Tiền mặt của Masan và kế hoạch tiếp theo
Trước tiên, ngày 8/4/2014, công ty con của Masan Group là Masan Consumer đã công bố mức cổ tức bằng tiền mặt trị giá 5.800 tỷ đồng, tương đương 110% mệnh giá cổ phần. Do phần lớn khoản tiền mặt này sẽ được chuyển về một công ty mới thành lập của Masan Group, Masan Consumer Holdings, nên có đủ lý do để tin tưởng rằng, Masan đang chuẩn bị đầu tư thêm vào các lĩnh vực có liên quan đến tiêu dùng.
Động thái thâm nhập sâu hơn vào các ngành hàng tiêu dùng rất có ý nghĩa với Masan, vì ở đây, Tập đoàn đã có nhiều kinh nghiệm trong việc xây dựng những thương hiệu chiến thắng như Chin-su, Nam Ngư và Omachi, ngoài các kế hoạch mua lại và xoay chuyển tình thế của những thương hiệu mang tính di sản như Vinacafe và Vĩnh Hảo.
Hơn nữa, thị trường Việt Nam dành cho các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng có tiềm năng tăng trưởng rất lớn. Trong năm 2013, GDP của Việt Nam đạt 5,42%. Thị trường hàng tiêu dùng nhanh ở đô thị lần đầu tiên đạt tốc độ tăng trưởng 2 chữ số, ở mức 10% về giá trị, còn tăng trưởng hàng tiêu dùng nhanh ở nông thôn chạm mức 14% về giá trị, nhờ triển vọng sáng sủa hơn của nền kinh tế.
Tiềm năng đó đã thu hút rất nhiều sự quan tâm từ các tập đoàn nước ngoài. Minh chứng là việc KKR, một trong những công ty đầu tư vốn cổ phần tư nhân lớn nhất thế giới, đã "bơm" tổng cộng 359 triệu USD vào Masan Consumer. Tuy nhiên, đáng chú ý hơn là mức độ quan tâm về chiến lược dài hạn của các công ty nước ngoài. Trong quá khứ, đã có những khoản đầu tư rất lớn vào lĩnh vực hàng tiêu dùng của những gã khổng lồ toàn cầu như Unilever, Nestle, P&G, Pepsi và gần đây hơn là Sapporo đến từ Nhật Bản.
Thị trường đón nhận sự quan tâm ngày càng lớn hơn của các tập đoàn nước ngoài, vậy Masan sẽ làm thế nào để cạnh tranh? Có vẻ như câu trả lời nằm ở vị thế dẫn đầu vững chắc.
Vài tháng trước, Masan Group đã công bố rằng, ông Seokhee Won, trước đây là một nhà quản lý kỳ cựu của Unilever, sẽ gia nhập
Tập đoàn ở vị trí Phó tổng giám đốc của Masan Group và Tổng giám đốc của Masan Consumer.
Vừa qua, một thông cáo báo chí khác của công ty loan báo rằng, ông Seokhee Won cũng được đề cử tham gia Hội đồng Quản trị của Masan Consumer. Trách nhiệm ngày càng mở rộng của ông Seokhee thể hiện cam kết lớn hơn của Masan nhằm tập trung vào các cơ hội liên quan đến lĩnh vực hàng tiêu dùng thông qua các chuyên gia có cả kinh nghiệm quản lý lẫn điều hành hoạt động xây dựng công ty và thương hiệu hàng tiêu dùng.
Ông Seokhee Won đã làm việc 22 năm tại Unilever ở nhiều thị trường mới nổi, trong đó có Việt Nam. Gần đây nhất, ông phụ trách nhãn hàng sản phẩm chăm sóc da Ponds của Unilever trên toàn cầu, ở cương vị Phó chủ tịch cấp cao.
Nắm giữ một danh mục nhãn hiệu mạnh, lượng tiền mặt dồi dào và đội ngũ tài năng thích hợp, thật thú vị khi chờ xem Masan sẽ trổ tài như thế nào và tập đoàn này sẽ làm nên những chuyện lớn gì tiếp theo?
Nguồn Đầu tư