Người Lao Động
Truy xuất nguồn gốc thịt heo: Nếu vội sẽ bại
Sau gần 1 năm TP.HCM triển khai đề án truy xuất nguồn gốc thịt heo, UBND TP đã 2 lần chỉ đạo kiên quyết không cho thịt heo không có nguồn gốc vào chợ đầu mối, lần đầu từ ngày 31.7. Đến ngày 16.10 (lần 2), ban quản lý các chợ đầu mối phải "xả cửa" cho heo không đeo vòng hoặc đeo vòng không có thông tin vào chợ. Vì sao việc thực hiện đề án tại kênh phân phối truyền thống vẫn "tắc" ngay từ cổng chợ đầu mối?
Chủ nhà bị động
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM, cho biết sở đang tập hợp số liệu để báo cáo UBND TP và thông tin đến các địa phương. Theo ông Hòa, TP HCM tiên phong trong việc đưa ra quy định riêng về quản lý, truy xuất nguồn gốc thịt heo nên rất cần sự hợp tác, trợ lực của các địa phương. 85% thịt heo TP tiêu thụ là do các tỉnh cung cấp. Đề án không thể thành công trong một sớm một chiều mà cần phải có quá trình lâu dài. Thời gian tới, TP HCM cần các địa phương giúp sức nhiều hơn.
Đề án nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo của TP HCM được đánh giá là tiến hành quá gấp gáp Ảnh: NGỌC ÁNH |
Trước đó, tại buổi họp cập nhật tình hình thực hiện truy xuất nguồn gốc thịt heo hồi đầu tháng 8, ông Hòa cho rằng đây là tiêu chuẩn riêng của TP HCM, vượt ra ngoài khung pháp lý nên lực lượng chức năng các tỉnh cũng gặp khó khăn trong việc chung tay hỗ trợ TP. Khi cán bộ thú y chỉ kiểm tra giấy tờ mà không kích hoạt vòng truy xuất thì các khâu sau không thể tiếp tục kích hoạt, dẫn đến vòng không có thông tin hợp lệ. Vì vậy, việc thành bại của đề án phụ thuộc rất lớn vào sự hợp tác của các tỉnh.
Chính vì đây là quy định riêng của TP HCM, một số địa phương còn tâm lý "hỗ trợ" cho TP nên chưa quyết liệt thực hiện. Ông Lê Minh Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh chưa triển khai việc truy xuất nguồn gốc heo mà chủ yếu phối hợp với TP HCM khi có yêu cầu. "Ngày đầu tiên kiểm được 2-3 xe. Mấy chỗ khác không chở thịt heo đến 2 chợ đầu mối (Bình Điền, Hóc Môn - PV) nên không có truy xuất" - ông Khánh nói.
Tại Long An, theo Chi cục Thú y tỉnh, trung bình mỗi ngày đêm có hơn 2.000 con heo giết mổ đưa về TP HCM tiêu thụ. Thế nhưng, gần như heo không có vòng truy xuất bởi thương lái và chủ lò mổ không đăng ký. Lực lượng thú y cũng không biết để kích hoạt vòng này khi heo đưa ra khỏi lò mổ.
Một số địa phương nhiệt tình tham gia đề án cho biết đang gặp một số vướng mắc. Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Đồng Nai, đơn vị đã phối hợp với TP HCM cùng các ngành liên quan và các địa phương, người buôn bán để nắm bắt và thực hiện đề án. Việc đeo vòng và kích hoạt thông tin vào vòng truy xuất không còn nhiều trở ngại nhưng trong giai đoạn đầu, một số hộ kinh doanh không đưa thông tin đầy đủ vào vòng. Một số hộ cho đeo vòng không đầy đủ; số khác do vòng bị lỗi dẫn đến không đưa được heo vào chợ. Nguyên nhân một phần là do tâm lý làm ăn của một số hộ nuôi heo chưa chuyên nghiệp hoặc "chưa thông" các quy định mới.
"Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp tuyên truyền và tháo gỡ dần vướng mắc. TP HCM đã có thông báo chế tài cụ thể là không làm đúng theo quy định thì sẽ không bán được heo vào chợ đầu mối" - ông Quang cho biết.
Chỉ bằng mệnh lệnh hành chính thì rất khó
Theo các chuyên gia, chương trình nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo là nỗ lực lớn của TP.HCM, rất đáng được ghi nhận. Tuy nhiên, với ngành chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, quản lý cắt khúc như hiện nay thì rất khó thực hiện.
Để truy xuất được nguồn gốc thật sự thì phải chăn nuôi, giết mổ và phân phối theo chuỗi. Một số doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã chủ động tổ chức chuỗi riêng và áp dụng truy xuất theo tiêu chuẩn riêng.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh, Trưởng Ban Vận động Hiệp hội Thực phẩm minh bạch (nguyên Thứ trưởng Bộ Thủy sản), đánh giá gần 1 năm triển khai tuyên truyền để đi đến áp dụng bắt buộc 100% thịt heo vào thị trường TP HCM phải đeo vòng là quá gấp. Chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt heo với sự tham gia của nhiều bên khác nhau, từ trang trại - thương lái - vận chuyển - lò mổ - chợ đầu mối đến nhà bán lẻ, có trình độ rất khác nhau. Do đó, quá trình thay đổi nhận thức và hành động của các chủ thể cần thời gian dài hơn do đối tượng bị tác động rộng, trên nhiều tỉnh ngoài TP HCM.
Bà Minh dẫn chứng trước đây, thị trường châu Âu (EU) yêu cầu thủy sản Việt Nam xuất khẩu phải được quản lý tương đương EU và họ đã cho thời gian chuyển tiếp đến 3 năm. Trong thời gian này, có một dự án của chính phủ Đan Mạch nâng cao năng lực cho các nhà xuất khẩu, hỗ trợ đào tạo thanh tra viên, kiểm nghiệm viên, hỗ trợ thành lập Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam, soạn thảo quy chuẩn kỹ thuật… Sau đó, EU mới tổ chức nhiều đợt thanh tra năng lực cơ quan thẩm quyền cũng như thanh tra những DN muốn xuất khẩu vào EU, tiến tới công nhận và cấp mã số cho DN đủ điều kiện xuất khẩu. Năm 1998, Việt Nam chỉ có 18 DN thủy sản đủ điều kiện xuất khẩu sang EU, nay là trên 600 DN.
"TP.HCM rất khó thực hiện đề án chỉ bằng mệnh lệnh hành chính. Đáng lẽ TP.HCM nên phối hợp với hội chăn nuôi và cơ quan thú y các tỉnh, sau đó mới triển khai rộng" - Tiến sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh nhìn nhận.
Có chuyển biến dù rất chậm Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, ngày thứ hai áp dụng quy định bắt buộc thịt heo vào chợ đầu mối phải truy xuất được nguồn gốc, tình hình đã được cải thiện đôi chút. Tỉ lệ heo được kích hoạt thông tin ở chợ đầu mối (được kích hoạt thông tin hợp lệ từ trang trại chăn nuôi, cơ sở giết mổ) đã tăng lên 44%. Lượng heo được kích hoạt thông tin truy xuất tại cơ sở giết mổ là 78%, tại cơ sở chăn nuôi là 98%. Số liệu thống kê cho thấy gần 100% heo về 2 chợ đầu mối ở TP.HCM đã được đeo vòng truy xuất nguồn gốc và 44% có đầy đủ thông tin truy xuất. Nếu so sánh với tỉ lệ lần lượt là 30%, 57%, 88% trong ngày 16-10 và thấp hơn nữa trong những ngày trước, có thể thấy đã có sự chuyển biến, mặc dù rất chậm. T.NHÂN |
Nguồn Người Lao Động