Thứ Năm | 16/04/2015 16:30

USD tăng giá đang thay đổi kinh tế toàn cầu như thế nào?

USD chưa bao giờ tăng giá mạnh như hiện nay kể từ sau khi Ronald Reagan trở thành Tổng thống Mỹ năm 1981.

Kể từ ngày 30/6/2014, USD tăng 28% so với euro, 18% so với yên và 40% so với đồng real của Brazil.

Có 2 yếu tố chính thúc đẩy USD tăng giá mạnh trong thời gian gần đây. Cụ thể là, đà phục hồi nhanh chóng của kinh tế Mỹ và sự khác biệt trong định hướng lãi suất giữa Mỹ và các nền kinh tế lớn khác.  

Là đồng tiền thống trị thị trường tiền tệ toàn cầu, USD tăng giá mạnh có ảnh hưởng rất lớn đến các thị trường và nền kinh tế trên toàn thế giới.

Tại Mỹ, USD tăng giá không chỉ kéo giảm lợi nhuận của khối doanh nghiệp mà còn "ăn mòn" động lực tăng trưởng kinh tế.

USD và lợi nhuận của khối doanh nghiệp

USD tăng giá mạnh ảnh hưởng đến doanh nghiệp theo 2 hướng. Thứ nhất là, giá cả hàng hóa của Mỹ trở nên đắt đỏ và mất dần sức cạnh tranh trên các thị trường quốc tế. Thứ 2, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ khi hồi hương sẽ thấp hơn nhiều so với khi định giá bằng euro hay yên.

Ngày 15/4 hãng hàng không Delta Air Lines cho biết, đà tăng giá của USD đang ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu bán vé tại một số thị trường nước ngoài. Kết quả là, Delta phải lên kế hoạch rút khỏi một số thị trường như Nhật Bản, Brazil, Ấn Độ, châu Phi và Trung Đông.

Tương tự ngày 14/4, Johnson & Johnson cũng đổ lỗi cho USD khi lợi nhuận giảm gần 9% và tổng doanh thu ở nước ngoài giảm 13% trong quý I/2015.

Nhìn chung, triển vọng lợi nhuận quý I/2015 của khối doanh nghiệp Mỹ thường u ám hơn khi USD tăng giá. Theo khảo sát mới đây của Bloomberg, lợi nhuận của các doanh nghiệp Mỹ thuộc S&P 500 có thể giảm 5,6% trong quý I/2015 - thấp hơn nhiều so với ước tính tăng 4% hồi cuối năm ngoái.

USD và tăng trưởng kinh tế

Đối với Mỹ, đà tăng giá của USD khiến xuất khẩu của Mỹ giảm 3% trong cả năm 2014 và giảm thêm 1% so với cùng kỳ trong 2 tháng đầu năm 2015. Và xuất khẩu giảm chắc chắn sẽ kéo giảm tăng trưởng của kinh tế Mỹ.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng của Mỹ xuống 3,1% trong giai đoạn 2015 - 2016 từ ước tính hồi tháng 1 là 3,6% với năm 2015 và 3,3% với năm 2016.

Ngược lại, USD tăng giá lại được xem là "phao cứu sinh" đối với châu Âu và Nhật Bản. Cả Nhật Bản và Eurozone đều được dự báo sẽ tăng trưởng nhanh hơn trong giai đoạn 2015 - 2016. Theo đó, IMF nâng dự báo GDP Nhật Bản năm 2015 và 2016 lần lượt lên 1% và 1,2% và GDP Eurozone trong cùng kỳ lần lượt lên 1,5% và 1,6%.

USD và sự ổn định của hệ thống tài chính

Đới với các thị trường mới nổi tại châu Á và châu Mỹ Latin, USD tăng giá được xem là mối đe dọa đến sự ổn định của hệ thống tài chính, dù là động lực thúc đẩy xuất khẩu.

Trong vòng 10 năm qua, lợi dụng thời điểm lãi suất tại Mỹ xuống thấp kỷ lục, các thị trường mới nổi ồ ạt vay vốn bằng USD. Từ năm 2005 đến 2015, tổng nợ USD - chủ yếu là trái phiếu doanh nghiệp và các khoản nợ - tăng từ 262 tỷ USD lên 837 tỷ USD với các thị trường mới nổi ở châu Á và tăng từ 586 tỷ USD lên 963 tỷ USD với các nền kinh tế châu Mỹ Latin, theo số liệu của Viện Tài chính Quốc tế.

Đến nay khi USD tăng giá mạnh, "núi nợ" này càng phình to, gây khó khăn cho các "con nợ" khi đến hạn thanh toán. Trong đó, những doanh nghiệp từng phát hành trái phiếu để huy động vốn sẽ gặp nhiều thách thức nhất. Hậu quả sẽ càng lan rộng nếu những doanh nghiệp này bất ngờ rút tiền gửi khỏi các ngân hàng địa phương để thanh toán nợ. Tình hình sẽ tệ hơn nữa nếu các trái chủ bị dao động và bán tháo trái phiếu của các nước mới nổi.

Trong báo cáo công bố ngày 15/4 IMF từng cảnh báo rằng, rủi ro tài chính tại nhiều thị trường mới nổi đang tăng cao. Đà tăng giá của USD so với các đồng nội tệ sẽ tạo thêm gánh nặng lên bảng cân đối tài chính của các doanh nghiệp và chính phủ vốn đang mắc nợ lớn.

Sẽ tồi tệ hơn nếu Fed nâng lãi suất ngay trong năm nay. Khi đó, giới đầu tư sẽ đua nhau đổ vốn về Mỹ, khiến USD càng tăng giá mạnh hơn và gây biến động mạnh trên các thị trường tài chính.

USD và du lịch

USD tăng giá đồng nghĩa rằng, người dân Mỹ sẽ chịu ít phí tổn hơn khi đi nghỉ dưỡng ở nước ngoài, đặc biệt là châu Âu.

Trang web Booking.com ước tính, giá phòng trung bình tại khách sạn 4 sao ở Paris, Rome, Barcelona, Amsterdam và Berlin đã giảm 21% kể từ tháng 3/2014 do USD tăng giá mạnh so với euro. Thậm chí, kỳ nghỉ 14 ngày ở Barcelone có giá bằng với một kỳ nghỉ 7 ngày ở Palm Springs, California đối với khách du lịch người Mỹ.

Trên thực tế, lượng khách du lịch Mỹ sang châu Âu cũng đang tăng dần. Theo Hiệp hội du lịch Hellenic, tổng số khách Mỹ đặt chỗ khách sạn ở Tây Ban Nha tăng 12% trong tháng 1 và gần 19% trong tháng 2.

Nguồn DVO/ Business Insider