Thứ Sáu | 25/04/2014 08:47

Trực tuyến ĐHĐCĐ Vinamilk: Trình kế hoạch gần 6.000 tỷ đồng lãi sau thuế 2014

CTCP Sữa Việt Nam - Vinamilk (HOSE: VNM) sẽ trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận sau thuế năm 2014 đạt 5,993 tỷ đồng.

Tiếp tục cập nhật...

Sáng nay đại hội cổ đông CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) diễn ra tại khách sạn InterContinental Asiana Sài Gòn. Tại thời điểm 9h, có 482 đại biểu dự họp trực tiếp và ủy quyền, đại diện cho 678,3 triệu cổ phiếu tương đương 81,39% số cổ phần có quyền biểu quyết. Đại hội đủ điều kiện tiến hành.

Năm 2013, tổng doanh thu của Vinamilk đạt 31.586 tỷ đồng, tăng 17% so với năm 2012, lợi nhuận sau thuế đạt 6.230 tỷ đông, tăng 12% so với năm 2012 và vượt kế hoạch năm 5%, nếu xét theo lũy kế, chỉ tiêu lợi nhuạ cho đến năm 2013 của Vinamilk đã đạt 96% so với kế hoạch 2016.

10h15: Thảo luận
Làm mọi cách để giữ thị phần

Tại sao kế hoạch năm 2014 tăng doanh thu 15% nhưng lợi nhuận giảm 6%, trong khi đó giá sữa thế giới cũng giảm nhiều?
Bà Mai Kiều Liên cho biết không ai muốn đưa kế hoạch lợi nhuận thấp hơn so với năm trước. Tuy nhiên, do sức mua đang giảm sút nhiều, dù có đổ nhiều tiền vào quảng cáo và khuyến mãi. Bên cạnh đó cạnh tranh ngày càng gay gắt, đối thủ không quan tâm đến lợi nhuận, bán lỗ vẫn làm được. Nhưng VNM có áp lực vừa giữ thị phần và vẫn phải đảm bảo lợi nhuận.

Thông tin giá sữa nguyên liệu giảm mạnh nhưng thực tế là không giảm, giá sữa chỉ giảm trong ngắn hạn (4 tuần), hôm qua (24/04/2014) giá sữa đã tăng lại.

VNM đặt kế hoạch phải giữ thị phần bằng mọi giá (là mục tiêu lâu dài, bền vững cho những năm tới).

Về việc tăng giá sữa, để đảm bảo trượt giá thì giá sữa phải tăng 11% nhưng VNM chỉ tăng 6% và phải chịu áp lực với các cơ quan chức năng.

Theo bà Mai Kiều Liên, kế hoạch này HĐQT đặt ra là khả thi. Lợi nhuận kế hoạch của VNM có giảm so với năm trước nhưng các chỉ số so với các công ty cùng ngành trong nước và trong khu vực cao hơn nhiều.

Hoạt động kinh doanh lĩnh vực nước giải khát như thế nào?

VNM mới tham gia vào lĩnh vực nước giải khát. Trong lĩnh vực này, VNM chỉ tham gia phân khúc có lợi cho sức khỏe, nguyên liệu có lợi mà đối thủ không có như linh chi, nha đam….

Mặc dù doanh số chưa cao nhưng đây là hướng đi cho VNM, lợi nhuận đã cải thiện qua các năm.
Công suất hoạt động của VNM?

Sau khi đầu tư mới, công suất của VNM đạt 8 tỷ sản phẩm mỗi năm, VNM sẽ đầu tư phát triển nguồn nguyên liệu là đàn bò.

Việc xuất khẩu là chứng chỉ cao nhất về chất lượng sản phẩm của VNM

Tình hình tiêu thụ khó khăn, tại sao VNM không xuất khẩu qua thị trường mới như Trung Quốc mà lại co cụm trong các thị trường cũ?

