Thương hiệu Việt có nguy cơ bị thâu tóm
Chỉ vài hôm trước Ngày Thương hiệu Việt Nam (20/4), thị trường tài chính trong nước có thông tin một thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam là Phở 24 có thể vĩnh viễn rơi vào tay của các đại gia nước ngoài.
Dự đoán trên xuất phát từ thông tin ngày 18/4 cho biết, Highlands Coffee mua 100% cổ phần của Phở 24, trong khi chính Highlands Coffee lại bán 50% cho Jollibee. Thông tin giá cả mua bán và các chi tiết khác không được công khai và ông chủ Phở 24 Lý Quí Trung cũng không hề lên tiếng về vụ M&A này.
Tuy nhiên, giới đầu tư tài chính cho rằng, giá giao dịch nói trên là hơn 20 triệu USD và đây là một bước trong lộ trình thâu tóm toàn bộ Highlands lẫn Phở 24 của Jollibee - một tập đoàn bán lẻ Philippines.
Xét ở khía cạnh người đi mua, có thể, thương vụ mua Phở 24 thông qua Highlands Coffee của Jollibee là để khai thác thương hiệu này cho toàn bộ chuỗi bán lẻ của tập đoàn này ở Philippines, cũng như khai thác trên các thị trường khác trên thế giới.
Cafe Trung Nguyên mất thương hiệu
Gần đây nhất, tên miền tiếng Anh của café Chồn của Trung Nguyên bị cá nhân khác đăng kí và nhúng nội dung quảng bá cho thương hiệu café sắp vào Việt Nam là Starbucks và một chuỗi lịch sử mất tên miền thương hiệu ở nhiều quốc gia khác cho thấy sự chủ quan của các doanh nghiệp Việt đối với vấn đề thương hiệu.
Trung Nguyên Café là một thương hiệu mạnh cả ở trong nước và quốc tế. Thương hiệu café chồn được rất nhiều biết đến với tên gọi Weasel Coffee với phiên bản đặc biệt là Legendee.
Việc một cá nhân bất ngờ mua tên miền Legendeecoffee.com và quảng bá cho café Starbucks - một thương hiệu café nổi tiếng sắp vào Việt Nam và việc Trung Nguyên mua Legendee.com nhưng lại không mua Legendee.com.vn và Legendee.vn cho thấy doanh nghiệp này có vẻ như không đánh giá cao về thương mại điện tử và tầm quan trọng của việc bảo vệ các tên miền thương hiệu như vậy.
Lotte thâu tóm Bibica
Thực tế trên thị trường tài chính trong vài năm gần đây cho thấy, rất nhiều thương hiệu Việt có lịch sử phát triển vài chục cho tới cả trăm năm đã bị các đại gia nước ngoài đã và đang thâu tóm. Sự chủ quan và cách thức chống trả của những người trong cuộc khá yếu ớt đang khiến nhiều thương hiệu dần mất dạng trên thị trường.
Trường hợp Bibica, đây là thương hiệu bánh kẹo hàng đầu của Việt Nam và đang có nguy cơ vĩnh viễn biến mất và rơi vào tay hãng bán lẻ Lotte - Hàn Quốc.
Sau 5 năm thâm nhập vào thị trường Việt Nam thông qua đối tác Bibica, đến nay Lotte đã nắm giữ được gần 40% cổ phần thương hiệu bánh kẹo đang có thị phần đứng thứ hai tại thị trường nội địa. Hiện tại, ngoài việc sản xuất những nhãn hiệu bánh kẹo truyền thống, Bibica đang phát triển khá mạnh một nhãn hiệu thuần túy có lợi cho Lotte - bánh Lottepie.
Sabeco có nguy cơ bị thâu tóm bởi chính đối tác
Trường hợp của tổng công ty cổ phần Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) khác với Bibica. Sabeco chưa bán cổ phần cho đối tác nước ngoài nhưng lại đứng trước nguy cơ bị thâu tóm một bởi đối tác "độc quyền bán hàng, phân phối sản phẩm và marketing" của mình.
Sự việc bắt đầu từ một hợp đồng mà Satraco - công ty con của SABECO (được độc quyền bán, marketing, phân phối toàn bộ các sản phẩm do tổng công ty sản xuất) ký kết hồi cuối năm 2009 với đối tác là Công ty Saigon Beer Alcohol Beverage Coporation (Singapore).
Theo đó, Sabeco Asia Pacific được độc quyền bán hàng, phân phối và marketing 4 sản phẩm chính của Sabeco tại 20 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới. Vì vậy, những quốc gia tiêu thụ các sản phẩm bia Sài Gòn qua nhà phân phối độc quyền Sabeco Asia Pacific đều có thể nghĩ rằng công ty có trụ sở tại Singapore này chính là chủ sở hữu thương hiệu Sabeco!
Và điều đáng lo ngại là, một khi Sabeco Asia Pacific đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu trên toàn thế giới thì Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn sử dụng thương hiệu Sabeco sẽ là phạm pháp. Hơn thế, con dấu dùng để giao dịch của công ty này sử dụng chữ cũng như hình ảnh giống gần như y hệt hình ảnh thương hiệu của Sabeco, chỉ có điểm khác nhau một chút là chữ Sabeco trong hình ảnh thương hiệu của Sabeco nằm ở trên, hình con rồng nằm ở dưới.
Sự việc sau đó đã được báo cáo lên Bộ Công Thương để xin ý kiến chỉ đạo xử lý vụ việc. Tuy nhiên, tới nay vụ việc dường như đã rơi vào quên lãng và cách đây khoảng hơn 1 tháng, có thông tin tỷ lệ nắm giữ của Bộ Công thương tại Sabeco trong giấy đăng ký kinh doanh mới nhất bất ngờ giảm từ 89,59% xuống chỉ còn 51%. Tuy nhiên, không rõ ai đã bỏ ra khoảng 17.000 tỷ đồng để sở hữu 40% cổ phần Sabeco.
Trước đó, năm 2002, Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam cũng đã phải đối mặt với nguy cơ mất thương hiệu Vinataba khi thương hiệu này bị Công ty Sumatra (trụ sở chính tại Indonesia) đánh cắp tại Lào và Campuchia. Do đã đăng ký thương hiệu, Vinataba chứng minh được quyền sở hữu của mình, được Chính phủ Lào công nhận là doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu Vinataba. Công ty Sumatra buộc phải hủy bỏ các sản phẩm mang thương hiệu Vinataba.
Nguồn VEF