Thứ Tư | 25/11/2015 08:38

Uber, Grab và nội chiến trong lòng taxi truyền thống

Tài xế Uber, Grab ở Việt Nam không bị lùng bắt như ở Pháp hay bị biểu tình như Bỉ, Hà Lan, nhưng cuộc chiến với taxi truyền thống nóng không kém.

Anh Nguyễn Thanh Phong (Hà Nội) mới làm tài xế Uber (taxi sử dụng xe cá nhân) 2 tháng nay. Sau khi trừ 20% giá cước cho công ty (chưa tính chi phí đổ xăng), số tiền anh thu về khoảng 16-18 triệu đồng mỗi tháng.

Trước đó, tài xế này lái cho một hãng taxi ở Hà Nội thì phải đóng cước phí tổng đài, bảo hiểm, tiếp thị… Cũng vì thế, chưa tính tiền xăng mức thu nhập của Phong chỉ khoảng 13 triệu.

Phong cho biết, không ít đồng nghiệp cũ bỏ việc để lái Uber, Grab vì thu nhập tốt hơn và không phải tranh giành khách. Bởi cứ bật ứng dụng lên, khách hàng nào gần nhất mặc nhiên sẽ là của mình.

Hãng taxi trước đó của Phong cùng nhiều công ty khác tại Hà Nội lúc đầu mở cửa cho tài xế cài Grab nhưng sau đó đã cấm tuyệt đối như Ba Sao, Thành Công. Họ đưa ra quy định: Lái xe dùng Grab sẽ bị buộc cho thôi việc. Thậm chí các tấm chắn nắng, sticker hay lót sàn xe cũng không được sử dụng các biểu tượng của Grab.

Đại diện taxi Thành Công cho biết, họ lo ngại bị mất thương hiệu. Trao đổi với Zing.vn, lãnh đạo của hãng này nói: “Dịch vụ của các hãng như Uber hay Grab cũng tốt nhưng dù cùng hoạt động taxi họ lại không phải chịu sự kiểm soát như chúng tôi. Không bị cấm giờ cao điểm, không biển hiệu, không phải chịu nhiều loại phí… là điều khiến cạnh tranh không công bằng”.

Trong khi đó, ông Tạ Long Hỷ, Chủ tịch taxi Vinasun, kiêm Chủ tịch Hiệp hội taxi TP HCM đã đệ đơn đề nghi Bộ Giao thông vận tải cấm Uber, GrabTaxi và các tổ chức, cá nhân khác hoạt động kinh doanh vận tải dưới hình thức mà ông gọi là “taxi trá hình”.

Ông Hỷ cho biết: “Từ khi Uber, Grab taxi xuất hiện ở Việt Nam, khách hàng của chúng tôi giảm đáng kể. Không những thế, nó còn ảnh hưởng đến tất cả các hãng taxi truyền thống khác”.

Chủ tịch Vinasun nói với Zing.vn: “Grab trước đây liên kết với các hãng taxi truyền thống, cung cấp phần mềm điều hành vận tải, còn tài xế của các hãng. Điều này là phù hợp và chấp nhận được. Nhưng gần đây, đơn vị này ra mắt Grab-car, dịch vụ đi xe giá rẻ, huy động toàn bộ xe tự do ngoài xã hội vào việc kinh doanh vận tải, làm rối loạn xã hội”.

Chủ tịch Vinasun cho rằng, các xe này không có điều kiện phù hợp với pháp luật về chở khách lại được hoạt động ngoài đường. Điều này phá vỡ quy hoạch vận tải của các địa phương. “Nếu họ chấp hành pháp luật, đóng thuế như hãng khác thì rõ ràng không có gì để nói”, ông Hỷ nhấn mạnh.

Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Đỗ Quốc Bình lại cho rằng, bất cứ một lĩnh vực kinh doanh nào, vấn đề về giá là không được độc quyền. “Ở đây, các hãng như Uber, Grab taxi chỉ có một mức giá, tăng giảm đều như nhau. Đây chính là độc quyền và là điều hết sức phi lý. Các đơn vị này từng lấy lý do giá cước rẻ do công nghệ. Nhưng với quan điểm của tôi, thì thực chất là do trợ giá”, ông Bình nhấn mạnh.

Trong khi chủ tịch taxi của Hà Nội và TP HCM đều tấn công Uber, Grab, một số hãng vẫn cho tài xế hợp tác bình thường. Trao đổi với Zing.vn, đại diện của taxi Vina cho biết, việc hợp tác với Grab giúp các tài xế giảm tỷ lệ chạy xe rỗng và tăng hiệu quả kinh doanh. “Tất nhiên, cũng có thể mình sẽ bị ảnh hưởng bởi họ lớn mạnh nhanh quá, nhất là về thương hiệu nhưng đó là tính hai mặt”, đại diện này chia sẻ.

Trả lời về những khiếu nại liên quan đến vận tải hành khách, không đóng thuế, phí… đại diện của Grab tại Việt Nam cho biết: “Chúng tôi không phải là hãng taxi mà là công ty công nghệ, do vậy việc so sánh sẽ không chuẩn”. Trong khi đó, ông Đặng Việt Dũng ​- Giám đốc điều hành Uber Việt Nam cho biết, hãng này có thể đem đến dịch vụ với chi phí thấp là nhờ công nghệ và tăng hiệu suất sử dụng của xe.

Về vấn đề quản lý thuế với Uber, Grab, một lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, Tổng cục Thuế đã xây dựng 2 phương án để xác định tỷ lệ thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp với công ty cung cấp dịch vụ kết nối vận tải ở nước ngoài.

Quan chức này cũng bổ sung, cơ quan thuế sẽ yêu cầu các đơn vị vận tải tham gia có báo cáo thông tin phục vụ hoạt động quản lý nhà nước và xuất hóa đơn GTGT cho khách hàng sử dụng dịch vụ để giảm thiếu khả năng thất thu thuế.

Trong khi cuộc tranh cãi giữa Uber, Grab và các hãng taxi truyền thông vẫn tiếp diễn, công nghệ của các công ty dẫn đầu ngành đã bắt đầu chuyển dịch. Hai công ty lớn nhất của ngành là Vinasun và Mai Linh đã cho ra mắt ứng dụng Vinasun App và Mai Linh Taxi.

Chủ tịch Vinasun cho biết, Vinasun App không khác gì Grab nhưng linh hoạt và phù hợp hơn bởi nó có thể tiếp cận với cả nhóm khách hàng không sử dụng điện thoại thông minh. Trong khi đó, Mai Linh Taxi giúp người dùng tương tác nhanh chóng với lái xe thông qua ứng dụng hoặc điện thoại, hiển thị thông tin các xe của hãng gần với khách hàng…

Tuy nhiên, ứng dụng của Vinasun mới chỉ được thí điểm cho 6.000 xe của hãng tại TP HCM và một số tỉnh Bình Dương, Đà Nẵng… chưa áp dụng với thị trường phía Bắc. Trong khi đó ứng dụng Mai Linh Taxi chưa được phổ biến rộng rãi.

Nguồn Zing