Tổng hợp tin kinh tế vĩ mô nổi bật tuần qua
Theo thông báo chính thức từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), kể từ ngày 22/12, giá điện bình quân tăng từ 1.369 đồng/kWh lên 1.437 đồng/kWh, tương đương tăng khoảng 5%.Theo EVN, việc tăng giá điện là nhằm bù chênh lệch giá than, khí và phân bổ chênh lệch tỷ giá.
Đại diện Bộ Công thương cho biết, lần tăng giá điện thêm 5% này sẽ làm chỉ số giá tiêu dùng tăng khoảng 0,12%.
Theo ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng giám đốc EVN, EVN chọn vào thời điểm sau khi tổng kết năm để tăng giá điện do đã biết được các chỉ số cơ bản và cho rằng tăng giá điện sẽ không ảnh hưởng đến tình hình chung.
Ở đợt tăng giá này, EVN thu được 7.000 tỷ đồng, trong đó bù cho chi phí than tăng 900 tỷ đồng, 3800 tỷ do giá khi tăng và 3.000 tỷ đồng do chênh lệch tỷ giá.
Tổng mức bán lẻ và tiêu dùng cả năm tăng gần 16%
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2012, mặc dù kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn do sức mua kém, cầu yếu, hàng tồn kho khá cao, thị trường trong nước vẫn tiếp tục phát triển, tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tính chung cả năm 2012 ước tính đạt 2.319,4 nghìn tỷ đồng, tăng 15,72% so với cùng kỳ năm 2011.
Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng trên 24% của tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ trong hai năm 2011 và 2010 thì mức tăng trưởng trong năm nay có phần chững lại với chưa đầy 16%.
Trước đó, theo ước tính của Vụ thị trường trong nước - Bộ Công thương, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội cả năm 2012 tăng 18% so với năm 2011, ước đạt 2.550 nghìn tỷ đồng.
Kiểm toán Agribank, VietinBank, Vietcombank vào 2013
Hôm 21/12, Kiểm toán Nhà nước công bố kế hoạch kiểm toán năm 2013, với 119 đơn vị đầu mối, giảm so với 161 cuộc kiểm toán thực hiện năm 2012.
Năm 2013, Kiểm toán Nhà nước tập trung kiểm toán các Tập đoàn kinh tế, các ngân hàng thương mại để phục vụ cho tái cơ cấu kinh tế. Thực hiện kiểm toán cuốn chiếu tất cả các tập đoàn, ngân hàng thương mại trong giai đoạn từ 2013 - 2015 để cung cấp thông tin cho hoạt động tái cấu trúc doanh nghiệp Nhà nước và các ngân hàng thương mại Nhà nước.
Với các doanh nghiệp Nhà nước và tổ chức tài chính - ngân hàng, năm 2013 sẽ kiểm toán 28 đơn vị, giảm so với 34 đầu mối được thực hiện kiểm toán năm 2012.
Trong đó với các ngân hàng kiểm toán 4 đơn vị gồm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) và ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB).
Với các doanh nghiệp Nhà nước, kiểm toán 24 đơn vị bao gồm 6 tập đoàn và 18 tổng công ty. Trong đó, có một số đơn vị như Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), Tập đoàn Dầu khi Việt Nam (PVN), Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Cao Su Việt Nam (VRG), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Sông Đà, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị, Tổng công ty địa ốc Sài Gòn...
Bộ Tài chính đề xuất giải pháp tổng thể tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh 2013
Theo thông tin từ Bộ Tài chính, cơ quan này đã đề xuất với Chính phủ các giải pháp tài chính tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường năm 2013, bao gồm 21 vấn đề.
Trong đó, đề xuất gia hạn nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 6 tháng đối với số thuế phải nộp quý I và 3 tháng đối với số thuế phải nộp quý II và quý III năm 2013 cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp đầu tư - kinh doanh (bán, cho thuê, cho thuê mua) nhà ở.
Đề xuất gia hạn 6 tháng thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) của tháng 1, tháng 2 và tháng 3 năm 2013 cho các đối tượng trên; Đề xuất giảm thuế nhập khẩu các nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng trong nước không có; Áp thuế TNDN 20% từ 1/7/2013 sớm 6 tháng đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa; thuế TNDN 10% với doanh nghiệp đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội...
CPI hai thành phố lớn thấp hơn nhiều năm 2011
Số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 12 tăng 0,26% so với tháng trước và tăng 6,29% so với tháng 12 năm 2011. Đây là mức tăng so với tháng trước thấp nhất trong 8 năm qua tại Hà Nội.
Còn theo Cục Thống kê THCM, CPI thành phố này ước tăng 0,17% so với tháng trước, đưa mức tăng của cả năm khoảng 4,1%.
Như vậy, lạm phát ở hai thành phố lớn trong năm nay thấp hơn nhiều so với mức tăng hai con số của năm 2011. Từ CPI của hai thành phố lớn, có thể dự báo CPI cả nước tháng 12 nhiều khả năng chỉ tăng khoảng 0,3%. Như vậy, lạm phát năm 2012 có khả năng ở mức khoảng 6,8%.
Theo các chuyên gia, thường tháng 12 hàng năm, mức tăng CPI thường khá cao do nhu cầu mua sắm tăng lên dịp cuối năm, nhưng năm nay do Tết muộn cùng với việc thắt chặt chi tiêu nên chưa thấy hiện tượng tăng giá đột biến.
Việt Nam xuất siêu lần đầu tiên kể từ năm 2001
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính chung cả năm 2012, dự kiến cả nước xuất siêu khoảng 284 triệu USD.
Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu cả nước ước đạt hơn 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% cùng kỳ 2011. Tổng kim ngạch nhập khẩu 12 tháng ước 114,3 tỷ USD, tăng 7,1% so cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, xuất siêu cả năm vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp FDI. Số liệu cụ thể cho thấy, khối doanh nghiệp trong nước đã nhập siêu gần 11,68 tỷ USD trong năm 2012 trong khi khối FDI xuất siêu tới 11,96 tỷ USD.
Việc làm đang khan hiếm: Gần 1 triệu lao động Việt Nam thất nghiệp
Tính đến thời điểm 1/10/2012, cả nước có 53,1 triệu người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động (trong đó 70% là lao động thuộc khu vực nông thôn) nhưng lại có tới 984.000 người thất nghiệp, chiếm 2,01% và 1.369.000 người thiếu việc làm, chiếm 2,74% do nền kinh tế không tạo đủ việc làm cho cả lao động mới gia nhập thị trường và bộ phận lao động thất nghiệp cũ.
Đó là một trong những kết quả của Báo cáo kết quả điều tra việc làm năm 2012 do Tổng cục Thống kê phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tiến hành và công bố chiều 18/12 tại Hà Nội.
Theo đó, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị trong 9 tháng đầu năm 2012 ở khu vực thành thị là 3,3%, cao hơn nhiều so với tỷ lệ thất nghiệp 1,42% ở nông thôn; tỷ lệ thất nghiệp ở nữ là 2,36% cao hơn so với tỷ lệ 1,71% ở nam.
Đứng đầu cả nước về tỷ lệ thất nghiệp năm 2012 là TPHCM với 3,92%. Trong khi đó, đứng đầu cả nước về tỷ lệ thiếu việc làm là vùng ĐBSCL với 4,6%.
Petrolimex thừa nhận đã có lãi gần 200 đồng/lít xăng
Ông Trần Ngọc Năm, phó tổng giám đốc Petrolimex, thừa nhận nếu tính theo đúng quy định (chi phí định mức kinh doanh xăng dầu đối với mặt hàng xăng là 600 đồng/lít, mazut là 400 đồng/kg) thì xăng đang lãi gần 200 đồng/lít, các mặt hàng dầu lãi khoảng 500 đồng/lít, kg.
Tuy nhiên định mức trên thấp hơn so với chi phí thực tế rất nhiều, liên bộ Tài chính - Công thương đã dự kiến điều chỉnh định mức từ 600 đồng/lít lên 860 đồng/lít (chưa kể các vùng sâu vùng xa được cộng thêm chi phí) nên thực tế xăng Petrolimex vẫn lỗ gần 100 đồng/lít. Riêng các mặt hàng dầu thì lãi trên 200 đồng/lít, kg.
Việt Nam sẽ là công xưởng mới của doanh nghiệp Nhật
Việt Nam là điểm đến đầu tư được nhà đầu tư Nhật Bản đánh giá cao trong bối cảnh dịch chuyển dòng vốn đầu tư của Nhật Bản ra khỏi Trung Quốc.
Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút đầu tư từ Nhật Bản khi đã có những dấu hiệu rõ ràng về việc Trung Quốc sẽ không còn là điểm đến yêu thích của doanh nghiệp Nhật Bản, trong khi các đối thủ cạnh tranh với Việt Nam như Indonesia và Ấn Độ thua kém Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư Nhật Bản. Mặc dù vậy, Việt Nam cần nghiêm túc cải cách thủ tục hành chính để củng cố vị trí ưu tiên trong mắt nhà đầu tư.
Nhật Bản độc chiếm ngôi đầu trên bảng xếp hạng các nguồn FDI vào Việt Nam 11 tháng đầu năm 2012, với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm đạt 5,051 tỷ USD, chiếm đến 41,5% tổng vốn FDI vào Việt Nam, trong khi Singapore, nhà đầu tư đứng thứ 2 trên bảng xếp hạng (chỉ chiếm 12,8% tổng vốn, với giá trị tuyệt đối 1,554 tỷ USD). Điều này cho thấy phần nào tính hấp dẫn của Việt Nam trong mắt nhà đầu tư Nhật Bản.
Tổng cầu suy giảm nghiêm trọng khiến lạm phát Việt Nam không tăng cao
Ngân hàng Nhà nước đã mua vào một lượng ngoại tệ khá lớn kể từ đầu năm tới nay. Lượng ngoại tệ đó, theo Ủy ban Giám sát tài chính là vào khoảng 10 tỷ USD, có nghĩa là đã có hơn 200.000 tỷ đồng được bơm ra lưu thông chỉ trong gần 1 năm qua.
Đánh giá của WB và Ủy ban Giám sát tài chính cho thấy, số dự trữ ngoại hối mua vào trong khoảng 1 năm qua là tương đương với lượng ngoại tệ mà Ngân hàng Nhà nước đã mua vào trong giai đoạn 1 năm trong khoảng 2007-2008.
Cả WB và Ủy ban Giám sát tài chính đều cho rằng do tổng cầu suy giảm nghiêm trọng nên Việt Nam đã không lạm phát cao trong năm 2012, dù cũng đã bơm nhiều tiền đồng để mua vào USD như giai đoạn trước.
Hơn nữa, theo Ủy ban Giám sát tài chính, dù đang trong thời điểm cuối năm nhưng sức mua của hộ gia đình vẫn khá thấp, khiến cho tốc độ tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ đang có dấu hiệu tăng chậm dần đáng lo ngại.
Nguồn Khampha