Thứ Hai | 09/09/2013 21:44

Tồn kho ngành nào lớn nhất trên thị trường?

Bất động sản là ngành có giá trị hàng tồn kho lớn nhất về giá trị tuyệt đối tính đến 30/06/2013.
Đây là kết quả thống kê gần 700 doanh nghiệp đang niêm yết thuộc 44 ngành theo hệ thống phân ngành của Vietstock.

Ngành bất động sản (BĐS) và xây dựng chiếm 53% tồn kho toàn thị trường

Tổng giá trị hàng tồn kho toàn thị trường tính đến 30/06/2013 ở mức gần 216.208 tỷ đồng, tăng 8,11% so với cùng thời điểm này năm trước và tăng 6,47% so với cuối năm 2012 (31/12/2012).

Những ngành có tồn kho trên nghìn tỷ đồng tại 30/06/2013:
s
Nguồn: VietstockFinance

Trong đó, về giá trị tuyết đối, tồn kho của ngành bất động sản (BĐS) chiếm giá trị lớn nhất khi ở mức hơn 75.154 tỷ đồng. Giá trị này cũng chiếm 45% tổng tài sản của toàn thị trường niêm yết tính đến 30/06/2013.

Tiếp đến là nhóm ngành xây dựng, với tổng giá trị hàng tồn kho gần 37.820 tỷ đồng, chiếm 18% tổng tồn kho toàn thị trường. Trong đó phần lớn tồn kho nằm ở các công trình tiện ích công, xây dựng nhà ở và khu dân cư.

Gộp chung ngành xây dựng và BĐS, giá trị hàng tồn kho đã chiếm đến 53% tồn kho toàn thị trường. Nút thắt ở đây chính là thị trường bất động sản vẫn đang trong tình trạng “ngủ đông”. Đó là chưa kể nhiều người lo ngại “cơn sốt” về gói 30,000 tỷ của chính phủ sẽ có thể tạo ra nguồn cung mới trong thời gian tới mặc dù nhu cầu không thấy cải thiện.

Tồn kho trong nhóm ngành sản xuất, cụ thể là ngành thực phẩm đồ uống thuốc lá cũng nằm trong tốp dẫn đầu với giá trị hơn 26.000 tỷ đồng (gần 50% đến từ ngành sơ chế và đóng gói thủy sản), tăng 13% so với cùng kỳ và 19% so với đầu năm.

Hai ngành còn lại đóng góp vào giá trị tồn khi trên 10 nghìn tỷ đồng đến từ lĩnh vực kim loại và sản phẩm khoáng phi kim loại, ngành bán buôn. Trong đó, ngành bán buôn có tồn kho gần 14.000 tỷ đồng, tăng 18% so với thời điểm 30/06/2012 và 33% so với đầu năm nay.

Bênh cạnh đó vẫn còn rất nhiều ngành đang đối mặt với tồn kho lớn như Hóa chất - Dược phẩm và Khai khoáng khác (Than, đá, quặng, kim loại, khoáng sản…). Đặc biệt, đối với ngành khai khoáng than, Tập đoàn Than và Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) cho biết tính đến cuối tháng 08/2013, lượng than của tập đoàn bao gồm cả than nguyên khai và than thành phẩm tồn kho lên tới 7,9 triệu tấn. Lãnh đạo Vinacomin cho biết, nếu không có giải pháp quyết liệt thì đến cuối năm 2013, lượng than tồn kho có thể lên đến gần 10 triệu tấn.

Bất ngờ với tăng tồn kho từ ngành dịch vụ và tài chính

Mặc dù tồn kho ngành BĐS và xây dựng đứng đầu trong thị trường hiện nay nhưng về tốc độ tăng trưởng tồn kho so với kỳ trước thì ngành ngân hàng và các hoạt động liên quan gây bất ngờ khi tăng áp đảo so với các ngành khác.

Cụ thể, so với thời điểm 30/06/2012, tồn kho ngành ngân hàng và hoạt động liên quan đến cuối quý II/2013 tăng 13 lần. Trong 10 doanh nghiệp niêm yết thuộc nhóm ngành ngành này có 8 ngân hàng, một Tổng công ty và một tập đoàn tài chính là CTCP Tập Đoàn Đại Dương (HOSE: OGC). Toàn bộ tồn kho của ngành thuộc về OGC với giá trị hàng tồn kho hơn 300 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước chỉ gần 24 tỷ đồng.

Bất động sản là lĩnh vực kinh doanh chiến lược của OGC nên tồn kho chủ yếu đến từ lĩnh vực này. Hàng tồn kho của OGC phản ánh chủ yếu trong chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang. Trong đó, bao gồm 216 tỷ đồng giá trị quyền sử dụng đất và chi phí xây dựng lũy kế tại dự án Sài Gòn Airport Plaza.

Tiếp theo là ngành dịch vụ hỗ trợ có giá trị tồn kho 30/06/2013 đạt 166,63 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với cùng thời điểm của năm trước. So với đầu năm nay thì giá trị hàng tồn kho này cũng đã tăng gấp 5 lần. Trong ngành dịch vụ hỗ trợ, các dịch vụ cao ốc và nhà ở chiếm tỷ trọng tồn kho lớn nhất, khoảng 70%.

Ngành phân phối khi đốt tự nhiên bao gồm nhiều doanh nghiệp lớn trên sàn như GAS, PVG, PGS, PCG, ASP… cũng có tồn kho tăng 65% so với cùng kỳ năm trước khi đạt tổng giá trị tồn kho gần 2.000 tỷ đồng.

Cũng phải kể đến một số ngành có tồn kho tăng đáng kể nữa như ngành trồng trọt (tăng 40%), ngành bán lẻ (tăng 33%). Đối với ngành hóa dược phẩm, mặc dù tồn kho tại 30/06/2013 giảm hơn 9% so với đầu năm nhưng so với cùng kỳ năm trước thì tăng 18%.

10 ngành tồn kho tăng nhiều nhất tại 30/06/2013:
e
Nguồn: VietstockFinance

Ở chiều ngược lại, tồn kho ngành phòng trọ cho khách du lịch có mức giảm lớn nhất so với đầu năm và cả cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá trị tồn kho ngành này chỉ gần 7 tỷ đồng, giảm 7 lần so con số tại 30/06/2012.

Hay trường hợp tồn kho của ngành viễn thông, giá trị toàn ngành chỉ đạt 296 tỷ đồng, giảm gần 60% so với cùng thời điểm năm trước và 52% so với đầu năm nay.

10 ngành tồn kho giảm nhiều nhất tại 30/06/2013:
s
Nguồn: VietstockFinance

Về giá trị tuyệt đối, có thể do tính chất đặc trưng của ngành nên ngành hoạt động dịch vụ có liên quan đến nông lâm nghiệp chỉ có giá trị tồn kho khoảng 330 triệu đồng. Đây cũng là ngành có giá trị tồn kho nhỏ nhất trên thị trường tính đến 30/06/2013.

10 ngành tồn kho ít nhất tại 30/06/2013:
d
Nguồn: VietstockFinance

Nguồn Vietstock


Sự kiện