Thị trường du lịch Việt Nam hấp dẫn các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới
Giờ đây, tập đoàn du lịch nổi danh thế giới này đang nhắm tới thị trường du lịch đầy tiềm năng của Việt Nam.
Hiện tại, tập đoàn Hilton Worldwide dự kiến sẽ mở rộng thương hiệu của mình tại Việt Nam. Trong tháng 10 năm nay, tập đoàn Hilton có kế hoạch xây dựng chuỗi khách sạn Hilton Garden Inn đầu tiên tại Đông Nam Á trong quần thể khu phố Pháp của thủ đô Hà Nội.
Phó chủ tịch phát triển châu Á của tập đoàn Hilton, ông Guy Phillips nhận định: "Việt Nam là một thị trường nơi người tiêu dùng trong nước khá sính các thương hiệu quốc tế." Ông Phillips cũng cho biết tập đoàn đang xem xét khả năng cho xây dựng thêm các khu Garden Inn tại 10 khu vực khác trên toàn Việt Nam.
Tập đoàn Hilton cũng có kế hoạch xây mới hoặc mở rộng các khách sạn hạng trung tại Việt Nam. Theo ban lãnh đạo tập đoàn, tầng lớp trung lưu Việt Nam ngày càng có xu hướng du lịch nhiều hơn, điều đó thúc đẩy nhu cầu phải phát triển ngành du lịch một cách hoàn thiện.
Giám đốc quản lý tại Việt Nam của tập đoàn CBRE, Marc Townsend cho rằng: "Thị trường khác sạn Việt Nam đã và đang thay đổi mạnh mẽ. Khách hàng Việt Nam giờ đây dần chuyển từ những khách sạn 1 sao sang 3 sao. Cá biệt một số còn đủ khả năng thuê khách sạn 5 sao."
Từ một trong những nước nghèo nhất thế giới và bị tàn phá bởi hai cuộc chiến tranh, Việt Nam giờ đây đã đạt tới mức độ "thấp hơn thu nhập trung bình", theo như cách gọi của Ngân hàng Thế giới (WB), với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người đạt 1.374 USD trong năm 2011, gấp ba lần so với thập niên trước. Tỷ lệ hộ nghèo của Việt Nam giảm từ 58% trong năm 1993 xuống 11% trong năm 2010, theo báo cáo từ Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội.
Theo Tổng cục Thống kê tại Hà Nội, số lượng khách quốc tế tới thăm Việt Nam tăng 25% trong quý I năm nay, vượt xa mức 19% trong năm 2011. Trong năm 2011, số du khách tới Việt Nam lần đầu vượt qua con số 6 triệu người. Dự kiến trong năm nay, số khách du lịch có thể vượt quá 7 triệu.
Theo đánh giá về khách sạn khu vực châu Á Thái Bình Dương của nhóm STR Global, tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn Việt Nam là 63,5% trong năm 2011, cao hơn so với những nước có nền du lịch phát triển ở châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ và Thái Lan. Trong 4 tháng đầu năm nay, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn tại Hà Nội lên tới 71%, vượt qua nhiều tên tuổi khác như Bangkok, Beijing, Jakarta, Mumbai, New Delhi và Thượng Hải để vươn lên vị trí thứ 12 trong số 20 thị trường du lịch châu Á Thái Bình Dương, STR Global cho biết.
Du lịch nội địa cũng tăng 7% lên 30 triệu lượt khách so với năm ngoái, Tổng cục Du lịch Việt Nam cho biết.
Ngoài tập đoàn Hilton, nhiều khách sạn có thương hiệu lớn trên thế giới cũng đang nhắm tới thị trường khách sạn Việt Nam. Điển hình như tập đoàn Starwood, hiện có ba khách sạn Sheratons tại Việt Nam, đang có kế hoạch xây dựng thêm khách sạn hạng sang Le Meridien tại thành phố Hồ Chí Minh trong năm nay.
Tập đoàn Accor, hiện đang sở hữu khách sạn cao cấp Sofitel và tầm trung Novotel, cũng có kế hoạch ra mắt thương hiệu khách sạn Ibis tại thành phố Hồ Chí Minh ngay trong tháng này. Hiện hệ thống khách sạn Ibis đã có mặt tại nhiều thành phố trong khu vực Đông Nam Á, bao gồm Indonesia, Thái Lan cùng nhiều nơi khác như Trung Quốc và Hong Kong. Hiện tại, tập đoàn khách sạn có trụ sở tại Paris này có kế hoạch xây mới 3 khách sạn Ibis và đến năm 2015, sẽ có khoảng 20 khách sạn Ibis tại Việt Nam.
Theo giám đốc quản lý của Horwath HTL Asia Pacific, ông Robert Hecker: "Tại một thị trường như Việt Nam, nơi có lượng khách di chuyển giữa thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chính Minh, hoạt động di chuyển nội địa đủ sức tạo ra nhu cầu mạnh mẽ."
Phó chủ tịch chương trình phát triển của tập đoàn InterContinental Hotels, Phil Kasselis, cũng nhận định: "Thị trường khách sạn tầm trung Việt Nam vẫn còn rất nhiều khoảng trống. Tuy nhiên, ông Kasselis cũng cảnh báo người Việt Nam hiện chưa quen với những thương hiệu khách sạn tầm trung của thế giới, do đó, sẽ phải mất khá nhiều thời gian để người dân có thể biết đến và quen thuộc.
Nguồn Bloomberg/DVT