Chủ Nhật | 26/08/2012 17:36

Tổng hợp tin kinh tế tuần qua: CPI, nhập siêu tăng trở lại

Sau 2 tháng giảm, CPI tháng 8 tăng trở lại dưới sức ép của giá viện phí và xăng dầu tăng. Tuần tới, có khả năng giá xăng dầu sẽ tăng tiếp.
Bộ Công thương ban hành Chỉ thị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
Bộ Công thương yêu cầu các đơn vị tập trung hỗ trợ doanh nghiệp giảm lượng hàng tồn kho, tiếp cận vốn ngân hàng, đẩy nhanh tiến độcác dự án sử dụng vốn ngân sách và các nguồn vốn khác đã được phê duyệt nhằm góp phần tặng tiêu thụ các sản phẩm như vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép.

Khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của nhau nhất là đối với những sản phẩm của doanh nghiệp này là nguyên liệu đầu vào của các doanh nghiệp khác.
Tháng 8 cả nước quay lại nhập siêu

Sau khi xuất siêu gần 580 triệu USD trong tháng 7, theo số liệu Tổng cục Thống kê, tháng 8 cả nước lại ước nhập siêu 150 triệu USD.

Kim ngạch xuất khẩu tháng 8 ước đạt 9,8 tỷ USD, giảm gần 4% so với tháng 7; trong khi kim ngạch nhập khẩu ước đạt 9,95 tỷ USD, tăng 3,5% so với tháng 7.

Tính chung 8 tháng đầu năm, cả nước nhập siêu ước 62 triệu USD, sau khi xuất siêu 88 triệu USD trong 7 tháng.
CPI tăng trở lại sau 2 tháng giảm liên tiếp

Tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tăng 0,63% sau khi giảm liên tiếp 0,26% và 0,29% trong tháng 6 và tháng 7.

Trong nhóm 11 hàng hóa tính CPI, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống (chiếm tỷ trọng lớn nhất trong rổ tính chỉ số) vẫn giảm 0,18%.

Tuy nhiên, nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng mạnh 5,44%, trong đó, dịch vụ y tế tăng 7,71%. Nguyên nhân do từ ngày 1/8, 10 tỉnh, thành phố và 5 bệnh viện trung ương áp dụng giá mới cho 447 dịch vụ y tế với mức điều chỉnh bằng 75-100% giá trần.

Ngoài ra, nhóm hàng giao thông tăng 1,07% (chủ yếu nhờ việc tăng giá tăng dầu) cũng đóng góp vào mức tăng của CPI.

Giá xăng dầu có thể tăng tiếp trong tuần tới

Cuối tuần qua, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đã gửi đề xuất tăng giá lên Bộ Tài chính với mức tăng giá xăng cao nhất là 1.200 đồng/lít, dầu tăng khoảng 700 đồng/lít.

Bộ Tài chính cho biết đang xem xét đề xuất tăng giá xăng, dầu. Nếu được chấp thuận, đây sẽ là lần tăng giá xăng dầu thứ 6 kể từ đầu năm.

Một số chuyên gia nhận định, Bộ Tài chính nên cân nhắc giảm thuế nhập khẩu, từ mức 10 - 12% hiện nay. Nếu thực hiện giảm thuế, có thể mức tăng giá sẽ không lớn như đề xuất của doanh nghiệp.

Niềm tin người tiêu dùng Việt Nam tăng cao trở lại

Theo chỉ số niềm tin người tiêu dùng mới nhất của MasterCard Worldwide, niềm tin người tiêu dùng tại các quốc gia châu Á-Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam, đã gia tăng trở lại khi những lo ngại về sự chậm tăng trưởng trong khu vực đã giảm dần.

Cụ thể, nửa đầu năm 2012, chỉ số niềm tin của người tiêu dùng Ấn Độ đạt 82,1 điểm, Trung Quốc 77,4 điểm, Việt Nam 77,2 điểm và Thái Lan 75,8 điểm... thuộc danh sách các quốc gia có niềm tin tiêu dùng cao nhất.

Năng suất lao động tại Việt Nam thuộc hàng thấp nhất khu vực

Năng suất lao động của lao động Việt Nam hiện thấp hơn Indonesia 10 lần, Malaysia 20 lần, Thái Lan 30 lần, Nhật Bản tới 135 lần.

Mức lương bình quân của lao động Việt Nam cũng cao hơn lương tại Indonesia, Bangladesh, theo số liệu của Hiệp hội Da giày, túi xách (Lefaso). Hiện mức lương bình quân của lao động ở Việt Nam khoảng 100 - 150 USD/tháng, trong khi mức lương của Trung Quốc là 120 - 180 USD/tháng, Ấn Độ 100 - 120 USD/tháng, Indonesia 70 - 100 USD/tháng, Bangladesh 50 - 70 USD/tháng.

Bên cạnh đó, hiện các doanh nghiệp còn chịu sức ép tăng lương. Theo tính toán, lao động tại các thành phố cần từ 4 - 5 triệu đồng/tháng mới có thể bảo đảm các nhu cầu sống tối thiểu.

Có thể lùi thời điểm tăng lương tối thiểu tại doanh nghiệp

Theo Bộ Lao động Thương binh và xã hội, dự kiến lương tối thiểu tại doanh nghiệp sẽ tăng từ 1/1/2013, nhưng nếu 6 tháng cuối 2012 doanh nghiệp còn khó khăn, có thể lùi thời gian thực hiện đến tháng 3 hoặc tháng 6/2013.

Theo Bộ Lao động Thương binh và xã hội, mức lương tối thiểu hiện nay chỉ mới đáp ứng được khoảng 57-63% so với nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình.

Đợt điều chỉnh mức lương tối thiểu lần này sẽ có 2 phương án.

Đối với phương án 1: mức lương tối thiểu áp dụng vùng I tăng lên 2,7 triệu đồng/người/tháng (mức cũ 2 triệu đồng); vùng II là 2,4 triệu đồng/người/tháng (mức cũ 1,78 triệu đồng); vùng III là 2,13 triệu đồng/người/tháng (mức cũ 1,55 triệu đồng) và vùng IV là 1,93 triệu đồng (mức cũ 1,4 triệu đồng).

Theo phương án 2: vùng I tăng lên 2,5 triệu đồng/người/tháng; vùng II là 2,25 triệu đồng/người/tháng; vùng III là 1,95 triệu đồng/người/tháng và vùng IV là 1,8 triệu đồng/người/tháng.

Nguồn Khampha


Sự kiện