Thứ Tư | 08/05/2013 14:24

Vạch mặt trò bịp “mỗi quý lãi nghìn tỷ, cuối năm giá cổ phiếu Nhiệt điện Phả Lại cao bằng Vinamilk” của đội lái

Hai quý cuối năm “lãi ít, có thể sẽ lỗ, tùy xem EVN huy động bao nhiêu”, lãnh đạo Nhiệt điện Phả Lại thẳng thắn chia sẻ.
Nhiệt điện Phả Lại lãi cao: Không bất ngờ

Từ mấy tháng nay, kết quả kinh doanh của CTCP Nhiệt điện Phả Lại ( PPC) luôn là chủ đề nóng cả trên báo chí lẫn trong cuộc đàm luận của giới đầu tư. Nhiều người nói PPC là một khoản đầu tư quá ‘ngon’, phần vì hoạt động kinh doanh đơn giản, cả đầu ra lẫn đầu vào đều chỉ phụ thuộc vào một vài biến số có thể dễ dàng khảo sát.

Giá điện thì ký từ đầu năm, muốn tăng phải xin Bộ Công thương, câu chuyện nhạy cảm lúc nào cũng ầm lên trên báo tới vài tháng trước khi triển khai. Giá than cũng cố định, Vinacomin có muốn điều chỉnh phải đội đơn lên tận Thủ tướng, nhà đầu tư nhỏ lẻ nào chịu khó đọc báo có khi còn nắm rõ tình hình hơn nhà đầu tư tổ chức.

Còn mức huy động từ EVN ra sao, chịu khó xem dự báo thời tiết năm nay mưa nhiều hay ít cũng đoán ra được 6-7 phần, còn muốn chính xác hơn thì liên hệ người của EVN đâu có khó, đặc biệt là với nhà đầu tư tổ chức.

Đến như khoản nợ từng bị coi là “oan gia” và làm PPC lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái gần 3.800 tỷ trong giai đoạn 2007-2011, một nhà đầu tư nhỏ lẻ hoàn toàn có thể kiểm tra lỗ lãi thế nào bằng cách nhân số dư Yên Nhật (JPY) công khai trên báo cáo tài chính từng quý và tỷ giá mua vào do Vietcombank công bố (xem tại đây, cập nhật theo giờ).

Nói chung là mọi thứ đều rõ như ban ngày.

Hôm qua thị trường “bất ngờ” khi PPC lãi trước thuế hơn 1.012 tỷ đồng, gấp 2,5 lần kế hoạch năm. Gọi là “bất ngờ” cho vui chứ con số này đã được nhẩm tính và râm ran trong giới đầu tư từ cách đó cả tháng.

Nào có gì khó, sản lượng có rồi, nhân lên với giá là ra doanh thu bán điện. 573 tỷ đồng lãi chênh lệch tỷ giá chỉ cần nhân hai con số đã được công bố rộng rãi với nhau. Còn lại doanh thu tài chính có hơi khó tính chính xác một chút do không rõ lãi suất và thời gian gửi tiền, nhưng chuyện ước lượng không phải là khó.

Đầu tháng 4, người viết có trao đổi với một nhà quản lý quỹ, anh này nói PPC lãi 1.100 tỷ, tính ra chỉ lệch có 8% so với kết quả công bố.

Kế hoạch “lạ” trong mắt người quen

Thế tại sao PPC lại lập kế hoạch kinh doanh khiêm tốn đến thế? Nếu “đúng theo kế hoạch”, phải chăng PPC sẽ lỗ tới vài trăm tỷ từ nay tới cuối năm?

Theo trao đổi với một cán bộ PPC hiểu rõ quá trình lập kế hoạch nhưng từ chối công khai danh tính, có sự chênh lệch một phần là do PPC không tính lãi chênh lệch tỷ giá vào kế hoạch lãi trước thuế.

Yên Nhật rớt mạnh là nhờ chính sách mới của chính phủ Shinzo Abe, chẳng may JPY tăng mạnh trở lại thì sao? Ai biết được chuyện nhà người ta thế nào mà đã vội “đếm cua trong lỗ”? Cứ học cái lối khiêm cung của người Nhật vẫn hơn.

