Thuế, phí chiếm tới 32% giá xăng dầu
Với mức thuế và phí này, theo các chuyên gia là khá cao, nhà nước nên chia sẻ khó khăn bằng việc giảm thuế nhập khẩu để giảm bớt mức tăng giá. Một doanh nghiệp xăng dầu cho biết, nếu giảm thuế nhập khẩu 2% và không phải trích quỹ bình ổn, thì giá xăng chỉ cần tăng 400 đồng/lít.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội cho rằng, trong thời điểm rất khó khăn này, đáng lẽ việc trích quỹ bình ổn cần được tính đến hoặc ít nhất là tạm dừng trích quỹ để giảm mức tăng giá.
Với mức tăng giá xăng dầu lần này khá mạnh, khoảng 6-7% và có thể khiến các biện pháp giảm chi phí đầu vào, giảm tồn kho của Chính phủ không hiệu quả.
Tổng Giám đốc một công ty cho biết, 3 đợt tăng giá xăng dầu vừa qua đều ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp. Xăng tăng khiến chi phí đầu vào tăng nhưng các doanh nghiệp khác cũng không thể tăng giá được do kinh tế khó khăn, sức mua suy giảm.
Còn dưới góc nhìn chuyên gia, PGS, TS Hoàng Trần Hậu, Học viện Tài chính cho rằng, có một số vấn đề cần xem lại trong quản lý giá xăng dầu. Theo đó, cần làm rõ thông tin về đầu vào của giá xăng, dầu cũng như cách tính toán đã minh bạch và tuân thủ đúng quy định hay chưa. Bên cạnh đó, cần xem nguồn nhập khẩu của doanh nghiệp đã được lựa chọn tốt nhất hay chưa.
Cũng theo ông Hậu, cần bắt buộc các doanh nghiệp phải nộp quỹ bình ổn xăng dầu định kỳ 15 ngày về kho bạc nhà nước trên địa bàn để nhà nước quản lý thống nhất. Quỹ bình ổn là phần trích từ giá, nhưng đó là tiền do người tiêu dùng nộp, nếu để lại doanh nghiệp quản lý thì phần thu nhập tài chính từ nguồn quỹ này được doanh nghiệp hạch toán hay chưa. Với cách quản lý quỹ như hiện nay rất khó xác định được hiệu quả sử dụng của quỹ này.
Nguồn Tiền Phong