Thực phẩm hữu cơ: Đang chờ hữu duyên!
Theo Tổ chức Phát triển Nông nghiệp châu Á tại Việt Nam, thị trường thực phẩm hữu cơ (organic) tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian qua và sẽ còn tiếp tục trong thời gian tới. Riêng tại Việt Nam, ngày càng có thêm nhiều người sản xuất và kinh doanh thực phẩm hữu cơ.
Diện tích canh tác hữu cơ của Việt Nam tăng nhanh trong thời gian qua. Từ năm 2007-2014, diện tích đã tăng từ 12.000ha lên hơn 43.000ha và đang ở top 10 các quốc gia có diện tích canh tác hữu cơ lớn nhất châu Á. Việt Nam có gần 3.000 nhà sản xuất nông sản hữu cơ.
Đặc biệt, thời gian qua, thị trường chứng kiến hàng loạt các khoản đầu tư lớn vào nông nghiệp hữu cơ. Chẳng hạn, Thành Thành Công sẽ chuyển một phần diện tích trồng mía tại Tây Ninh sang canh tác hữu cơ để từ đó sản xuất đường hữu cơ. Công ty Cổ phần TH True Milk cũng tuyên bố tham gia vào lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ khi đầu tư trồng rau hữu cơ và sản xuất sữa hữu cơ. Sản phẩm dự kiến sẽ có mặt trên thị trường vào cuối năm 2016. Trong khi đó, Vinamilk đang quảng bá rầm rộ về sản phẩm sữa organic chuẩn USDA (Mỹ) tại thị trường Việt Nam...
Có không ít doanh nghiệp thành công với sản phẩm hữu cơ, nhất là khi nguồn thực phẩm sạch trong nước còn hạn chế, trong khi đó nhu cầu về sử dụng sản phẩm hữu cơ ngày càng tăng cao. Chẳng hạn, theo đại diện của Công ty Organik Đà Lạt, lượng đơn hàng xuất khẩu cung không đủ cầu, có doanh nghiệp đặt 8 container ngò gai hữu cơ mỗi tuần để xuất khẩu vào Nhật nhưng Công ty không đủ hàng. Riêng với các sản phẩm rau đạt chuẩn hữu cơ như cà rốt baby, củ cải baby… doanh thu có thể đạt từ 500.000USD đến 1 triệu USD/ha.
Không chỉ có các nhà đầu tư lớn, hàng loạt các công ty nhỏ, cá nhân cũng đua nhau đầu tư nông nghiệp hữu cơ nhằm có lợi thế chiếm lĩnh thị trường còn khá mới mẻ và tiềm năng này. Tuy vậy, so với tổng diện tích đất canh tác, trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ vẫn còn rất khiêm tốn. Theo Bộ Khoa học và Công nghệ, diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ mới khoảng 23.000ha, chiếm 0,2% diện tích sản xuất nông nghiệp cả nước.
Đa số diện tích canh tác hữu cơ vẫn là đất hoang dã hoặc tự nhiên như vùng trồng chè san tuyết, quế, hồi ở phía Bắc hoặc vùng nuôi tôm sinh thái ở đồng bằng sông Cửu Long. Rất ít trang trại canh tác hữu cơ được chứng nhận tại Việt Nam. Phần lớn sản phẩm hữu cơ sản xuất tại Việt Nam được xuất khẩu, thị trường bán lẻ các sản phẩm này trong nước chỉ đạt khoảng 2 triệu USD trong năm 2014.
“Có những doanh nghiệp lớn đặt vấn đề hợp tác đầu tư nhưng tôi vẫn muốn họ nhận ra rằng, đầu tư vào nông nghiệp rất rủi ro”, bà Phạm Phương Thảo, Giám đốc Công ty Thương mại dịch vụ Mùa (Organica), cho biết.
Thực tế, trải qua 4 năm nhưng doanh nghiệp này mới chỉ phát triển được 4 cửa hàng. “Khi hay tin tôi mở cửa hàng tại quận Phú Nhuận, nhiều nông dân mừng lắm vì hệ thống có thêm cửa hàng mới. Nhưng họ phấn khởi bao nhiêu thì tôi lại lo lắng bấy nhiêu. Bởi phía sau sự kỳ vọng của bà con là rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận người tiêu dùng”, bà Thảo chia sẻ với NCĐT khi nói về việc phát triển hệ thống Organica.
Hiện nay, Organica có vùng trồng rau thương phẩm hơn 10ha, tập trung tại Đồng Nai, Lâm Đồng và Ba Vì (Hà Nội). Đồng Nai phát triển rau nhiệt đới quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam như rau muống, rau mồng tơi. Đà Lạt sẽ phát triển các loại rau quả như xà lách, súp lơ, bông cải, cà chua... Tất cả sản phẩm đều được trồng từ giống cây thuần chủng không biến đổi gen. Cây được trồng trong nhà kính hoặc nhà lưới tùy theo khu vực để chống sâu bệnh.
