R&D trong nông nghiệp. Ảnh: Quý Hòa.
Tiền đổ về quỹ ESG
Quỹ đầu tư AFC Vietnam Fund cho biết từ năm 2021 sẽ bắt đầu áp dụng 8 tiêu chí ESG để đánh giá cơ hội đầu tư vào doanh nghiệp Việt, bao gồm yếu tố sử dụng tài nguyên có giới hạn, giảm phát thải ra môi trường, mức độ hài lòng tại nơi làm việc của lực lượng lao động, sự gắn kết với cộng đồng, trách nhiệm với sản phẩm, khả năng tuân thủ các nguyên tắc quản trị công ty theo thông lệ tốt nhất và cuối cùng là việc đối xử bình đẳng với các cổ đông. Nhìn chung, tổng điểm ESG Score theo cách đo lường của AFC Vietnam Fund khá tương đồng với bảng xếp hạng MSCI ESG Ratings.
Ngày càng nhiều phân tích trong ngành đầu tư, chủ yếu ở Mỹ và châu Âu, nhận định lạc quan rằng những công ty thỏa mãn các tiêu chí ESG thường được trang bị tốt hơn để quản lý rủi ro, có thể hoạt động bền vững trong tương lai, do đó đây là khoản đầu tư hấp dẫn. Nhưng tại các thị trường cận biên và mới nổi, khoản đầu tư có liên quan đến ESG chỉ mới bắt đầu thu hút sự chú ý gần đây.
Thị trường Việt Nam cũng đang chứng kiến những bước tiến triển đầu tiên. Tháng 10 năm ngoái, Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) công bố thương vụ rót 20 triệu USD vào Tập đoàn An Phát Holdings. Khoản đầu tư này sẽ được dùng để xây dựng nhà máy nguyên liệu xanh PBAT dưới hình thức khoản vay chuyển đổi kỳ hạn 7 năm có khả năng chuyển đổi thành cổ phần của An Phát Holdings.
Một lý do quan trọng thúc đẩy IFC đầu tư vào nhà máy sinh học phân hủy hoàn toàn là khả năng cạnh tranh và thành công cao, đặc biệt khi An Phát Holdings là nhà sản xuất sản phẩm sinh học phân hủy hoàn toàn đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, IFC cũng được thuyết phục và tin tưởng vào hướng đi phát triển bền vững của doanh nghiệp cũng như đánh giá cao trách nhiệm đối với ESG.
Theo AFC Vietnam Fund, Việt Nam đang ở giai đoạn sớm trong nhận thức về ESG so với các nước phát triển, nhưng quan sát cho thấy ngày càng nhiều công ty công bố báo cáo về ESG riêng. Đặc biệt thế hệ nhà đầu tư trẻ cũng ngày càng quan tâm đến những khía cạnh này. “Khá lạc quan khi thấy một số công ty đã rất nỗ lực để cải thiện hành vi của họ liên quan đến ESG, nhưng tất nhiên nhiều công ty khác vẫn còn hạn chế”, đại diện AFC Vietnam Fund nhận định.
Đại dịch COVID-19 còn làm nổi bật hơn sức hấp dẫn của các quỹ ESG, nhất là trong giai đoạn thị trường tài chính căng thẳng. Mới đây, hãng kiểm toán PwC Luxembourg đã tung ra một báo cáo “Cơ hội tăng trưởng thế kỷ”, trong đó dự đoán phương thức đầu tư ESG sẽ đại diện cho sự thay đổi lớn nhất trong ngành tài chính thế giới, thậm chí có thể so sánh với cuộc cách mạng mang tên Quỹ hoán đổi danh mục (ETF) tạo ra cách đây hàng chục năm.
Khu vực châu Âu đang dẫn đầu cuộc chơi ESG. Tài sản ESG của châu Âu được dự báo sẽ đạt từ 5.500-7.600 tỉ euro trong 5 năm tới, chiếm 41-57% tổng tài sản quỹ trong khu vực. Olivier Carré, nhà lãnh đạo thị trường dịch vụ tài chính tại PwC Luxembourg, cho biết: “Khi nguồn vốn toàn cầu ngày càng chuyển hướng tới các dự án bền vững, châu Âu có vị trí tốt để hoạt động như trung tâm ESG toàn cầu, tạo ra việc làm và cơ hội mới”.
PwC Luxembourg dự đoán ESG sẽ trở thành tiêu chuẩn khi đưa ra quyết định đầu tư và châu Âu sẽ đi đầu trong phong trào này. Hiện tại, châu Âu chiếm 71% tài sản ESG toàn cầu và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 74% trong vòng 5 năm tới.
“Nhận thức của cộng đồng về các rủi ro liên quan đến ESG, sự thay đổi lớn về quy định và sở thích của các nhà đầu tư tổ chức đang nhanh chóng đẩy việc đầu tư vào ESG lên hàng đầu trong chương trình nghị sự quản lý tài sản”, báo cáo của PwC Luxembourg nhận định.
Theo báo cáo cập nhật diễn biến dòng vốn đầu tư toàn cầu tháng 10.2020, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư SSI Research cho biết trên thị trường chứng khoán Việt Nam, mức độ quan tâm của khối ngoại tới các tiêu chuẩn ESG khi lựa chọn cổ phiếu đã bắt đầu tăng mạnh từ quý II. Với xu hướng này, để tiếp cận được nguồn vốn trung và dài hạn hậu COVID-19, doanh nghiệp phải bắt đầu nghiêm túc thiết lập các tiêu chuẩn ESG cho toàn bộ hệ thống từ khâu sản xuất đến sản phẩm và dịch vụ.
“Hiện tại, 100% các dự án đầu tư của Dragon Capital phải được phân tích, chấm điểm theo tiêu chí ESG. Đại dịch COVID-19 nhấn mạnh hơn tầm quan trọng của ESG và thúc đẩy những người có trách nhiệm phải suy nghĩ đến sự bền vững hơn là kinh tế”, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Dragon Capital, nhận định.
Nếu xét về hiệu quả đầu tư, các quỹ ESG trong thời gian gần đây còn tỏ ra vượt trội so với các quỹ đầu tư theo mô hình truyền thống. Nghiên cứu của PwC cho thấy những quỹ liên kết với các tiêu chí ESG đã tích lũy hiệu quả vượt trội so với các đối tác truyền thống lên đến 9% trong giai đoạn 2010-2019. Phân tích của Morningstar cho thấy kết quả tương tự: gần 60% quỹ bền vững mang lại lợi nhuận cao hơn so với các quỹ tương đương không bền vững. Quỹ ESG còn chứng kiến sự gia tăng đáng kể trong quy mô thu hút dòng tiền (cao hơn 15%) so với các quỹ truyền thống trong giai đoạn từ cuối năm 2018 đến tháng 4.2020.