Thứ Hai | 02/02/2015 06:58

Vàng – kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tiền tệ toàn cầu

Khi cuộc đua bắt đáy trên thị trường tiền tệ tiếp tục nóng lên và trong cuộc chiến tiền tệ, một số nhà phân tích cho rằng vàng là kẻ chiến thắng.

Ngân hàng trung ương Singapore trong tuần kết thúc vào 30/1 đã khiến thị trường ngạc nhiên khi nới lỏng chính sách tiền tệ. Hôm thứ Tư 28/1, Cơ quan Tiền tệ Singapore (MAS) – sử dụng tỷ giá hối đoái làm công cụ chính sách tiền tệ - cho biết sẽ trì hoãn việc nâng giá đồng đôla Singapore so với các đồng tiền trong giỏ tiền tệ. Theo ngân hàng trung ương Singapore, động thái này được đưa ra do giá dầu mất giá đang gây áp lực lên giá và cho biết thêm, lạm phát có thể giảm 0,5% trong năm 2015.

Singapore đã gia nhập danh sách dài các ngân hàng trung ương đang cố gắng thúc đẩy lạm phát và tăng trưởng kinh tế bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ và hạ giá đồng nội tệ. Tính đến thời điểm hiện tại của năm, danh sách này gồm Ngân hàng trung ương Canada, Ngân hàng trung ương Đan Mạch, Ngân hàng trung ương châu Âu và Ngân hàng trung ương Nhật Bản.

Jeffrey Nichols, giám đốc điều hành American Precious Metals Advisors đồng thời cố vấn kinh tế cao cấp tại Rosland Capital, cho biết, thị trường vàng hiện nay đang chịu “sự điều khiển” của đồn đoán ngắn hạn rằng Fed có thể là ngân hàng trung ương duy nhất nâng lãi suất trong năm 2015; tuy nhiên, chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương khác trên thế giới sẽ là tín hiệu tích cực đối giá vàng trong dài  hạn.

Howard Wen, nhà phân tích kim loại quý tại HSBC, đồng ý rằng việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu sẽ đẩy giá vàng tăng trong trung hạn.

Giờ đây, thị trường vàng đang tập trung vào chính sách tiền tệ của Fed, nhưng nếu tâm điểm này chuyển sang việc nới lỏng chính sách tiền tệ toàn cầu, khi đó, giá vàng sẽ hưởng lợi.

Bên cạnh đó, tác động lớn nhất từ động thái của Ngân hàng trung ương Singapore là có thể tạo ra sự thay đổi trong toàn khu vực.

Trong báo cáo ra hôm thứ Tư 28/1, các nhà phân tích tại HSBC cho biết, động thái của Ngân hàng trung ương Singapore có thể tác động mạnh mẽ đến các nước khác trong khu vực và khởi động một xu hướng trên toàn châu Á.

Axel Merk, chủ tịch kiêm giám đốc đầu tư Merk Investment, cho biết, rõ ràng cuộc chiến tiền tệ đang diễn ra và giới đầu tư muốn nắm giữ vàng như tài sản trú ẩn.

Các nước, thay vì cố gắng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua cải cách tài chính, đang nỗ lực theo đuổi tăng trưởng kinh tế ngắn hạn bằng cách phá giá đồng nội tệ. Điều này sẽ gây ra vấn đề kinh tế trong dài hạn và vàng sẽ là kẻ chiến thắng.

Tuy lãi suất âm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, song sẽ có nhiều vấn đề nảy sinh khi lãi suất dương mà kinh tế Mỹ sẽ sớm phải đối mặt.

Ông Merk cho rằng đà tăng giá của USD sẽ sớm kết thúc. Fed đang theo đuổi chính sách tiền tệ dựa trên cơ sở rằng kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng và lãi suất rốt cuộc sẽ tăng.

Nhưng kinh tế Mỹ không thể “chịu” được lãi suất dương, ông Merk nhắc lại.

Ví dụ, nếu lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm hồi phục lên 4% hoặc 5%, chính phủ Mỹ sẽ phải chi hơn 1 nghìn tỷ USD mỗi năm chỉ để thanh toán lãi cho các khoản nợ. Điều này sẽ cản trở tăng trưởng vì chính phủ buộc phải tăng thuế và cắt giảm chi tiêu.

Nguồn DVO/Kitco