Thương hiệu Việt ra nước ngoài: Đừng đợi mất bò...
Là người sáng lập ra thương hiệu Đức Thành, ông Nguyễn Lâm Viên, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Vinamit, không ngờ rằng có ngày chính mình lại phải nhọc nhằn đi đòi lại thương hiệu. Đó là hành trình dài hơn 4 năm vất vả trên đất Trung Quốc tìm lại sự công bằng.
Bảo vệ không thừa
Người tiêu dùng ở Trung Quốc có lẽ không biết đến thương hiệu Vinamit, nhưng sản phẩm sấy khô của Đức Thành thì lại rất quen thuộc với họ. Đây chính là thương hiệu ông Viên ghi trên bao bì khi đưa sản phẩm vào thị trường này.
Tuy nhiên, năm 2008, ông Viên được thông báo rằng thương hiệu Đức Thành viết bằng tiếng Hoa đã bị một công ty Trung Quốc đăng ký sở hữu. Vì thế, công ty của ông đã vi phạm bản quyền khi đưa sản phẩm với thương hiệu này vào thị trường Trung Quốc. “Năm 1997, Vinamit đã đăng ký thương hiệu Đức Thành bằng tiếng Việt nhưng chưa đăng ký bằng tiếng Trung Quốc tại thị trường này”, ông Viên kể lại.
Trong suốt thời gian kiện tụng, hệ thống Wal-Mart tại Trung Quốc cũng không dám nhận sản phẩm Đức Thành của Vinamit vì thương hiệu này đã được đăng ký sở hữu. Nhà bán lẻ này cũng không thể lấy sản phẩm kém chất lượng của Trung Quốc nên đã đề nghị ông Viên đổi tên sản phẩm thành Vinamit. Dù vậy, sản phẩm mang thương hiệu mới lúc bấy giờ rất khó cạnh tranh với hàng nhái vì người Trung Quốc không biết Vinamit mà chỉ nhớ tới Đức Thành.
Từ câu chuyện này, ông Viên đã rút ra bài học kinh nghiệm là luôn đăng ký thương hiệu thật kỹ. Hiện Vinamit đã đăng ký “bao vây” thương hiệu Vinamit, nghĩa là đăng ký ở cả những thị trường mà Công ty chưa xuất khẩu.
“Những thương hiệu na ná, gần giống hay chỉ khác chữ đầu, chữ cuối so với thương hiệu của Vinamit là tôi đăng ký hết”, ông Viên chia sẻ. Tính ra, chi phí đăng ký bản quyền thương hiệu rẻ hơn nhiều so với việc phải đi đòi lại.
Trong khi đó, bà Vũ Thị Kim Hạnh, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết tuy các doanh nghiệp vừa và lớn trong nước đã có ý thức đăng ký thương hiệu, nhiều doanh nghiệp nhỏ ở các tỉnh vẫn chưa thấy được tầm quan trọng của bản quyền thương hiệu. “Hầu hết các doanh nghiệp này suy nghĩ rằng kinh doanh ở tỉnh lẻ và không xuất khẩu thì không cần đăng ký thương hiệu”, bà nói.
Nhanh chân kẻo muộn
Không chỉ riêng Vinamit, nhiều doanh nghiệp Việt Nam lớn khác cũng bị lấy thương hiệu. Thương hiệu cà phê của Tập đoàn Trung Nguyên vào giữa những năm 2000 từng bị một công ty của Mỹ nhanh chân đăng ký trước tại Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Mỹ. Trung Nguyên phải mất 2 năm thương thảo để Công ty Rice Field, bên đăng ký thương hiệu Trung Nguyên tại Mỹ, chấp nhận trả lại thương hiệu và làm đại lý phân phối sản phẩm cho Công ty.
Thương hiệu thuốc lá khá nổi tiếng của Việt Nam là Vinataba cũng bị một công ty của Indonesia đăng ký tại Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và 9 nước Đông Nam Á. Vinataba đã phải chi không ít tiền để chứng minh và đòi lại.
Thậm chí, có những thương hiệu tưởng chừng không ai có thể nhòm ngó cũng bị xâm phạm bản quyền. Năm 2002, một công ty của Mỹ là Nguyen Lai Corporation đã nộp đơn đăng ký thương hiệu PetroVietnam và hình ngọn lửa, chỉ dấu quen thuộc của ngành công nghiệp dầu khí Việt Nam.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp khác như võng xếp Duy Lợi, giày dép Biti’s, bánh phồng Sa Giang... cũng đã bị lấy mất thương hiệu tại nước ngoài do chủ quan, nghĩ đơn giản rằng thương hiệu nhỏ thì không phải đăng ký bản quyền.
Ngay cả những thương hiệu thuộc chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng bị đánh cắp, như Nước mắm Phan Thiết và Nước mắm Phú Quốc đăng ký ở Mỹ, thậm chí còn in cả bản đồ Việt Nam và đảo Phú Quốc lên thân chai. Thương hiệu Nước mắm Phú Quốc còn bị một công ty Thái Lan đăng ký ở châu Âu và thế là Thái Lan trở thành nước xuất khẩu nước mắm Phú Quốc lớn nhất vào thị trường này. Ngoài ra, còn có Cà phê Buôn Ma Thuột và Đắk Lắk bị đăng ký tại Pháp, Trung Quốc. Ðây rõ ràng là những bài học đắt giá cho doanh nghiệp Việt.
Sự chủ quan và chậm trễ trong việc đăng ký bảo hộ thương hiệu ở nước ngoài của nhiều doanh nghiệp đã khiến họ đánh mất tên sản phẩm của chính mình. Không chỉ có vậy, tên thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý của Việt Nam cũng là tài sản của quốc gia. Vì thế, việc thương hiệu bị chủ thể nước ngoài sở hữu cũng đồng nghĩa rằng tài sản quốc gia bị rơi vào tay người khác.
Vấn đề này càng nguy hại hơn đối với những sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam. Khi các thương hiệu ngoại đang tràn ngập và ồ ạt tiến vào thị trường Việt, nhiều thương hiệu nội đang hướng đến việc xuất khẩu do không thể cạnh tranh ở trong nước. Tuy nhiên, thương hiệu đã bị đăng ký mất thì họ cũng khó lòng đưa được sản phẩm ra nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Viên, Vinamit, Công ty hiện không quá lo ngại việc các doanh nghiệp ngoại tiến vào Việt Nam, vì sản phẩm của Vinamit đã vững mạnh ở thị trường Trung Quốc và Mỹ. Vinamit cũng đang gia công sản phẩm cho các chuỗi siêu thị lớn ở nước ngoài như Wal-Mart. ”Nếu không đòi được thương hiệu thì Vinamit cũng khó lòng xuất khẩu như hiện nay”, ông nói.
Mai Hân