VNM đã xuất khẩu sang Trung Quốc nhiều năm nay, và bất cứ thị trường nào có nhu cầu thì VNM đều tiến hành xuất khẩu hàng. Tuy nhiên, Trung Quốc là thị trường có rủi ro cao, bên cạnh đó hiệp định về sữa giữa hai nước chưa cho Việt Nam xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc mà phải xuất khẩu bằng con đường tiểu ngạch nên VNM không làm do có thể bị nhái sản phẩm.

Hiện VNM đang làm việc với Bộ Nông nghiệp để có thể xúc tiến đàm phán với Trung Quốc về Hiệp định sữa giữa hai nước.

Ngoài ra, Miraka cũng sẽ xuất khẩu sữa nước vào Trung Quốc chính thức từ quý 2/2014 và kỳ vọng lợi nhuận sẽ khá hơn.

VNM có kế hoạch gì để giảm tâm lý sính hàng ngoại của người tiêu dùng Việt Nam?

Người tiêu dùng có tâm lý chuộng sữa bột ngoại còn cao, xu thế sính ngoại không chỉ riêng trong ngành sữa mà còn xuất hiện trong nhiều ngành hàng khác từ rất lâu rồi. Hai năm vừa rồi VNM đã ra sản phẩm không thua kém hàng ngọai và còn được xuất khẩu đi nước khác.

Việc xuất khẩu là chứng chỉ cao nhất về chất lượng vì hàng của VNM có tốt thì nước khác mới nhập khẩu vào.

Phân khúc cao này của VNM tăng trưởng tốt, tốc độ tăng trưởng trên 50%/năm mặc dù doanh số khá nhỏ. Bà Mai Kiều Liên thuyết phục cổ đông cần kiên nhẫn do không thể trong 1-2 năm là đánh bại được sữa ngoại ngay được.

Có tin đồn VNM bị truy thu thuế là có thật không?

Không biết làm sao có tin đồn này vì VNM luôn nộp thuế đúng và đầy đủ. Hiện chưa có văn bản nào đề nghị truy thu thuế của VNM.

VNM có kế hoạch gì trong việc bán hàng và cạnh tranh với các đối thủ?

VNM đầu tư rất nhiều cho đội ngũ bán hàng với mục tiêu đầu tư bán hàng online, cung cấp máy tính bảng cho bán hàng. VNM là đơn vị làm đầu tiên tại Việt Nam đầu tư mạnh cho đội quân bán hàng.

Do xu hướng tiêu dùng giảm nên việc bán hàng còn gặp nhiều khó khăn. VNM không đặt kế hoạch quá cao mà ở mức vừa phải để tạo động lực cho bán hàng.

Bình quân thu nhập của đội ngũ bán hàng VNM xây dựng không thấp hơn các đối thủ khác.

Cổ đông lớn F&N Dairy Investment cử người vào HĐQT

10h05: Ông Lê Anh Minh trình Đại hội thù lao HĐQT

HĐQT trình cổ đông thông qua thù lao cho HĐQT và Ban kiểm soát năm 2014 ban đầu là 0.2% lợi nhuận sau thuế năm 2014. Tuy nhiên, do nhận thấy tình hình kinh doanh năm 2014 sẽ còn gặp nhiều khó khăn nên đại diện công ty trình thay đổi thù lao so với tài liệu ban đầu là sẽ giữ nguyên như năm 2013. Theo đó, thù lao HĐQT là 4.88 tỷ đồng, BKS là 2 tỷ đồng.

Về tờ trình phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự vào HĐQT và BKS, ngày 23/05/2013, ông Pascal De Petrini (TGĐ Food & Beverage, thuộc Tập đoàn Fraser and Neave) xin từ nhiệm thành viên HĐQT; bầu bổ sung thay thế ông Ng Jui Sia do cổ đông lớn F&N Dairy Investment Pte. Ltd. giới thiệu.

Về BKS, ông Nguyễn Ngọc Vũ Chương có đơn xin từ nhiệm và bầu thay thế ông Nguyễn Đình An - Chuyên viên Ban quản lý vốn đầu tư kinh doanh vốn Nhà nước.

