Thị trường sữa tươi nguyên liệu: Đấu trường tỷ đô
Dù không sở hữu nhà máy chế biến sữa nào, nhưng năm 2014 ông Đoàn Nguyên Đức vẫn quyết định đưa Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai dấn thân vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa.
Cung chưa theo kịp cầu
Hiện tại, toàn bộ lượng sữa khai thác được của đàn bò Hoàng Anh Gia Lai đều được cung cấp cho nhà máy sữa của Nutifood, do hai bên đã bắt tay hợp tác với nhau tạo thành chuỗi liên kết khép kín. Trong tuyên bố gần đây, ông Đoàn Nguyên Đức khẳng định Hoàng Anh Gia Lai chỉ bán sữa cho Nutifood, không bán cho bất cứ đối tác thứ hai nào. Tuy nhiên, dù Nutifood có không ký hợp đồng bao tiêu hết lượng sữa khai thác được từ đàn bò, Hoàng Anh Gia Lai cũng không phải lo lắng về chuyện tìm kiếm đối tác thay thế.
Không phải ngẫu nhiên mà ông Đoàn Nguyên Đức lại quyết định đầu tư vào trang trại nuôi bò sữa, khi không nắm trong tay bất cứ một nhà máy chế biến sữa nào. Trước khi đi đến quyết định trên, vị doanh nhân này cũng đã nhìn rõ tương lai “béo bở” đang chờ đón của ngành bò sữa VN, nhờ vào nhu cầu tiêu thụ sữa ngày càng cao.
Theo báo cáo về triển vọng thị trường sữa và bò sữa của Trung tâm nghiên cứu thuộc Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, quy mô thị trường sữa Việt Nam tăng trưởng mạnh từ 1,6 tỷ USD năm 2010 lên 2,9 tỷ USD năm 2013. Dự báo quy mô thị trường sẽ đạt 4 tỷ USD trong năm 2015, với mức tăng trưởng bình quân hàng năm là 21% trong giai đoạn 2010-2015. Tác động chính đến mức tăng trưởng của thị trường là do thu nhập người tiêu dùng tăng, cùng với sự phát triển của hệ thống bán lẻ và thay đổi thị hiếu người tiêu dùng.
Quy mô thị trường lớn như vậy, nhưng tổng số bò sữa trong nước hiện tại cũng chỉ ở mức khoảng 240.000 con, đáp ứng được 30% nhu cầu sữa tươi nguyên liệu trong nước. Hơn 2/3 lượng sữa nguyên liệu còn lại đều được nhập từ các nước khác, chủ yếu dưới dạng sữa bột. Hiện, VN đang là một trong 20 nước nhập khẩu sữa lớn nhất thế giới. Dự kiến năm 2015 VN sẽ phải bỏ ra 1,1 tỷ USD để nhập 1,5 triệu tấn sữa các loại. Tốc độ nhập khẩu sữa trung bình hàng năm tăng 15%. Sự thiếu hụt nguồn cung trong nước cũng đã đẩy giá thu mua sữa tươi nội địa tăng liên tục từ năm 2003-2014 với tốc độ trung bình 12% mỗi năm. Dự báo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thông cho biết, VN vẫn thiếu hụt nguồn sữa nguyên liệu trong vòng 10 năm tới, mặc dù nhu cầu hiện nay chỉ ở mức 1,3 tỷ lít.
Không chỉ có Hoàng Anh Gia Lai, Tập đoàn Đức Long Gia Lai năm ngoái cũng đã công bố dự án nuôi bò lên tới 11.000 tỷ đồng tại Tây Nguyên, trong đó số lượng bò sữa có thể lên tới 80.000 con. Cũng giống như Hoàng Anh Gia Lai, Đức Long Gia Lai đã bắt tay với Vinamilk để trở thành đối tác cung cấp sữa nguyên liệu cho Cty sữa lớn nhất VN này.
TH đã buộc các Cty sữa khác cũng phải chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước, thay vì nhập khẩu nguyên liệu sữa bột từ bên ngoài.
Ngay cả các Cty sữa cũng đang tích cực tham gia vào lĩnh vực chăn nuôi bò sữa. Vinamilk tháng 8 vừa qua cũng đã khởi công xây dựng tổ hợp trang trại bò sữa tại Thanh Hóa, với quy mô tối đa có thể đạt là 24.000 con bò sữa. Hiện tại Vinamilk cũng đã có 8 trang trại nuôi bò sữa, và liên kết với 8.000 hộ dân có tổng đàn bò sữa lên tới 100.000 con. Hà Nội Milk gần đây cũng đã được Thành phố Hà Nội chấp thuận dự án trang trại nuôi 2.000 con bò sữa. Đây là một bước tiến của Cty nhằm giảm sự phụ thuộc vào sữa nguyên liệu nhập khẩu.
Sôi động từ sự bứt phá của TH
Thực tế thì câu chuyện thiếu hụt nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước, buộc các Cty sữa phải nhập khẩu phần lớn sữa bột nguyên liệu về chế biến lại thành sữa nước đã diễn ra hàng thập kỷ qua ở VN. Nhưng tại sao đến bây giờ chăn nuôi bò sữa mới được chú ý đến nhiều như vậy?
Sự ra đời của Cty sữa TH true Milk, thuộc Tập đoàn TH, đã góp phần lớn thay đổi cấu trúc thị trường sữa, và tác động đến ngành chăn nuôi bò sữa. Với chiến lược kinh doanh tập trung hoàn toàn vào việc cung cấp các sản phẩm sữa tươi sạch, Tập đoàn TH đã lên kế hoạch đầu tư 1,2 tỷ USD vào dự án trang trại bò sữa và nhà máy chế biến sữa tại Nghệ An, tạo ra một chuỗi liên kết khép kín. Hiện tại, số lượng bò sữa của TH đã lên tới 45.000 con. Dự kiến đến năm 2017, tổng đàn bò sẽ tăng lên 137.000 con và năm 2020 sẽ là 203.000 con bò. Chỉ trong vòng 5 năm, TH cũng đã đưa tỷ lệ thị phần sữa trong nước từ con số 0 lên 30%. Chính chiến lược sữa tươi sạch của TH đã buộc các Cty sữa khác cũng phải chuyển hướng đầu tư nhiều hơn vào nguồn nguyên liệu sữa tươi trong nước, thay vì nhập khẩu nguyên liệu sữa bột từ bên ngoài. Và từ đó, kéo theo cơ hội phát triển cho ngành chăn nuôi bò sữa.
Nguồn Diễn đàn doanh nghiệp