Thứ Hai | 15/10/2012 11:38

Tối ưu hóa cơ chế phân cấp quản lý vốn FDI

Những bất cập của cơ chế phân cấp quản lý vốn FDI khiến các cơ quan chức năng phải xem xét lại để phát huy hiệu quả trong tình hình mới.
Chủ trương phân cấp quản lý vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã có tác động tích cực đến tính chủ động của chính quyền các tỉnh, thành phố trong hoạt động xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, tiết kiệm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư. Tính tới 20/9/2012, Việt Nam đã thu hút được trên 209 tỷ USD vốn FDI.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện cơ chế phân cấp cũng đã nảy sinh nhiều bất cập. Tư duy nhiệm kỳ khiến nhiều địa phương chạy đua thu hút đầu tư bằng mọi giá, gây phá vỡ quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, làm mất cân đối nguồn lực.

Chưa kể, việc cấp chứng nhận đầu tư mà không chú ý tới chất lượng, hiệu quả, trong khi lại chưa coi trọng công tác kiểm tra, giám sát, dẫn đến tình trạng nhiều dự án đã được cấp phép, nhưng không triển khai theo đúng tiến độ, gây lãng phí nguồn lực.

Bên cạnh đó, cũng có tình trạng việc tiếp xúc, lựa chọn nhà đầu tư chưa thận trọng, nên một số nhà đầu tư không đủ năng lực tài chính vẫn được cấp chứng nhận đầu tư dự án hàng trăm triệu USD để bán lại, sai lệch thông tin và cản trở cơ hội của các nhà đầu tư chân chính. Ngoài ra, một số địa phương chưa đủ năng lực thẩm định các dự án lớn, nên đã xảy ra tình trạng cấp phép mà không đảm bảo các điều kiện cần thiết.

Cũng chính vì vậy mà thu hút FDI trong 25 năm qua dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng xét về chất lượng, thì chưa đạt yêu cầu và cũng chưa được như kỳ vọng.

Cơ chế phân cấp cần tiếp tục được thực hiện, nhưng cần tiến hành điều tra, nghiên cứu kết quả thực hiện chủ trương từ năm 2006 để có phương án điều chỉnh hợp lý.

Nguồn Báo Đầu tư


Sự kiện