Traphaco thoái vốn dược Thái Nguyên cuối năm nay
Thông tin được bà Vũ Thị Thuận, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Traphaco (mã TRA) cho biết tại hội thảo "Ngành dược Việt Nam - Cơ hội thay đổi từ chính sách", doanh nghiệp này đã có quyết định thoái vốn khỏi CTCP Dược và Vật tư Y tế Thái Nguyên.
Theo quyết định thoái vốn, TRA sẽ chào bán trọn lô 22.052 cổ phần, tương đương 51,01% vốn điều lệ dược Thái Nguyên với giá khởi điểm chào bán là 884.166 đồng/cổ phần. Với mức giá này, TRA sẽ thu về tối thiểu gần 19,5 tỷ đồng. Thời hạn thực hiện việc thoái vốn từ ngày 3/11 đến ngày 26/12/2016.
Theo bà Thuận, hiện đã có một số nhà đầu tư chấp nhận mua nhưng bà chưa thể tiết lộ danh tính. Bà kỳ vọng thương vụ sẽ thành công cuối năm nay và chắc chắn sẽ bán được giá cao hơn giá mua.
Chủ tịch TRA cũng cho biết, kế hoạch năm 2017 được HĐQT đề ra với mục tiêu doanh thu và lợi nhuận tăng trên 10%, cổ tức tỷ lệ 30% bằng tiền. Công ty cũng đặt ra kế hoạch tăng vốn từ nay đến năm 2020.
Hiện Traphaco đang nắm giữ 1,3% thị phần toàn bộ thị trường dược Việt Nam, riêng thị trường dược OTC trong nước, doanh nghiệp này đang sở hữu 3,43% thị phần, đứng thứ hai về doanh thu. Traphaco tự cung cấp 72% dược liệu cho nhu cầu sản xuất, 8% là nhập khẩu, còn 20% là mua trong nước.
Tổng công suất hiện tại là 1 tỷ đơn vị sản phẩm/năm. Bà Thuận cho biết, Traphaco đang đầu tư xây dựng nhà máy dược mới tại Hưng Yên với mục tiêu đạt chứng chỉ EU-GMP. Traphaco đã đầu tư 21,1 triệu USD với công suất thiết kế của nhà máy này là 900 triệu đơn vị sản phẩm/năm. Kế hoạch quý III/2017 sẽ đưa nhà máy đi vào sản xuất nhằm đẩy mạnh hoạt động trong ngành tân dược, tiến tới tăng tỷ lệ doanh thu trong ngành này.
Tại hội thảo, Phó Giáo sư Tiến sĩ, chuyên gia cao cấp, Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, ông Lê Văn Truyền, cho biết Việt Nam là một trong những thị trường dược phẩm phát triển nhanh nhất châu Á với tốc độ tăng trưởng bình quân 17-20%/năm trong giai đoạn 2010-2015. Năm 2015, thị trường dược Việt Nam trị giá khoảng 4,2 tỷ USD.
Tuy vậy, mức tiêu thụ dược phẩm bình quân đầu người Việt Nam năm 2015 đạt 40 USD, gấp đôi năm 2010 nhưng chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của thế giới. Năm 2015, sản lượng thuốc trong nước chỉ đáp ứng được 45% nhu cầu, do đó, nhập khẩu dược phẩm tăng mạnh, tới 16%.
Ông Truyền cũng cho biết, hiện có trên 40 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) vào ngành dược Việt Nam với tổng vốn đầu tư đến năm 2015 đạt 650 triệu USD. Một số dự án lớn trong thời gian gần đây như Sanofi (80 triệu USD), Nipro (250 triệu USD).
Dự báo, năm 2017, tốc độ phát triển thị trường vẫn đạt mức cao, trên 17%. Theo Business Monitor International, Việt Nam được xếp đứng thứ 17/175 quốc gia xét về tốc độ phát triển thị trường dược phẩm.
Mục tiêu đến năm 2020, ngành công nghiệp dược trong nước đáp ứng 80% nhu cầu thuốc thành phẩm và 20% nguyên liệu làm thuốc. Tuy nhiên, theo ông Truyền, mục tiêu này là khó đạt được.
Theo vị chuyên gia này, doanh nghiệp dược Việt Nam thiếu chiến lược trung và dài hạn, với hệ thống logistics và phân phối không hiện đại. Các doanh nghiệp chủ yếu sản xuất generic nhưng không phải “first generic”. Công nghệ sản xuất chỉ đạt trình độ trung bình, ít có dạng bào chế công nghệ cao. Ngoài ra, có đến 90% nguyên liệu là nhập khẩu.
Một vấn đề được ông Truyền nhấn mạnh là về bảo hộ ngành dược. Theo ông, nhà nước hiện chưa thay đổi chính sách doanh nghiệp nước ngoài không được phân phối trực tiếp tại Việt Nam mà phải thông qua doanh nghiệp trong nước. Quan điểm của ông Truyền cho rằng, các doanh nghiệp trong nước có nhiều nhược điểm và cần thời gian để hiện đại hóa công nghệ và nâng cao trình độ nên cần bảo hộ các doanh nghiệp này. Tuy nhiên sau một khoản thời gian nhất định mà doanh nghiệp Việt không tiến bộ thì Nhà nước nên sắp xếp lại để có mạng lưới phân phối hiện đại, đưa thuốc đến tay người dân kịp thời. Bởi nếu không tốt thì chính người dân phải gánh chịu chi phí. Do đó, Nhà nước cần có biện pháp cân đối hai vấn đề này.
Trường Văn