KEI) tiến hành nghiên cứu xác định nguyên nhân hư hỏng, đề xuất giải pháp công nghệ khắc phục.
Dự kiến, công tác khảo sát sẽ được triển khai ngay trong tháng 9 - 10/2012; việc nghiên cứu này sẽ tốn khoảng 12,5 tỷ đồng. Đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng khẳng định: việc sửa chữa triệt để mặt cầu Thăng Long chỉ có thể tiến hành sau khi tuyến Nhật Tân - Nội Bài đã đưa vào khai thác (vào cuối 2014).
Phương án thực hiện cũng sẽ có 2 kịch bản.
Thứ nhất, nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa mặt cầu Thăng Long không quá phức tạp, có thể sửa chữa trong thời gian ngắn, hoàn thành trước tháng 6/2016 thì JICA sẽ xem xét báo cáo Chính phủ Nhật Bản cho sử dụng vốn dư Dự án xây dựng đường vành đai 3 Hà Nội giai đoạn 2 (trong thời hạn còn hiệu lực giải ngân của hiệp định vay JICA đến tháng 6/2016).
Còn nếu kết quả nghiên cứu cho thấy việc sửa chữa phức tạp, JICA sẽ xem xét sử dụng vốn Hiệp định thứ 3 Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải để cải tạo mạng lưới đường quốc gia như một hạng mục mới của Dự án tín dụng ngành Giao thông Vận tải cải tạo mạng lưới đường quốc gia.
Cầu Thăng Long được khởi công xây dựng từ năm 1974 được sự trợ giúp về kĩ thuật của các chuyên gia Trung Quốc và Liên Xô. Cầu được thông xe kỹ thuật vào cuối năm 1983 đầu năm 1984. Sau nhiều lần được Bộ Giao thông Vân tải lên kế hoạch, công tác sửa chữa cầu đã được tiến hành từ tháng 10 đến tháng 12/2009 với tổng kinh phí là 97 tỷ đồng do nhà thầu là Công ty Bảo Quân thực hiện. Nhưng chỉ sau 2 tháng đưa vào khai thác, mặt cầu đã xuất hiện các vết rạn nứt cục bộ. Từ tháng 3/2010 đến tháng 8/2012, đã qua nhiều đợt sửa chữa nhưng vẫn còn các vết nứt vẫn xuất hiện trên mặt cầu.Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Hồng Trường thừa nhận những thiếu sót trong chuyển giao công nghệ và khẳng định: đây là bài học sâu sắc về việc không lường trước được rủi ro khi áp dụng công nghệ mới. |
Nguồn Vneconomy