Hơn nữa, Yên Nhật đã rớt quá mạnh, nên kỳ vọng nó tiếp tục rớt như giai đoạn vừa qua là phi lý. Nếu JPY ổn định từ nay tới cuối năm, PPC sẽ được hạch toán lãi thêm khoảng gần 300 tỷ nữa.
Nguồn: PPC

Với hoạt động kinh doanh chính là sản xuất điện, nhà đầu tư nào tinh ý ắt đã nhận ra, biên lợi nhuận gộp của PPC trong quý I/2013 cao gấp đôi biên lợi nhuận gộp trong hai năm 2011 và 2012 (21% so với 11,2% và 12,7%).

Người viết đặt câu hỏi việc này có phải do PPC chưa ghi nhận chi phí sửa chữa sẽ tiến hành trong năm hay không. Chi phí sửa chữa lớn và sửa chữa thường xuyên của PPC năm ngoái tăng gần 3 lần so với năm 2010, từ 223 tỷ đồng lên 638 tỷ đồng.

Một lãnh đạo của PPC trả lời: “Không phải, chi phí sửa chữa lớn được phân bổ theo kế hoạch doanh thu năm, nên chi phí luôn tương ứng với doanh thu, không ảnh hưởng mấy đến biên lợi nhuận gộp”. Theo đúng kế hoạch, có thể chi phí sửa chữa lớn năm nay còn thấp hơn năm ngoái một chút.

Còn về chuyện giá bán than từ 20/4 này tăng 30%? Có phải vì thế mà PPC dự đoán mấy tháng cuối năm sẽ khó khăn? Trung bình giai đoạn 2007-2012, giá than chiếm 57% giá vốn hàng bán của PPC.

Khá bất ngờ, câu trả lời cũng là không, vì giá bán điện của PPC sẽ tăng tương ứng và đủ để bù đắp mức tăng của giá than theo hợp đồng đã ký với EVN.

Có lẽ PPC đã dự liệu được phần nào kịch bản này, vì trong khi tổng sản lượng đã đạt 35% kế hoạch thì tổng doanh thu mới đạt có 29%. Điều đó chứng tỏ giá bán điện trong giai đoạn cuối năm phải cao hơn thì kế hoạch sản lượng và doanh thu mới khớp nhau.

Câu trả lời cuối cùng hóa ra lại là tính mùa vụ trong hoạt động kinh doanh của PPC. Mùa khô đầu năm nay, các nhà máy thủy điện của EVN đạt sản lượng rất thấp nên tập đoàn này phải tăng huy động từ các nhà máy nhiệt điện như PPC. Đó là lý do khiến cho sản lượng của PPC tăng đột biến.

Nhưng đến hai quý cuối năm khi sản lượng các nhà máy thủy điện cao lên, đặc biệt là các nhà máy thủy điện ở miền Bắc, sản lượng EVN huy động chắc chắn sẽ giảm xuống. Không loại trừ khả năng PPC sẽ ngừng một số tổ máy để đại tu như năm ngoái.

Doanh thu ít đi nhưng vẫn phải hạch toán chi phí khấu hao, chi phí nhân công và lãi tiền vay nên kết quả kinh doanh mấy tháng cuối năm “lãi ít, có thể sẽ lỗ, tùy xem EVN huy động bao nhiêu”, như vị lãnh đạo trên thẳng thắn chia sẻ.

Còn chuyện “mỗi quý nghìn tỷ, cuối năm giá Phả Lại cao bằng Vinamilk” chỉ là trò lòe bịp nhà đầu tư của một số thành viên thị trường ít đức.

Vì sự minh bạch của thị trường

Điều khiến người viết bất ngờ nhất là sự thẳng thắn của vị lãnh đạo PPC này.

Cuối cuộc nói chuyện, vị này còn dặn thêm “PPC không được sử dụng lãi chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện để chia cổ tức theo quy định của Thông tư 179/2012/TT-BTC”, vì thế khoản 108 tỷ và 552 tỷ đồng lãi tỷ giá năm ngoái và năm nay không đem chia cho cổ đông được.

“Nhà đầu tư tổ chức thì chắc chắn nắm rõ quy định của Thông tư 179 rồi, nhưng nhà báo cứ nhắc đến để nhà đầu tư nhỏ lẻ hiểu, đảm bảo tính minh bạch của thị trường”, vị này nói.

Thật hiếm có một vị lãnh đạo doanh nghiệp nào lại trung thực, thẳng thắn và biết nghĩ cho quyền lợi cổ đông nhỏ như thế.

Nguồn CafeF


Sự kiện