Thứ Năm | 20/10/2016 11:41

Thúc đẩy tiêu dùng để tăng trưởng kinh tế hơn nữa

Muốn duy trì đà tăng trưởng và sức hấp dẫn của nền kinh tế, ngành tiêu dùng phải nâng mức đóng góp lên trên 5% để GDP có thể tăng trên 7%.

Đó là quan điểm của ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, trong bài phat biểu tại Hội nghị Đầu tư 2016 với chủ đề Làm giàu với kinh tế tiêu dùng do tạp chí Nhịp cầu Đầu tư tổ chức.

Ông Thành cho biết, sau tăng trưởng kinh tế ngoài mong đợi trong năm 2015, tăng trưởng năm nay đã chậm lại và Chính phủ tính toán mức tăng đạt 6,3 - 6,5%.

Từ phía sản xuất, suy giảm ngành công nghiệp khai thác và tăng trưởng chậm trong nông nghiệp đã kéo tăng trưởng kinh tế chậm lại. Tuy nhiên, theo ông Thành, nếu nhìn vào phía cầu, nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua được tiêu dùng thúc đẩy, nên tiêu dùng cuối cùng tăng thấp hơn dẫn tới tăng trưởng 2016 thấp hơn 2015.

Đóng góp của tiêu dùng tư nhân vào tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 2006 - 2010 trung bình 4,9%/năm nhưng đến 2011 - 2015 giảm còn 4,4%/năm. Đặc biệt, trong các năm 2007, 2015, tiêu dùng tăng mạnh thì đồng thời nhập khẩu cũng tăng mạnh. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp trong nước.

Mặt khác, lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng sản phẩm quốc nội GDP Việt Nam là tiêu dùng. Năm 1990, tiêu dùng chiếm 84,3% GDP, đến năm 2015 mặc dù suy giảm nhưng vẫn chiếm tới 65,1%. Con số này cao hơn nhiều so với mức bình quân của khu vực Đông Á hay các nước Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc và cao ngang ngửa với Mỹ.

Vị chuyên gia kinh tế cũng dẫn báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB), theo đó, nếu nhìn vào cả khu vực châu Á, điểm chung là tất cả nền kinh tế sẽ ngày càng dựa vào đóng góp của tiêu dùng tư nhân, kể cả nước phụ thuộc nhiều vào lĩnh vực đầu tư như Trung Quốc. Với Việt Nam, trong thời gian qua dù có nỗ lực gia tăng đầu tư, nhưng bản thân ngành tiêu dùng tư nhân đã chiếm tới 2/3. Điều này đặt ra thách thức, nếu muốn duy trì đà tăng trưởng và sức hấp dẫn của nền kinh tế, bản thân tiêu dùng phải nâng mức đóng góp từ 4,4% lên trên 5% để GDP có thể tăng trên 7%, ông Thành kết luận.

Theo ông Thành, trong ngắn hạn, động lực thúc đẩy tiêu dùng là nhờ giá hàng hóa thấp. Nhưng trong trung và dài hạn, động lực tiêu dùng nằm ở tín dụng tiêu dùng và nhu cầu tiêu dùng của tầng lớp trung lưu. Theo nghiên cứu của BCG, Việt Nam là nước có tầng lớp trung lưu và giàu có tăng trưởng nhanh nhất. Năm 2012, số người thuộc tầng lớp này là 12 triệu người, đến năm 2020 dự kiến con số này sẽ lên tới 33 triệu người.

Tuy vậy, để tăng trưởng bền vững từ tiêu dùng, Việt Nam cần phải nâng cao năng suất lao động, chất lượng thể chế và quản trị nhà nước cùng năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, ông Thành khẳng định.

Trường Văn