Thương hiệu may mặc Việt dần lụi tàn!
Không ít thương hiệu thời trang một thời ăn nên làm ra như Foci, Sea, Sifa, Ninomaxx, N&M, Việt Thy, Đan Châu, Sanding… nay đã lụi tàn dần, thậm chí biến mất. Một số doanh nghiệp (DN) may mặc sau phong trào “quay lại sân nhà” cách đây mấy năm cũng đang loay hoay để tồn tại. “Miếng bánh” thị trường 90 triệu dân không dễ “xơi” và dự báo sẽ khó khăn hơn.
Chỉ 20% DN mặn mà với thị trường trong nước
Ở phân khúc hàng giá rẻ - trung bình, các cơ sở sản xuất trong nước đang bị nguồn hàng trôi nổi từ Thái Lan, Trung Quốc… lấn át. DN trong nước ở phân khúc này ngày càng khó sống. Ở phân khúc hàng dành cho giới trung lưu, vài thương hiệu như Nhà Bè, Việt Tiến, An Phước… đã tạo dựng được uy tín nhưng giá bán lại khá cao. Với chiến lược “đánh” thị trường xuất khẩu để tìm lợi nhuận cao, nhiều DN lớn đã nhường thị trường nội địa cho DN nhỏ trong nước.
Ông Nguyễn Xuân Hồng, Tổng Giám đốc Công ty May Sài Gòn 3, cho biết đã mở vài cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở TP HCM nhưng phải bù lỗ mới duy trì được. Thị trường nội địa rất khó khai thác, một số DN lớn đã nỗ lực nhưng hiện vẫn ì ạch. Sắp tới, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) có hiệu lực, thuế nhập khẩu hàng may mặc nguyên chiếc từ 20% giảm còn 0%, giá sẽ rẻ hơn, DN trong nước sẽ khốn đốn hơn. Bây giờ, những DN lớn làm hàng xuất khẩu quay về thị trường nội địa cũng không dễ chen chân với sản phẩm ngoại nhập.
Theo Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), chỉ 20% DN trong ngành mặn mà với thị trường nội địa. Những DN quan tâm đến thị trường trong nước cũng chỉ dành 20%-25% năng lực để làm hàng nội địa, còn lại vẫn tập trung cho xuất khẩu.
Chủ trương phát triển ngành dệt may đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 vẫn xác định xuất khẩu là thị trường trọng yếu, thị trường trong nước là quan trọng và không thể bỏ quên. Vinatex hiện có hơn 70 công ty song chỉ một số phát triển được ở thị trường nội địa, có thương hiệu mạnh và có lãi. Đến giờ, phần lớn DN vẫn không có ý định mở rộng ở thị trường trong nước.
Ông Lê Quang Hùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Garmex Sài Gòn, cho biết đầu tư cho kênh nội địa rất tốn kém. Giá thuê mặt bằng ở các phố thời trang như Nguyễn Đình Chiểu, Hai Bà Trưng (TP HCM) lên đến 400.000-500.000 USD/năm/cửa hàng. Ngoài ra, còn nhiều chi phí khác như quản lý, lương nhân viên, điện nước, tồn kho…
“Chi phí mở hệ thống phân phối nội địa rất tốn kém, Garmex Sài Gòn không đủ nhân lực và tài lực để đầu tư. Do vậy, ngoài tập trung làm hàng xuất khẩu, Garmex Sài Gòn gia công cho Blue Exchange để tạo công ăn việc làm mùa thấp điểm xuất khẩu” - ông Hùng giải thích.
Cần có trung tâm công nghiệp thời trang
Theo nhận định của nhiều DN, trước thời điểm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức thành lập, hàng Thái Lan nhập sang Việt Nam đã tăng 30%, sản phẩm may mặc Thái tại các cửa hàng thời trang ở Hà Nội tăng gần 70%. Khi AEC ra đời, cộng với việc các tỉ phú Thái Lan mua lại nhiều hệ thống bán lẻ tại Việt Nam, hàng Thái có thêm cơ hội thâm nhập thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, hàng Trung Quốc, Malaysia... cũng sẽ chiếm lĩnh các kênh phân phối trong nước. Ở các đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, hàng hiệu cao cấp của Mỹ, châu Âu… đã tràn ngập những cửa hàng thời trang từ khá lâu.
Theo ông Lê Quang Hùng, ngành may mặc trong nước đang đứng trước cơ hội và thách thức lớn. Khi các hiệp định thương mại tự do có hiệu lực, nguồn vải phong phú giá rẻ của Trung Quốc và nhiều nước qua đường chính ngạch vào Việt Nam với thuế suất 0% sẽ là cơ hội cho ngành may mặc nếu có thiết kế phù hợp xu hướng tiêu dùng. Vấn đề quan trọng là công nghiệp thời trang có phát triển kịp thời để DN tận dụng cơ hội này hay không.
“Đã đến lúc cần xây dựng TP HCM thành trung tâm công nghiệp thời trang của cả nước, tạo lợi thế trong cạnh tranh cho các DN dệt may trước sự thâm nhập mạnh mẽ của các nước ASEAN hay Trung Quốc” - ông Hùng đề xuất.
Thua cả hàng không thương hiệu Theo ông Lê Quang Hùng, những DN có tiềm năng sản xuất vải, có bộ phận thiết kế thời trang cùng hệ thống phân phối mới có thể chiếm lĩnh lại thị trường nội địa, như: Việt Tiến, Việt Thắng, Nhà Bè, An Phước… Những DN không đủ khả năng đầu tư phân phối nên thu gọn hoặc chuyển qua cung ứng sản phẩm cho các hệ thống phân phối khác. Chị Huỳnh Thùy Linh - chủ một cửa hàng thời trang ở quận 3, TP HCM - cho rằng không thể trách người tiêu dùng sính hàng ngoại. Hàng Thái Lan, Trung Quốc mẫu mã đa dạng, mới liên tục, giá lại tốt. Bên cạnh đó, còn có hàng xuất khẩu tồn do DN trong nước sản xuất, không thương hiệu cũng được người tiêu dùng chọn mua do chất lượng tốt, mẫu mã đơn giản nhưng không lỗi thời, giá phải chăng. Trong khi đó, hàng giá rẻ thương hiệu Việt mẫu mã kém, giá lại cao hơn hàng xuất khẩu. Chưa kể gần đây, nhiều hàng Trung Quốc núp bóng hàng Việt Nam xuất khẩu tràn ngập trên thị trường. |
Nguồn Người lao động