Thịt, tôm, cá… hữu cơ Việt hút nhà đầu tư ngoại
Nông nghiệp hữu cơ đang là xu hướng của thế giới và đem lại nhiều cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp (DN) lẫn trang trại Việt. Đó là nhận định của các đại biểu tại hội thảo “Nhận diện sản phẩm nông nghiệp organic Việt Nam - Xu hướng phát triển và xúc tiến liên kết sản xuất tiêu thụ”, do Bộ NN&PTNT phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức tại TP.HCM ngày 12-5.
Dồn dập đặt hàng hữu cơ
Ngay tại hội thảo trên, nhiều đối tác đến từ Nhật, Đức, Liên minh châu Âu (EU)… đã ký kết hợp tác sản xuất và tiêu thụ sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ (không sử dụng chất hóa học, chất kháng sinh…) với các công ty Việt. Chẳng hạn một đối tác Nhật Bản đã đặt hàng tám container rau ngò gai hữu cơ với giá cao. Nhiều khách hàng từ EU cũng đặt hàng thịt, cá, cà rốt, củ cải, cà chua… của các DN Việt.
Đề cập về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Hùng, Giám đốc Công ty TNHH Liên doanh Organik Đà Lạt, nhận định: “Nhu cầu thực phẩm hữu cơ của nhiều nước đang rất lớn và đây là cơ hội xuất khẩu tốt cho các công ty trong nước. Ví dụ, nếu đối tác Việt Nam đáp ứng đủ số lượng của khách hàng ngoại thì 1 ha rau có thể thu về 500.000-1 triệu USD”.
Theo ông Hùng, đơn hàng xuất khẩu nhiều nhưng sản lượng khó đáp ứng vì diện tích nuôi trồng đạt tiêu chuẩn hữu cơ hiện nay chưa nhiều. “Hiện nay chúng tôi mới có hơn 150 sản phẩm hữu cơ như các loại rau quả, gạo, tôm, cá... Tuy nhiên, khách hàng các nước rất khó tính, họ thích nhiều sản phẩm nên phải đa dạng hóa sản phẩm” - ông Hùng lưu ý.
Công ty TNHH Hưng Thịnh (Tây Ninh) cho hay đã hợp tác với một công ty của Đức để nuôi cá và tôm hữu cơ xuất sang nước này. Công ty cũng đã xây dựng nông trại với diện tích hơn 1.500 ha phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm hữu cơ. “Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (Eurocham) cũng đề nghị được hợp tác với các công ty Việt trong lĩnh vực sản xuất hữu cơ” - đại diện công ty cho biết thêm.
Công ty Viễn Phú đã bắt tay với một công ty của Nhật sản xuất gạo, tôm, cá… hữu cơ để xuất khẩu sang Nhật. Ông Võ Minh Khải, Tổng Giám đốc công ty này, cho biết thêm: “Tới đây sẽ có khoảng bảy đối tác đến từ Nhật làm việc với chúng tôi để cùng bàn việc hợp tác phát triển sản phẩm hữu cơ. Không chỉ vậy, họ cũng đã lên kế hoạch triển khai quảng bá, marketing sản phẩm hữu cơ Việt tại Nhật”.
Đáng chú ý, đại diện một tập đoàn của Thái Lan cho hay nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hữu cơ ở nước này tăng mạnh trong những năm gần đây với tốc độ tăng trưởng hơn 8%/năm. Thế nhưng nguồn cung sản xuất không đủ đáp ứng nên DN Thái đang có kế hoạch nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ Việt Nam.
“Để đảm bảo đúng tiêu chuẩn hữu cơ, tạo niềm tin cho người tiêu dùng, chúng tôi sẽ nhờ một đơn vị kiểm định độc lập để giám sát và chứng nhận tiêu chuẩn hữu cơ đối với các sản phẩm nông nghiệp sản xuất ở các trang trại tại Việt Nam” - đại diện tập đoàn Thái Lan cho biết.
Bắt tay nhau để xuất khẩu
Ông Lê Thành, chuyên gia về thực phẩm hữu cơ, nhận định dù nhu cầu trong nước lẫn xuất khẩu rất lớn nhưng khó khăn mà sản xuất hữu cơ đang gặp phải là chính sách về đất đai chưa hợp lý, thiếu vốn và thiếu kỹ thuật. Đặc biệt, lâu nay chưa có sự kết nối giữa các đơn vị sản xuất với hiệp hội và chưa xây dựng được thương hiệu sản phẩm hữu cơ Việt Nam.
“Để khắc phục hạn chế trên, Bộ NN&PTNT, Bộ KH&CN, Hiệp hội Nông nghiệp hữu cơ và các công ty, đã xây dựng mô hình “Ngôi nhà Organic - thực phẩm hữu cơ”. Mô hình này sẽ thực hiện các nhiệm vụ chính như liên kết, sản xuất và tiêu thụ, ký kết với các thị trường quốc tế, đặt hàng xuất khẩu” - ông Thành chia sẻ.
Các đơn vị sản xuất sản phẩm hữu cơ cũng đang đẩy mạnh liên kết với các hệ thống bán lẻ. Ông Phạm Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc SaigonCo.op, cho biết trước nhu cầu tiêu dùng sản phẩm hữu cơ trong nước ngày càng cao, SaigonCo.op đã quyết định dành riêng một khu trưng bày, giới thiệu các sản phẩm loại này.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam thông tin, tới đây bộ này sẽ cùng Bộ KH&CN thành lập một tổ công tác chuyên hỗ trợ, phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ. Tổ công tác sẽ đến từng công ty, trang trại để tìm hiểu các khó khăn, vướng mắc để từ đó có các giải pháp tháo gỡ phù hợp.
“Ngoài ra, sắp tới Bộ NN&PTNT sẽ thực hiện chuyến công tác qua các nước châu Âu, Nhật Bản… để tìm kiếm đối tác, qua đó nhằm hỗ trợ các DN, địa phương có sản xuất nông nghiệp hữu cơ” - Thứ trưởng Nam cho hay.
Người dùng có nhiều cơ hội lựa chọn Thực phẩm hữu cơ không sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, diệt cỏ hóa học và không chứa chất kích thích tăng trưởng, tăng trọng. Trong khi các tiêu chuẩn khác như GlobalG.A.P., VietGAP... được sử dụng phân bón hóa học, thuốc trừ sâu, trừ cỏ hóa học nhưng có kiểm soát. Hiện nay trên thị trường sản phẩm hữu cơ khá đa dạng. Ngoài rau, củ, quả còn có thịt heo, gà, bò, tôm, cá… có chứng nhận hữu cơ. Việc ngày càng có nhiều sản phẩm hữu cơ giúp người tiêu dùng có nhiều cơ hội lựa chọn với giá cả hợp lý. Người tiêu dùng có thể mua thực phẩm hữu cơ ở các cửa hàng, siêu thị như Co.opmart, Aeon Tân Phú hay mua qua mạng. Nhà nước cần có những chính sách (đất đai, tín dụng, thị trường...) cụ thể mang tính đột phá để chuyển đổi dần từ canh tác hóa học sang sản xuất thân thiện với môi trường. Từ đó đáp ứng xu thế hội nhập, cạnh tranh với thế giới cũng như cải thiện sức khỏe cộng đồng. Đồng thời cần quy hoạch diện tích dành cho nông nghiệp hữu cơ. Ông LÊ THÀNH, chuyên gia về thực phẩm hữu cơ |
Nguồn PLO