Cảng quốc tế Long Anh. Ảnh: TL

 
La Quang Trí Thứ Ba | 10/08/2021 11:40

Ùn tắc lại cảng, những hệ lụy đối với nền kinh tế

Thời điểm này, sự tắc nghẽn cảng như ở cảng Cát Lái là do lượng container tồn đọng tại cảng quá lớn.

Những hệ lụy của ùn tắc tại cảng 

Một nguyên nhân dẫn đến tồn đọng container số lượng lớn ở cảng nữa là tình trạng công nhân làm việc tại các cảng giảm. Do phải làm việc luân phiên và một số nhân lực của các nhà thầu phải về quê, hoặc nằm trong các khu cách ly, hoặc có thể ở trong các khu điều trị.

Việc “ngăn sông cấm chợ” như hiện tại cũng ảnh hưởng không nhỏ đến việc kẹt container tại các cảng. Khi các xe chở hàng phải vượt qua nhiều chốt chặn làm tốn kém nhiều thời gian hơn. Việc không được ra đường sau 18h là bất cập đối với hoạt động của cảng biển vốn phải hoạt động 24/7 theo thông lệ quốc tế.

Chi phí lưu thông của các phương tiện vận tải trên đường bộ, đường thuỷ hiện tại tăng khá cao khi các doanh nghiệp vận tải phải chịu thêm phí kiểm tra y tế, kiểm tra COVID cho các tài xế của họ. Việc ăn uống của tài xế cũng là điều đáng bàn hiện nay khi các hàng quán không được mở cửa hoặc mở cửa hạn chế. Từ đó gây ra nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp đang ở địa bàn TP.HCM cũng như tại địa bàn rộng lớn cả miền Đông thậm chí cả miền Nam.  

 

Kéo theo đó, việc kinh doanh ở Việt Nam sẽ trở nên khó khăn hơn, nhất là các chủ tàu quốc tế cũng như những nhà thương mại quốc tế sẽ coi Việt Nam là một nơi phát sinh ra nguy cơ làm tăng giá bất ngờ. Nếu họ chấp nhận hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam thì tất nhiên sẽ làm với giá cả cao hơn, để đề phòng rủi ro cho họ. Môi trường kinh doanh của Việt Nam không còn tính hấp dẫn nữa.

Khi việc đó xảy ra, tất nhiên sẽ làm tăng giá thành sản phẩm và sẽ làm cho người tiêu dùng Việt Nam phải trả giá cao hơn. Sản phẩm Việt Nam xuất khẩu đi các nước sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh, nhất là cạnh tranh về giá. Các doanh nghiệp nước ngoài sẽ chuyển các đơn hàng cho các nước có cách quản lý dịch bệnh tốt hơn, có giá thành sản phẩm rẻ hơn.

Một điều có thể tác động ngay lập tức đó là giá thành than nhập khẩu của Việt Nam. Nếu như thời điểm này năm 2020, giá vận tải than về Việt Nam chỉ khoảng 9 USD/ tấn thì hồi tháng 2 đến tháng 4 năm 2021 xảy ra tình trạng khan hiếm tàu và tăng giá nhiên liệu nên đã tăng giá cước lên 14 USD/ tấn.

Thời gian gần đây, phát sinh những trục trặc về xét nghiệm COVID, các chủ tàu lớn e ngại không chạy về Việt Nam nữa hoặc chạy với giá cước cao hơn đã đẩy giá cước hiện tại lên đến hơn 16 USD/ tấn.

 

Điều này trước mắt sẽ làm khan hiếm nhiên liệu đầu vào cho các nhà máy nhiệt điện. Có thể sắp tới đây sẽ phải tăng giá điện kéo theo hầu hết các mặt hàng thiết yếu sẽ phải tăng theo.

Các mặt hàng may mặc của Việt Nam, sau hàng loạt khó khăn trong sản xuất bởi dịch bệnh hiện rất nhiều doanh nghiệp đã đóng cửa. Một số các đơn hàng dù là ít ỏi trong thời điểm toàn thế giới khó khăn này đã được chuyển đi cho các doanh nghiệp ở các nước khác.

Đối với các doanh nghiệp ngành xi măng cũng vậy, giá thành nguyên liệu đầu vào cao, đã làm cho sản phẩm xi măng có giá cao hơn. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến ngành xây dựng trong nước nói riêng mà cả xi măng xuất khẩu đi cũng gặp khó khăn chung.

Một khi xảy ra các yếu tố trên thì tất nhiên sẽ dẫn đến thị trường kinh doanh kém hơn. Đời sống người dân sẽ giảm xuống. Sự suy giảm về kinh tế là không tránh khỏi.

Bài toán chống dịch và phát triển kinh tế 

Nhằm tránh những hậu quả có thể ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế, đến đời sống người dân, nhất thiết cần có những thay đổi. Đầu tiên là các phương pháp chống dịch cần được cân nhắc hợp lý giữa duy trì nền kinh tế và phòng chống dịch. Bởi nếu kinh tế suy giảm thì hậu quả sẽ cực kỳ lớn cho đất nước.

Thay đổi cách phòng tránh dịch, trước mắt là các cách phòng tránh dịch tại các doanh nghiệp sản xuất bằng cách tạo điều kiện để các doanh nghiệp tổ chức sản xuất khi mà họ có cách phòng chống dịch hiệu quả. Đừng áp đặt họ phải theo phương cách của nhà quản lý, mà nên để họ chọn phương án hợp lý nhất có sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan chức năng quản lý.

 các phương pháp chống dịch cần được cân nhắc hợp lý giữa duy trì nền kinh tế và phòng chống dịchẢnh: baothanhhoa.
Các phương pháp chống dịch cần được cân nhắc hợp lý giữa duy trì nền kinh tế và phòng chống dịch. Ảnh: baothanhhoa.

Nới lỏng các hạn chế đi lại nhất là các hạn chế đi lại cho những người phục vụ trong các ngành logistics, hàng hải, thương mại. Việc xét nghiệm COVID thường xuyên mới cho đi lại vô tình lại làm lây lan thêm nguy cơ cho họ hơn là phòng chống dịch hiệu quả trong thời điểm hiện nay. Tiêm vaccine đầy đủ và rộng khắp cho những người phục vụ trong các ngành này để có lực lượng lao động đủ duy trì sản xuất.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp có thể đưa hàng ra khỏi cảng hoặc đưa về các cảng cạn, cảng nhỏ khác thậm chí đưa về kho doanh nghiệp, những nơi có đủ cơ sở hạ tầng để chứa đủ container và tạo điều kiện thông quan cho họ tại khác khu vực này. Đối với hàng xuất khẩu đi cũng vậy.

Phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các tuyến đường bộ chuyên dụng để dành chuyên chở hàng hoá để không còn những loại xe chở hàng cồng kềnh phải đi vào các tuyến đường của khu dân cư làm cho tai nạn xảy ra nhiều.

(*): Chủ tịch HĐQT ShipOffer Corp.