Theo thống kê, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng hơn 21%. Ảnh: TTXVN.
Ứng phó rủi ro từ chiến sự
Sự leo thang của cuộc chiến Nga - Ukraine khiến Mỹ và đồng minh phương Tây đã loại Nga khỏi mạng lưới thanh toán quốc tế SWIFT. Trước diễn biến này, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam khẩn trương rà soát hoạt động thanh toán của doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác Nga thông qua hệ thống ngân hàng thương mại. Nhiều lo ngại hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam sẽ đối mặt một số tác động tiêu cực, nhất là các tổ chức liên quan hoặc hợp tác trực tiếp với tổ chức tài chính quốc tịch Nga.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu giữa Việt Nam và Nga đạt 7,14 tỉ USD. Với Ukraine, thương mại 2 chiều mới đạt 720 triệu USD. Do kim ngạch thương mại với Nga chỉ chiếm hơn 1% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước, nên cuộc chiến Nga - Ukraine không ảnh hưởng quá lớn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp làm ăn với Nga đang gặp nhiều trở ngại trong giao dịch cũng như lo ngại những khó khăn mới phát sinh.
Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Phúc Sinh Group, việc gửi chứng từ sang Nga của Công ty đã phải dừng lại do các ngân hàng Việt Nam không dám nhận. Được biết, mỗi năm, Phúc Sinh Group xuất khẩu sang thị trường Nga khoảng 10 triệu USD.
Ngoài Phúc Sinh Group, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản cũng lo ngại khi không chỉ các chứng từ xuất khẩu sang Nga, mà một số đơn hàng xuất sang châu Âu có liên quan Nga cũng bị ngân hàng từ chối bộ chứng từ thanh toán. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã giao hàng thấp thỏm lo ngại về việc khó khăn trong nhận tiền thanh toán.
Theo thống kê, năm 2021, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Nga tăng hơn 21%. Hiện có khoảng 50 doanh nghiệp Việt Nam được cấp phép xuất khẩu thủy sản sang Nga. Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), cho rằng, việc Nga bị loại ra khỏi hệ thống SWIFT trước mắt sẽ không ảnh hưởng nhiều tới kim ngạch xuất khẩu thủy sản nhưng sẽ tác động tới tâm lý và giao dịch thương mại của doanh nghiệp đang xuất khẩu sang thị trường này.
Giới chuyên gia ngân hàng nhận định, nếu Nga bị loại ra khỏi SWIFT thì nước này có thể quay lại phương thức thanh toán Telex (xác thực thông qua hệ thống bảo mật 2 chiều giữa 2 ngân hàng). Bên cạnh đó, Nga có thể tìm tới hệ thống thanh toán của nhóm BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) hoặc hệ thống thanh toán CIPS của Trung Quốc, thậm chí sử dụng tiền số hay blockchain.
Tuy nhiên, đây đều là các giải pháp không thuận tiện cho doanh nghiệp Việt Nam nên giúp doanh nghiệp có thể tránh được rủi ro, tiếp tục kinh doanh ổn định tại Nga vẫn là một câu hỏi khó. Trong khi đó, diễn biến chiến sự và các lệnh trừng phạt dồn dập từ phương Tây khiến đồng ruble mất giá tới 29% (theo Factset). Cố gắng ngăn chặn đà giảm nội tệ, Ngân hàng Trung ương Nga đã tăng gấp đôi lãi suất cơ bản và yêu cầu các nhà xuất khẩu chuyển đổi thành ruble hầu hết các khoản thu ngoại tệ. Theo ông Trương Đình Hòe, đồng ruble mất giá sẽ giảm khả năng nhập khẩu của thị trường này với nhiều hàng hóa từ Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, đồng ruble mất giá lại làm tăng khả năng cạnh tranh một số mặt hàng chiến lược của Nga như xăng dầu, phân bón, sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, khoáng sản...
Ảnh: TTXVN. |
Trong thời gian tới, EU dự kiến sẽ áp dụng trừng phạt toàn diện với Nga và khi đó sẽ ảnh hưởng nhiều đến thương mại song phương Việt Nam - Nga, chủ yếu ở khâu thanh toán đối với các hợp đồng sử dụng đồng thanh toán là euro.
Nhiều doanh nghiệp cho rằng lo ngại nhất trong căng thẳng giữa Nga - Ukraine sẽ khiến giá xăng dầu tăng cao. Mặt khác, các hãng tàu biển có thị phần lớn ở Nga đã ngừng khai thác tuyến vận tải đến nước này, khiến hoạt động logistics bị gián đoạn, tác động mạnh đến các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hóa và vật tư để sản xuất.
“Nếu giá dầu tiếp tục lên cao thì chi phí vận tải sẽ tiếp tục tăng. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản lại thêm nhiều khó khăn. Chi phí sẽ bị đội lên rất mạnh”, ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Intimex, đánh giá. Nga cũng đang là nhà xuất khẩu phân bón NPK rất lớn cho Việt Nam nên giá phân bón có thể sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Trước các khó khăn và diễn biến phức tạp trên, đại diện của Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đang cân nhắc điều chỉnh giảm kế hoạch xuất khẩu hạt điều năm 2022 từ 3,8 tỉ USD xuống còn 3,3 tỉ USD.
Phân tích của Dragon Capital cho thấy, Việt Nam có thể bị ảnh hưởng gián tiếp thông qua chuỗi năng lượng và cung ứng hàng hóa mà Nga và Ukraine là mắt xích quan trọng. Trong khi chịu tác động trực tiếp từ cuộc xung đột, Việt Nam hoàn toàn không thể tránh khỏi những tác động gián tiếp đến từ việc chuỗi cung ứng bị đứt gãy, đặc biệt trong mảng xuất khẩu điện thoại và linh kiện điện tử.