Hệ thống cửa hàng bán sản phẩm hữu cơ trong nước và nhập khẩu Organica tại TP.HCM. Ảnh: Sơn Phạm |
Trung bình mỗi tháng, chuỗi hệ thống này cung ứng cho thị trường 1 tấn rau, củ, quả, trong đó rau nhiệt đới chiếm hơn 40% và giá bán cao hơn giá bán thị trường từ 30% đến gấp 2 hoặc 3 lần. Cụ thể, giá bán được phân làm 2 loại: đồng giá là 55.000 đồng/kg đối với rau nhiệt đới và 60.000 đồng/kg đối với rau ôn đới. Ngoài ra, một số sản phẩm khác sẽ có giá cao hơn phụ thuộc vào chất lượng giống nhập khẩu. “Do đặc trưng vùng trồng và phân bổ sản lượng từng giống, chúng tôi muốn chúng trợ giá lẫn nhau, nên tại cửa hàng sẽ có giá bán như vậy. Đối với một số sản phẩm có giống phải nhập khẩu, hạt giống đến vài triệu đồng mỗi kg nên giá sẽ cao hơn thị trường”, bà Thảo cho biết.
Với mô hình của mình, hiện tại sản phẩm rau, củ, quả hữu cơ chiếm 40% lượng hàng, 60% còn lại chuỗi hệ thống này kinh doanh các sản phẩm hữu cơ khác như gia vị, gạo, thịt, cá và một số thực phẩm hữu cơ được nhập khẩu với hơn 600 mặt hàng có chứng nhận. Việc kinh doanh thêm mặt hàng khác cơ bản để giúp doanh nghiệp hoàn thành được mục tiêu sản phẩm và cũng tạo được nguồn tài chính để đảm bảo doanh thu của hệ thống.
Tuy nhiên, có doanh nghiệp đầu tư vào trang trại nông nghiệp cả chục tỉ đồng nhưng chưa đầy một năm sau, trang trại này hầu như không có sản phẩm trên thị trường. Bởi vì canh tác theo phương thức hữu cơ khó hơn hình dung.
Dù thời gian đầu làm khá tốt nhưng về sau sâu bệnh nhiều hơn dẫn đến khó kiểm soát, nhiều lúc phải hủy cả vườn rau vì nấm bệnh. Còn nhớ, dù tiên phong về thực phẩm hữu cơ nhưng chuỗi TH True VEG sau 2 tháng ra mắt sản phẩm rau hữu cơ phải thông báo tạm dừng vì không đủ hàng bán và phải chờ gieo trồng vụ mới khi đó mới có sản phẩm bán lại. Cho đến nay, khó khăn này vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Bà Phương Thảo cho biết: “Trồng rau hữu cơ, tức canh tác theo phương pháp tự nhiên, nhổ cỏ cũng bằng tay. Ngoài ra cây trồng cũng dễ chịu tác động tự nhiên, có khi gần đến ngày thu hoạch nhưng gặp mưa liên tục sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Mới đây, hệ thống chúng tôi có khi đến 3 ngày vẫn không có rau do ảnh hưởng mưa nhiều”. Khi canh tác hữu cơ, vấn đề khó nhất là giống, làm sao chọn được giống tốt, giống không biến đổi gen. Quá trình canh tác phải đúng chu kỳ phát triển của rau, kéo dài gần 30 ngày chứ không ngắn ngày như trồng có bón phân. “Nhưng khó khăn là làm sao để người tiêu dùng nhận thức mà chấp nhận mua sản phẩm với giá cao hơn so với giá bán tại chợ”, bà Thảo cho biết.
Do giá cao nên thị trường thực phẩm hữu cơ có đầu ra lại bấp bênh vì kênh tiêu thụ còn rất hạn chế. Sản phẩm canh tác theo phương thức hữu cơ có giá cao hơn 2-3 lần sản phẩm thường, nên các cửa hàng thực phẩm sạch thường không lấy bán. Do đó, xảy ra tình trạng người làm nông nghiệp hữu cơ không biết bán đi đâu trong khi người kinh doanh không có hàng bán.
Việt Nam cũng có tiêu chuẩn GAP nhưng tiêu chuẩn này vẫn chưa thực sự chiếm được niềm tin của người tiêu dùng... Với cách làm ồ ạt hiện nay, nhiều người lo ngại làm nông nghiệp hữu cơ giống như làm VietGAP.
Nói về tiềm năng và sự tăng trưởng của thị trường sản phẩm hữu cơ, bà Thảo nhận định: “Thực sự trong 4 năm qua, lượng khách chỉ tăng chậm đều, không có tăng đột biến. Nhưng đây là đầu tư dài hơi cho một thị trường tương lai nên chúng tôi còn nhiều kỳ vọng”.
Hoàng Quân