9h40: Đại diện công ty trình cổ đông báo cáo của Ban kiểm soát.

Trong năm 2013, Ban kiểm soát đã sử dụng phần lớn ngân sách của mình để thuê tư vấn độc lập KPMG hoàn thiện quy chế kiểm soát.

Điểm cộng cho Ban điều hành

9h35: Ông Lê Anh Minh - Thành viên HĐQT trình báo cáo giám sát Ban điều hành.

Theo đó, hầu hết các chỉ tiêu của Vinamilk đều tốt hơn so với năm 2012 và vượt kế hoạch đề ra.

Ông Minh còn nhấn mạnh về tính minh bạch của HĐQT và Ban điều hành, cụ thể Ban điều hành có thể tăng thêm tổng doanh thu vào cuối năm bằng cách đẩy lượng hàng cho nhà cung cấp, việc này không quá khó và có thể nâng cao thành tích của Ban điều hành. Tuy nhiên Ban điều hành đã không thực hiện việc này, đây là điểm minh bạch trong hoạt động của Ban điều hành công ty.
9h15: Bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch HĐQT báo cáo hoạt động năm 2013 và kế hoạch 2014.

9h00: ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 của Vinamilk bắt đầu với sự tham dự của 444 cổ đông, đại diện tỷ lệ sở hữu 79% cổ phần có quyền biểu quyết.

Trước Đại hội

Kế hoạch lãi sau thuế gần 6.000 tỷ, phát hành cổ phiếu thưởng

Vinamilk tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2014 ngày 24/04/2013 tại TPHCM.Tại đại hội, HĐQT Vinamilk sẽ trình cổ đông kế hoạch kinh doanh hợp nhất năm 2014 với tổng doanh thu 36.298 tỷ đồng, tăng 15% so với năm trước. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế giảm 8% và đạt 5.993 tỷ đồng.

Tỷ lệ cổ tức bằng tiền không quá 50% lợi nhuận sau thuế, chia làm 2 đợt vào tháng 09/2014 và tháng 07/2015.

Về kế hoạch đầu tư trong năm 2014, Vinamilk dự kiến giải ngân thêm 2.575 tỷ đồng, trong đó 222 tỷ đồng vào Liên doanh Campuchia.

Công ty cũng sẽ trình cổ đông phát hành cổ phiếu thưởng cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ 5:1 với số lượng phát hành thêm tối đa 166,79 triệu cp dự kiến trong quý 2, 3/2014.

Nâng cổ tức 2013 lên 48%

HĐQT công ty sẽ trình cổ đông tỷ lệ chia cổ tức năm 2013 là 48% (thay vì mức 34% đã thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2013). Vinamilk đã tạm ứng đợt 1 và đợt 2 lần lượt tỷ lệ 20% và 8%. Như vậy, cổ tức đợt 3/2013 dự kiến là 20% bằng tiền mặt sẽ được thanh toán vào ngày 30/05/2014, tương đương 1.668 tỷ đồng.

Trong năm 2013, Vinamilk đạt 31.586 tỷ đồng tổng doanh thu, tăng 17% so với năm 2012. Lợi nhuận sau thuế của công ty tăng 12% và đạt 6.534 tỷ đồng, vượt 5% kế hoạch năm.

Vinamilk đã thực hiện quốc tế hóa đảm bảo chủ động trong nguồn cung ứng nguyên vật liệu, mở rộng sản xuất kinh doanh ra các thị trường mới thông qua việc đầu tư ra nước ngoài như Mỹ, Campuchia, Ba Lan, đầu tư vào dự án tại New Zealand.

Số điểm bán lẻ của Vinamilk trên toàn quốc đạt 224.000 điểm đến cuối năm 2013. Công ty đã đưa ra 21 sảm phẩm mới cho thị trường nội đại và 3 sản phẩm mới cho thị trường xuất khẩu.

Nguồn Công Lý


Sự kiện